Không chỉ sát cánh cùng con trong quá trình hòa nhập cộng đồng, chị Nga giờ đây còn là cô giáo, là mẹ của những em nhỏ khiếm thính khác trong một lớp học đặc biệt mang tên Lớp học của Trẻ Điếc. Trong lớp học ấy, chị không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn thắp lên niềm tin, sự tự tin và hy vọng cho những đứa trẻ khiếm thính, giúp các em từng bước vươn tới một tương lai tươi sáng hơn…
Từ hành trình đồng hành cùng con, giúp con hòa nhập với cộng đồng, đến việc trở thành cô giáo dạy trẻ điếc, câu chuyện của chị Tống Thị Nga là một minh chứng sống động cho tình yêu thương vô bờ bến, sự kiên trì và nhẫn nại không ngừng đối với những em nhỏ kém may mắn. Chuyên trang Sinh Viên Việt Nam, Báo Tiền Phong xin trân trọng gửi đến bạn đọc câu chuyện về “phiên dịch viên” đặc biệt, người đã không chỉ bền bỉ đồng hành cùng con mình, mà còn trở thành ánh sáng dẫn đường cho nhiều trẻ em khiếm thính khác.
"PHIÊN DỊCH VIÊN" THẦM LẶNG CỦA CON
Quá trình chị biết được con trai của mình là người khiếm thính diễn ra như thế nào? Vào thời điểm đó, chị đã có những suy nghĩ gì?
Chị Tống Thị Nga. (Ảnh: Khánh Ly)
Khi con được khoảng 6 tháng tuổi, bản năng của người mẹ đã khiến tôi cảm giác con mình có vấn đề về nghe. Con có thể ngủ rất ngoan, cả khi mà các anh, chị trong nhà nghịch hoặc là chơi bên cạnh. Tôi đã tìm hiểu về trẻ điếc, trẻ khiếm thính rồi, nhưng mà tôi không bao giờ nghĩ là con mình sẽ bị điếc…
Đến lúc con gần 20 tháng tuổi, trong một lần ra Hà Nội, hai vợ chồng quyết định đưa con đi khám chuyên sâu. Khi đó, bác sĩ đã kết luận là con đã bị điếc, mất thính lực độ 4. Tuy vậy, hai vợ chồng vẫn mong rằng bác sĩ chẩn đoán nhầm. Khi biết con bị điếc như thế, đầu tiên là hai bọn chồng rất buồn, tự hỏi không biết bản thân mình đã làm gì sai mà ông trời bất công với mình như thế, tại sao con mình lại phải chịu điều này. Nhưng rồi sau cùng, vợ chồng cũng bảo nhau gắng gượng, tìm mọi cách để có thể hỗ trợ con. Khi ấy nhà tôi làm nông, còn khó khăn lắm, nhưng tôi chỉ nghĩ về con thôi.
Với những bạn nhỏ có khiếm khuyết, việc tìm trường học phù hợp cho con quả là một điều không dễ dàng. Đối với chị thì động lực lớn nhất, thôi thúc chị nhất với việc phải cho con đi học là gì?
Tôi đã bắt đầu tìm hiểu thông tin về những trường học dành cho trẻ điếc ngay sau khi phát hiện ra tình trạng của con. Thời điểm đó, cả tỉnh Nam Định chỉ có một trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật. Hai vợ chồng đến, cô giáo ở trung tâm nói rằng ở đây có những bạn đã học 5 năm rồi và bây giờ đã có thể nói được mẹ, mẹ ơi… được hai ba từ như thế. Nhưng tôi thì không mong muốn là con mình sẽ chỉ nói được vài ba từ đơn giản như vậy. Tôi mong con sẽ phải được hơn như thế nữa. Chính vì vậy, hai vợ chồng đã quyết định cho con lên Hà Nội học, mặc dù khi ấy trong tay không có gì cả.
Chị Tống Thị Nga và con trai. (Ảnh: NVCC)
Với những người có khiếm khuyết bẩm sinh thì việc hòa nhập cộng đồng ít nhiều cũng sẽ có những khó khăn do trở ngại ngôn ngữ, chị đã đồng hành cùng con như thế nào để giúp bạn cảm thấy tự tin hơn, mạnh dạn hơn?
Các em nhỏ tại Lớp học của Trẻ Điếc. (Ảnh: Khánh Ly)
Khi cho con đi học, may mắn là con trên lớp được cô dạy như thế nào thì về nhà bạn ấy sẽ dạy lại mẹ y như thế. Thế là tôi biết được cách cô đang dạy con và sau đó áp dụng cái phương pháp đó để hỗ trợ con học ở nhà. Tất cả những buổi hội thảo mà tôi biết được về việc dạy con khiếm thính, tôi đều xin nghỉ làm để tham gia. Tham gia để có thể học và dạy con.
Rồi hai mẹ con cứ đồng hành cùng nhau như thế. Đến năm con 2 tuổi, con lần đầu tiên được học nghe nói. Ngày qua ngày, con cũng đã có thể nói cũng tương đối ổn, phát âm được và nói ra được những mong muốn của mình nhưng vẫn còn ngọng.
Chị có thể chia sẻ thêm về hành trình đồng hành cùng con không? Được biết chị còn học cả ngôn ngữ ký hiệu để giao tiếp với con được tốt hơn, vậy đâu là động lực để chị học ngôn ngữ này?
