Máy bay phản lực MiG đã làm NATO 'kinh hãi' thế nào?

Máy bay phản lực MiG đã làm NATO 'kinh hãi' thế nào?
8 giờ trướcBài gốc
Theo Russia Beyond, dòng tiêm kích MiG nổi tiếng của Liên Xô luôn là vấn đề đau đầu đối với các nước liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong hơn 70 năm qua. Nhưng không phải lúc nào họ cũng có thể tìm được câu trả lời về sức mạnh và hiệu quả của những máy bay chiến đấu này.
MiG-15
Một trong những máy bay chiến đấu MiG tốt nhất là MiG-15, được xem là “ông nội” của dòng máy bay phản lực Liên Xô. Với gần 18.000 chiếc được chế tạo trên toàn thế giới, đây là dòng máy bay chiến đấu phản lực được sản xuất nhiều nhất trong lịch sử.
Chiến đấu cơ MiG-15.
Ra đời ngay sau Thế chiến 2, chiếc máy bay phản lực này thể hiện hết khả năng của mình trong Chiến tranh Triều Tiên, khi đối đầu với máy bay F-85 Sabre của Mỹ. Hai máy bay phản lực này được xem là đối thủ xứng tầm của nhau, F-85 Sabre hiệu quả hơn ở độ cao thấp, MiG-15 lại có lợi thế hơn ở độ cao lớn.
Một trong những ngày thảm khốc nhất đối với Không quân Mỹ trong Chiến tranh Triều Tiên là sự kiện "Thứ Năm đen tối", khi MiG-15 của Liên Xô bắn hạ tới 16 chiếc B-29 và 10 chiếc F-86 của Mỹ trong trận chiến trên sông Áp Lục ngày 12/4/1951.
Ngày 23/10/1951, MiG-15 lại bắn hạ 8 máy bay ném bom chiến lược B-29A Superfortress và 2 máy bay chiến đấu hộ tống F-84, trong khi chỉ mất 1 máy bay trong trận không chiến này.
MiG-21
Với 11.496 chiếc được chế tạo, MiG-21 là loại máy bay chiến đấu phản lực siêu thanh được sản xuất nhiều nhất trong lịch sử. Do được sản xuất hàng loạt nên chi phí sản xuất thấp. Mỗi chiếc MiG-21 có giá thành thấp hơn cả một xe chiến đấu bộ binh BMP-1.
MiG-21 của Croatia.
MiG-21 rất được ưa chuộng trên thế giới và đã phục vụ tại 65 quốc gia. Mặc dù có tuổi đời hơn 60 năm, nhưng hiện nay một số quốc gia (như Angola, Ai Cập, Việt Nam...) vẫn tiếp tục sử dụng loại máy bay này.
Trong số nhiều cuộc xung đột và chiến tranh mà MiG-21 tham gia trên thế giới, thì cuộc chiến tranh tại Việt Nam đã làm cho tên tuổi của MiG-21 vang danh. Dù bị Không quân Mỹ áp đảo hoàn toàn về số lượng, nhưng các phi công Việt Nam đã thể hiện thành tích nổi bật khi bắn hạ tới 165 máy bay các loại của Mỹ mà chỉ thiệt hại 65 máy bay trong các trận không chiến.
MiG-21 của Không quân Nhân dân Việt Nam không chỉ bắn hạ được F-4 mà còn nhiều loại phản lực khác của Mỹ, thậm chí là cả siêu pháo đài bay B-52 “biểu tượng của Không lực Mỹ” thời điểm đó.
Ngày 3/1/1968, một mình phi công Hà Văn Chúc đã điều khiển chiếc MiG-21 của mình chống lại 36 máy bay của Mỹ và bắn hạ một máy bay F-105 chỉ huy. Đội hình máy bay Mỹ bị rối loạn, không thực hiện được ý đồ vào đánh phá khu vực Hà Nội, bèn thả bom tại chỗ rồi rút lui.
Máy bay MiG-25.
