Mạnh Thường Quân của phố

Mạnh Thường Quân của phố
3 giờ trướcBài gốc
Chị dâu Nhung làm ở một khu công nghiệp ven thành phố. Công ty chị khá lớn, đông công nhân, chuyên về dây cáp điện.
Nhung ít khi tâm sự, trò chuyện với chị. Chị thì đi làm suốt, có hôm tăng ca đến tối muộn, thứ bảy cũng đi làm. Ngày lễ, ngày giỗ, Nhung giúp chị làm cơm, bày biện, hai chị em chỉ chuyện bếp núc, sắm sửa, học hành của bọn trẻ, sức khỏe của bố mẹ nên cũng không biết nhiều về thu nhập, kinh tế của anh chị.
Nhung vốn ưa hình thức, hay đánh giá người khác qua bề ngoài và đòi hỏi bản thân cũng vậy. Cô dành thời gian, tiền bạc để mua sắm, làm đẹp. Mỗi khi diện những bộ cánh sang trọng, đắt tiền, Nhung cảm thấy tự tin, nghĩ người khác cũng nể mình hơn. Nhung quan niệm, người có xe đẹp, quần áo đẹp ắt sẽ có thu nhập cao. Vì thế, qua cách ăn mặc của chị dâu, cô nghĩ chị không khá giả gì. Mấy bộ đồ ở nhà đã cũ nhưng chị không chịu thay. Đi làm thì toàn mặc đồng phục công ty. Mỗi lần có tiệc tùng, đám cưới, Nhung đến phát ngại với mọi người vì chị dâu, nhất là ở quê, họ hàng nhận xét, chị không bằng người nông thôn.
Nghe Nhung phàn nàn, mẹ cô bảo:
- Từ ngày có chị Nga, không khí trong nhà lúc nào cũng dễ chịu. Anh mày trước đây tính tình nóng nảy, giờ lại vui vẻ, ít khi to tiếng. Mẹ cũng mừng.
- Nhưng việc ấy đâu liên quan đến chuyện ăn mặc của chị dâu con ạ?
Mẹ Nhung nghe vậy nhưng cứ lờ đi, bà chỉ nhắc nhiều về ưu điểm của con dâu, nào là nấu ăn ngon, chịu khó dạy dỗ con cái, nhà cửa sạch sẽ, gọn gàng. Nhung cười thầm trong bụng, nghĩ đấy là mẹ chưa nhìn thấy chị dâu ở ngoài xã hội. Người đâu mà keo kiệt cả với bản thân.
Hôm nay, Nhung về nhà có việc gấp, cô muốn vay mẹ ít tiền trả ngân hàng. Vợ chồng Nhung đang có khoản nợ 300 triệu đồng vay xây nhà phải trả. Sắp tới ngày trả tiền mà cô vẫn thiếu 20 triệu, chưa biết xoay xở ở đâu. Vào nhà, thấy bác tổ trưởng tổ dân phố đang trò chuyện vui vẻ cùng mẹ, lại còn nhắc đến tên chị dâu. Nhung tò mò hỏi, bác bảo đang đến vận động "Mạnh Thường Quân của phố" ủng hộ bà con bị ảnh hưởng bởi bão lũ và kinh phí tổ chức hoạt động chào mừng Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10. Năm nay, khu phố định mua tặng mỗi chị em một mảnh vải may áo dài, nhưng kinh phí còn khó khăn. Nhung vui mồm:
- Chị dâu cháu thì làm gì có tiền ạ. Đến quần áo chị ấy còn không dám sắm thì nói gì đến tài trợ áo dài?
Bác tổ trưởng dân phố nhìn Nhung ngạc nhiên:
- Sao cháu nói thế? Cháu không biết chị là Mạnh Thường Quân lớn của khu phố nhà mình à? Ai khó khăn, chị cháu đều đến tận nhà hỗ trợ. Rồi ngày lễ, Tết... chị cháu đều ủng hộ nhiều. Chị Nga còn đang hỗ trợ chi phí học tập hằng tháng cho 2 học sinh khó khăn ở phố nhà mình mỗi năm đấy.
Đúng lúc đó, chị dâu đi ra, tay cầm chiếc phong bì ghi số tiền 3 triệu đồng, đưa cho bác tổ trưởng. Rồi chị ký vào sổ biên nhận, bác tổ trưởng dân phố chào cả nhà rồi tiếp tục đi vận động. Khi tổ trưởng đi rồi, mẹ Nhung nhắc nhở:
- Mỗi lời nói, hành động khi có người ngoài tới nhà là phải cẩn thận chút nhé. Người ta không hiểu lại đánh giá gia đình mình không đoàn kết.
- Nhưng con có biết việc chị làm đâu ạ.
Thấy Nhung vùng vằng, mẹ ôn tồn:
- Con nên nhìn lại bản thân đi. Mẹ sinh ra con mẹ lại không biết tính nết sao? Con chuyên chỉ đánh giá người khác qua bề ngoài, cứ cái gì long lanh, hào nhoáng, con nghĩ là tốt.
Nhung vẫn bực:
- Thế chị ấy làm gì mà có nhiều tiền thế, mẹ không đặt câu hỏi ngược lại à?
Mẹ gõ đầu cô bảo:
- Để mẹ cho biết nhé. Chị dâu con đang là trưởng phòng kế hoạch, lương rất cao chứ không phải công nhân bình thường đâu. Mỗi tháng lương, chị con đều trích một số tiền, bỏ vào phong bì từ thiện, cứ đến đợt thì lấy số tiền đó đi hỗ trợ, giúp đỡ mọi người. Vì chị dâu cô có lòng thảo thơm như vậy nên mới cảm hóa được anh trai cô đấy.
Nghe mẹ nói, Nhung thấy xấu hổ. Vậy mà lâu nay, cô luôn coi thường vẻ bề ngoài của chị. Chị dâu bước ra, giúi vào tay Nhung gói tiền, thấy Nhung ngơ ngác, mẹ bảo:
- Hôm qua mẹ đã kể chuyện của con, chị dâu tiết kiệm được chút tiền chưa dùng, chị bảo cho con vay trả nợ.
Rồi mẹ xách làn đi chợ. Còn lại mỗi hai chị em, Nhung bỗng thấy chân tay ngượng nghịu, thừa thãi, không biết phải nói câu gì với chị vào lúc này. Chị dâu hiểu ý, nháy mắt và cười, nhắc Nhung sớm ra ngân hàng kẻo chiều muộn.
HÀ THU
Nguồn Hải Dương : https://baohaiduong.vn/manh-thuong-quan-cua-pho-394660.html