Bị lừa đảo về suất ngoại giao
Tháng 10 năm ngoái, vợ chồng anh Nguyễn Thạch (tên nhân vật đã được thay đổi, trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) được dì ruột giới thiệu với người bạn thân thiết tên Hương (sinh năm 1981, nhân viên của một ngân hàng). Người này giới thiệu chuyên môi giới suất ngoại giao nhà ở xã hội cho khách hàng mà không cần bốc thăm.
Dự án NHS Trung Văn đã mở bán vào giữa năm 2023 với hơn 1.500 người xếp hàng bốc thăm để mua được 149 căn hộ, mức giá 19,5 triệu đồng/m2. Và chỉ sau 1 năm, giá rao bán các căn nhà ở xã hội tại đây đã tăng lên gấp 2 lần, xấp xỉ 40 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, nhân viên nhà băng này cam kết với vợ chồng anh Thạch rằng chắc chắn có căn ngoại giao với mức giá 20 triệu đồng/m2, hỗ trợ toàn bộ thủ tục mua nhà. Trường hợp không lấy được căn sẽ trả lại toàn bộ số tiền cho khách hàng.
Vì tin tưởng vào những lời quảng cáo, tháng 10/2024, anh Thạch đã chuyển khoản đợt 1 với số tiền 270 triệu đồng cho người phụ nữ Hương rồi ký mẫu giấy mua bán viết tay căn hộ nhà ở xã hội diện tích 6 9m2, 2 phòng ngủ, 2 vệ sinh.
Hai tháng sau khi chuyển tiền, chị Hương vẫn thông báo cuối năm 2024 sẽ có. Song, gần Tết Nguyên đán 2025, người phụ nữ này cho biết đến quý I/2025 sẽ có suất.
“Đợt ra Tết vừa rồi, tôi không thể liên lạc được với chị Hương. Sau đó, thông qua một số người thì biết được chị Hương đã bị khởi tố, giờ tiền cũng không đòi lại được”, anh Thạch chia sẻ. Hiện gia đình anh đang thuê một căn nhà trọ tại quận Thanh Xuân với chi phí hơn 4 triệu đồng/tháng.
“Sắp tới có nhiều dự án nhà ở xã hội mở bán, tôi sẽ đến nộp hồ sơ đăng ký mua tại chủ đầu tư. Nếu may mắn thì mua được, còn không thì lại chờ đợi tiếp”, anh nói và cho biết có một nhóm khách hàng cũng bị nữ nhân viên ngân hàng này. Riêng dì ruột của anh Thạch cũng bị chiếm đoạt 600 triệu đồng khi mua căn ngoại giao nhà ở xã hội tại NHS Trung Văn.
Nhà ở xã hội NHS Trung Văn (quận Nam Từ Liêm)
Dự án nhà ở xã hội chưa mở bán tại Hà Nội cũng được các môi giới chào mời suất ngoại giao, làm hồ sơ trọn gói. Thực ra đây không phải chiêu trò mới nhưng nhiều người cũng rơi vào bẫy, nhất là trong bối cảnh nguồn cung ít, giá căn hộ tăng quá cao.
Khi tìm thông tin về dự án nhà ở xã hội Thượng Thanh (Long Biên, Hà Nội), chị Minh (29 tuổi, nhân viên văn phòng) cũng được môi giới chào mời đặt cọc 20 triệu đồng để làm hồ sơ trọn gói, giá chênh 300-400 triệu đồng/suất.
Môi giới này nêu rõ quá trình như sau: Sau khi đóng tiền chênh và nộp hồ sơ để khớp căn, chủ đầu tư sẽ chuyển hồ sơ của người mua lên Sở Xây dựng để rà soát lại, trường hợp khách đủ yêu cầu sẽ vào tên cho khách hàng.
Sau đó, chủ đầu tư sẽ ra thông báo ngày ký hợp đồng và lúc này đóng 30% tổng giá trị gốc. Sau 30 ngày, người mua đóng tiếp 40% giá trị căn nhà theo tiến độ của chủ đầu tư, đóng tiếp 25% khi nhận nhà và 5% khi nhận sổ sẽ tất toán nốt.
Tuy nhiên, thực tế dự án này chỉ mới được cấp phép hồi cuối tháng 11/2024. Hiện Hà Nội chưa công bố giá bán tạm tính của các căn hộ tại đây. Trước thông tin nhiều khách hàng bị lừa từ các môi giới, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội Thượng Thanh đã lên tiếng khẳng định dự án này chưa mở bán, chưa nhận hồ sơ và không thu bất cứ khoản phí ngoài quy định.
Một đơn vị mở dịch vụ làm hồ sơ ngay trước dự nhà ở xã hội N01 Hạ Đình
Hay tại dự án nhà ở xã hội Hạ Đình (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì) dù chưa mở bán nhưng một số trang thông tin bất động sản, các hội nhóm giao dịch bất động sản thường xuyên đăng tải thông tin mở bán, tiếp nhận hồ sơ mua nhà ở, tư vấn, đặt cọc mua nhà. Thậm chí một đơn vị mở dịch vụ làm hồ sơ ngay trước cổng dự nhà ở xã hội N01 Hạ Đình.