MiG-25
Máy bay đánh chặn siêu thanh MiG-25 được thiết kế để đối phó với máy bay ném bom phản lực B-58 của Mỹ. B-58 có khả năng xuyên thủng hàng phòng thủ của Liên Xô và tiến hành các cuộc tấn công hạt nhân. MiG-25 cũng được sử dụng để đánh chặn máy bay trinh sát Lockheed SR-71, là máy bay trinh sát mới nhất khi đó của Mỹ, khiến các tiêm kích MiG-21 và Su-15 khó có thể tiếp cận.
Sự xuất hiện của máy bay đánh chặn Liên Xô với tốc độ lên tới 3.000 km/h là một bất ngờ đối với Mỹ. Quốc hội Mỹ đã phải tổ chức một phiên họp bất thường, quyết định đẩy nhanh quá trình sản xuất máy bay chiến đấu F-14 và F-15.
Tuy nhiên, một trong những sự phản bội tai hại nhất trong lịch sử Liên Xô lại có liên quan đến MiG-25. Đó là vào tháng 9/1976, Thượng úy Viktor Belenko đã đào tẩu sang Nhật Bản cùng với chiếc MiG-25. Chiếc máy bay này được tháo dỡ và chuyển giao cho Mỹ.
Mặc dù sau đó, chiếc máy bay này được trả lại cho Liên Xô. Nhưng do tất cả những bí mật của nó đã bị đối thủ khám phá, nên các thiết bị trên MiG-25 đã nhanh chóng được thay thế.
Chiến đấu cơ MiG-29M.
MiG-29
MiG-29 là một trong những máy bay chiến đấu hiện đại nhất, hiện đang phục vụ tại 28 quốc gia. Chiếc máy bay Liên Xô này thậm chí có thể được tìm thấy trong các căn cứ Không quân Mỹ. Bởi vào năm 1997, Mỹ đã mua lại 21 chiếc MiG-21 từ Moldova.
MiG-29 đóng vai trò là mô hình cơ bản cho nhiều phiên bản cải tiến sau này, trong đó có cả MiG-29K hoạt động trên tàu sân bay. Chiếc máy bay này là lực lượng tấn công chính trên tàu sân bay Vikramaditya của Ấn Độ và tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov của Nga.
MiG-29 đã tham chiến trong Chiến tranh Eritrea - Ethiopia (1998-2000). Trong một số cuộc không chiến, tiêm kích Su-27SK tiên tiến của Ethiopia (mua của Nga) đã áp đảo những chiếc MiG-29 được sản xuất từ những năm 1980 của Liên Xô, mà Eritrea đã mua lại từ Belarus.
MiG-31 của Nga.
MiG-31
MiG-31 là một trong những máy bay phản lực chiến đấu nhanh nhất thế giới (tốc độ đạt tới Mach 2,83). Đặc biệt, đây là máy bay đầu tiên trên thế giới được trang bị hệ thống radar mảng pha, cho phép nó xác định mục tiêu trên không (bao gồm cả các mục tiêu tầm thấp) ở khoảng cách lên tới 320 km.
Với các trang thiết bị điện tử tiên tiến, MiG-31 có thể theo dõi tới 10 mục tiêu và có thể tấn công 6 mục tiêu cùng lúc. Bốn chiếc MiG-31 có thể kiểm soát một khu vực có chiều dài lên tới 1.100 km.
Vào cuối những năm 1980, MiG-31 đã ngăn chặn hiệu quả hoạt động của máy bay trinh sát SR-71 Blackbird Mỹ gần biên giới Liên Xô. Ngày nay, những chiếc máy bay đánh chặn này đang phục vụ tích cực trên chiến trường Ukraine và gây ra nhiều thách thức cho Quân đội Ukraine.
Lê Hưng (Russia Beyond)
Nguồn VTC : https://vtcnews.vn/may-bay-phan-luc-mig-da-lam-nato-kinh-hai-the-nao-ar898392.html