Malaysia nỗ lực triển khai chiến lược giảm tác động từ thuế quan của Mỹ

Malaysia nỗ lực triển khai chiến lược giảm tác động từ thuế quan của Mỹ
5 giờ trướcBài gốc
Quang cảnh cảng hàng hóa Long Beach, California (Mỹ). (Ảnh: THX/TTXVN)
Mỹ đã tuyên bố sẽ áp dụng mức thuế 25% đối với Malaysia, bắt đầu từ ngày 1/8. Đây là mức thuế quan cao hơn so với mức 24% trước đó và được áp dụng đối với một số hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ.
Theo Giáo sư Nafis Alam, Trưởng khoa Kinh doanh của Đại học Monash (Malaysia), một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Malaysia sang Mỹ, đặc biệt là điện và điện tử sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất, bao gồm giảm sức cạnh tranh và biên độ lợi nhuận bị thu hẹp.
Ngoài ra, hiệu ứng lan tỏa của mức thuế quan mới cũng ảnh hưởng đến nhiều công ty cung cấp vật liệu, vận tải, hậu cần khi nhu cầu xuất khẩu giảm.
Các công ty đa quốc gia Malaysia có trụ sở tại Mỹ, trong đó 65% là về lĩnh vực điện tử sẽ phải đối mặt với tình trạng chi phí tăng cao, qua đó dẫn đến việc tái cân bằng chuỗi cung ứng. Các nước ở khu vực như Việt Nam có tiềm năng trở thành trung tâm sản xuất hấp dẫn hơn.
Nhiều tập đoàn đa quốc gia sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn như việc bị kiểm tra về nguồn gốc xuất xứ chặt chẽ hơn, khả năng hàng hóa bị tồn kho và việc chưa chắc chắn liệu một số sản phẩm cụ thể có được miễn thuế hay không, từ đó dẫn đến khả năng phải dịch chuyển sản xuất để tránh các rào cản thuế quan.
Một hiệu ứng lan tỏa khác là sự tái cân bằng của mô hình đầu tư khi các tập đoàn lớn, đặc biệt là trong lĩnh vực điện tử, máy móc và phụ tùng ô tô sẽ xem xét lại năng lực sản xuất của Malaysia, từ đó dẫn đến khả năng dòng vốn dài hạn sẽ chảy vào các quốc gia khác trong ASEAN như Việt Nam, Indonesia hoặc Thái Lan.
Để ứng phó, Malaysia đang nỗ lực triển khai chiến lược kép khi một mặt nỗ lực tham gia đàm phán với Mỹ, đặc biệt là tận dụng chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio tới dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN vừa qua. Đây là yếu tố then chốt để giúp Malaysia đạt được thỏa thuận giảm thuế còn 15-20%.
Mặt khác, Malaysia đang nỗ lực thúc đẩy các hiệp định thương mại với Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc, cũng như tận dụng các khuôn khổ đa phương hiện có như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.
Mặc dù cam kết không trả đũa thuế quan, song Malaysia vẫn kiên quyết giữ vững lập trường trong một số lĩnh vực như chứng nhận halal, khiến cuộc đàm phán trở nên khó khăn hơn.
Hiện nay, Malaysia đã tổ chức hơn 25 phiên đàm phán cấp cao, với nhiều đề xuất như cam kết về môi trường và lao động, mua máy bay Boeing, thúc đẩy hợp tác về công nghệ và chất bán dẫn nhằm mục tiêu đạt được mức thuế quan dưới 25%.
Cuối cùng, Giáo sư Nafis Alam kết luận mức thuế 25% đang gây áp lực lên các ngành xuất khẩu hàng đầu của Malaysia và đe dọa việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trong thời gian tới, việc đàm phán thành công hay không phụ thuộc rất lớn và khả năng Malaysia sẽ đạt được một thỏa thuận thương mại giúp giảm thuế quan (lý tưởng nhất là ở mức 15-16%), trong khi đó vẫn duy trì được những nguyên tắc cốt lõi trong các chính sách kinh tế.
Ngoài ra, việc tăng cường hợp tác nội khối ASEAN cũng là một chiến lược hiệu quả nhằm giúp nền kinh tế Malaysia duy trì được sự ổn định trước cơn bão thuế quan đang hiện hữu. Theo đó, hoạt động thương mại của Malaysia sẽ phụ thuộc lớn và mức độ đa dạng hóa quan hệ đối tác thương mại, bảo vệ lợi ích cốt lõi và duy trì vị thế tiên phong trong chuỗi giá trị công nghệ cao./.
(TTXVN/Vietnam+)
Nguồn VietnamPlus : https://www.vietnamplus.vn/malaysia-no-luc-trien-khai-chien-luoc-giam-tac-dong-tu-thue-quan-cua-my-post1049612.vnp