Ngay sau đó, chủ đầu tư dự án phát thông báo liên danh chủ đầu tư không ký bất kỳ hợp đồng hoặc ủy quyền tư vấn, đặt cọc, phân phối nhà ở dự án nhà ở xã hội tại ô đất NO1 Hạ Đình với bất kỳ một công ty hay sàn giao dịch bất động sản nào.
“Mọi hành vi của bất kỳ tổ chức hay cá nhân nào nhân danh liên danh chủ đầu tư dự án thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ đăng ký/tư vấn/đặt cọc/giữ chỗ/giao dịch mua bán căn hộ tại dự án Nhà ở xã hội NO1 Hạ Đình đều là giả mạo, có dấu hiệu vi phạm pháp luật”, đơn vị này nhấn mạnh.
Theo chủ đầu tư, khi dự án đủ điều kiện kinh doanh, mở bán sẽ cung cấp đầy đủ thông tin về việc tiếp nhận hồ sơ đăng ký mua nhà và công bố công khai trên cổng thông tin điện tử của Sở Xây dựng Hà Nội hoặc thông tin chính thức từ liên danh chủ đầu tư.
Đã cảnh báo nhưng nhiều người vẫn sập bẫy
Từ tháng 10 năm ngoái đến nay, Hà Nội liên tục công bố các dự án nhà ở xã hội khởi công, sắp mở bán. Chính vì thế, không ít khách hàng đã bị lừa mua nhà ở xã hội khi qua miệng “cò”.
Mới đây, hơn 24 khách hàng tại Hà Nội đã làm đơn tố gửi cơ quan chức năng tố cáo hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Tân Nhật Phát. Theo họ, môi giới của công ty này đã giới thiệu, hứa hẹn khách hàng đóng tiền “chênh” để được mua căn hộ nhà ở xã hội tại các dự án như Ecohome (Bắc Từ Liêm), NHS Trung Văn, NO1 Hạ Đình...
Tuy nhiên, đến thời hạn cam kết, khách hàng không được mua nhà ở xã hội, môi giới Công ty Tân Nhật Phát thì biến mất. Khách hàng tìm đến công ty cũng không đòi lại được tiền cọc.
Các bị hại phản ánh số tiền mỗi khách hàng bị lừa từ vài trăm triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng. Tổng cộng, số tiền hơn 20 khách hàng bị chiếm đoạt là hơn 19 tỷ đồng.
Liên quan đến việc hàng chục khách hàng tố cáo bị lừa mua nhà ở xã hội, ngày 29/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an TP Hà Nội) đã ra quyết định khởi tố vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Khi các dự án vào giai đoạn xây dựng, thu nộp hồ sơ nhà ở xã hội, các chủ đầu tư cũng đều khuyến cáo người dân có nhu cầu nên tìm hiểu thông tin từ các nguồn tin chính thống như Sở Xây dựng hay chủ đầu tư dự án, nhưng những vụ việc mất tiền do tin theo môi giới vẫn đang diễn ra.
Trao đổi với VietTimes, luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law - cho biết quy trình xét duyệt hồ sơ mua nhà ở xã hội thường kéo dài từ 30 - 60 ngày và phải tuân theo các tiêu chí cụ thể về thu nhập, tình trạng nhà ở và thời gian thường trú. Không chỉ vậy, một số dự án nhà ở xã hội chưa được cấp phép nhưng vẫn được rao bán rầm rộ. Khi dự án không được triển khai hoặc bị đình trệ, khách hàng có nguy cơ mất trắng số tiền đã nộp.
Luật sư cảnh báo để tránh bị lừa đảo khi mua nhà ở xã hội, người dân cần xác minh tính pháp lý của dự án, nên làm việc trực tiếp với chủ đầu tư, không thông qua trung gian mập mờ, chỉ ký hợp đồng có công chứng rõ ràng. Tuyệt đối không chuyển tiền khi chưa có hợp đồng hợp pháp, đặc biệt nếu môi giới yêu cầu đặt cọc mà không có giấy tờ đảm bảo.
Trong trường hợp không may bị lừa đảo, người dân cần nhanh chóng thu thập đầy đủ bằng chứng, bao gồm hợp đồng, biên lai chuyển tiền, tin nhắn và email trao đổi với môi giới để làm cơ sở khiếu nại hoặc tố cáo. Tiếp đó, người mua có thể gửi đơn khiếu nại lên chủ đầu tư, sàn giao dịch bất động sản hoặc Sở Xây dựng địa phương để yêu cầu giải quyết. Nếu có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản, cần tố giác ngay đến cơ quan công an.
Theo thông tin từ Sở Xây dựng Hà Nội, dự kiến trong năm 2025, Hà Nội sẽ có 11 dự án nhà ở xã hội hoàn thành, cung cấp gần 6.000 căn hộ, tương đương 345.000 m2 sàn xây dựng. Trong vòng 5 năm tới, Hà Nội sẽ đặt mục tiêu sẽ phát triển thêm 50 dự án nhà ở xã hội mới, với tổng quy mô khoảng 57.200 căn hộ.
Lệ Chi