Khi con 4 tuổi, có một dự án gọi là “Dự án giáo dục trẻ điếc trước tuổi đến trường”, sẽ có giáo viên người điếc đến nhà dạy miễn phí ngôn ngữ ký hiệu cho con. Khi tôi chia sẻ thông tin này với giáo viên dạy con và bác sĩ thì được khuyên không nên cho con học vì con đang phát triển ngôn ngữ rất tốt. Nếu bây giờ cho con học ngôn ngữ ký hiệu, con sẽ có thể không nói nữa mà con sẽ chỉ dùng ngôn ngữ ký hiệu, bởi đây là ngôn ngữ rất dễ học. Tuy nhiên, bản thân tôi lại cho rằng đây có thể là một cơ hội mới. Vì muốn con có thể học một ngôn ngữ mới, tôi quyết định đăng ký cho con học ngôn ngữ ký hiệu.
Tấm bảng tại Lớp học của Trẻ Điếc. (Ảnh: Khánh Ly)
Khi mới bắt đầu học ngôn ngữ ký hiệu, giáo viên đến nhà dạy nhưng con không chịu học. Thời đó con mới chỉ 4 tuổi nên con nghịch lắm! Đó cũng là lần đầu tiên tôi thấy “người điếc lớn”. Tôi cũng nhận ra đây là một ngôn ngữ rất hay và thú vị, chính điều đó đã thúc đẩy tôi học ngôn ngữ ký hiệu.
Khi thầy cô dạy cho mẹ, con thường đi xung quanh và học lỏm rất nhanh. Sau các buổi học, lúc thầy cô ra về, con lại dùng chính những ký hiệu đấy để giao tiếp với mẹ. Tôi thấy đây cũng là một cách học rất hay. Không dừng lại ở đó, tôi đã đăng ký học thêm ngôn ngữ ký hiệu. Rồi từng ngày, tôi cứ vừa dạy con nói vừa dạy ngôn ngữ ký hiệu - hai phương thức giao tiếp tưởng như tách biệt nhưng lại cùng chung một mục tiêu: giúp con từng bước tiếp cận với ngôn ngữ và hòa nhập với cộng đồng. Khi gặp một từ chưa biết cách diễn đạt bằng lời, con sẽ sử dụng ngôn ngữ ký hiệu để truyền đạt. Mẹ sẽ đoán từ đó là gì, nếu đúng, mẹ sẽ dạy con cách phát âm từ đó và cung cấp luôn ký hiệu tương ứng. Nhờ vậy, con được học song song cả ngôn ngữ nói và ngôn ngữ ký hiệu.
Giây phút nào chị cảm thấy đáng nhớ nhất trong suốt hành trình đồng hành ấy? Niềm vui lớn nhất của chị trong suốt quá trình “học cùng con” là gì?
Sau này, khi hai mẹ con ở Hà Nội, mọi khoảng thời gian rảnh, tôi đều dành hết cho con. Khi chỉ có hai mẹ con, từng giây phút bên nhau đều trở thành cơ hội để học hỏi và yêu thương. Tôi đọc sách, kể chuyện và đưa con đi khắp nơi trong thành phố - bất cứ đâu có thể. Với tôi, Hà Nội không còn là phố thị đông đúc mà còn là lớp học mở giữa thiên nhiên. Có khi chỉ ngồi dưới một gốc cây ven đường, tôi cũng tận dụng từng chi tiết nhỏ nhất để dạy con. “Đây là gốc cây, đây là nhựa cây, đây là đất, đây là con giun…” - những từ ngữ đời thường trở thành chất liệu quý giá để tôi có thể bồi đắp vốn từ cho con từng ngày.
Tôi cố gắng đưa con tham gia tất cả những buổi giao lưu, gặp gỡ cộng đồng nhiều nhất có thể. Mỗi cơ hội ấy đều là một bước đệm để con tự tin hơn, dần dần học cách hòa nhập, không còn cảm giác bị cô lập hay sợ hãi trước thế giới rộng lớn. Dù ở bất kỳ không gian nào, mẹ luôn là “phiên dịch viên” thầm lặng, luôn đồng hành để giúp con hiểu - và được hiểu.
Nhớ lúc con mới đeo máy trợ thính được khoảng 10 tháng, con đã bắt đầu bập bẹ nói được vài từ. Con gọi “bố”, “ông”, “bà” – tất cả mọi người ai cũng được nghe, chỉ riêng từ “mẹ” là chưa một lần được cất lên. Tôi là người trực tiếp dạy con, đồng hành cùng con mỗi ngày, cùng con luyện tập từng âm tiết, từng chữ cái. Nhưng suốt một thời gian dài, tiếng “mẹ” vẫn là một điều gì đó rất xa vời. Mỗi lần thấy con gọi tên mọi người, tim tôi như thắt lại. Không phải ghen tị hay trách móc gì, chỉ là… thấy hơi tủi thân một chút vậy, nhưng tôi vẫn kiên nhẫn chờ đợi. Và rồi tận năm tháng sau, khi con bất ngờ cất tiếng gọi “mẹ… mẹ…” – chỉ là hai tiếng đơn giản thôi, nhưng với tôi, đó là âm thanh đẹp nhất, là món quà mà bản thân đã chờ đợi suốt bao tháng ngày. Tôi sững lại rồi bật khóc vì quá đỗi hạnh phúc.
GIEO MẦM HY VỌNG CHO TRẺ ĐIẾC
Có lẽ cái duyên bắt đầu từ việc tôi là người ở quê và không có nhiều cơ hội học tập như các bạn ở thành phố. Khi lên thành phố, tôi thấy rằng việc được đi học mở ra cho các bạn rất nhiều cơ hội và tôi muốn con của mình cũng sẽ có cơ hội được học hành đàng hoàng, để phát triển và có một tương lai tốt hơn.
Tôi cũng nhận thấy rằng có rất nhiều người có hoàn cảnh như mình và bản thân tôi nên giúp đỡ các bạn ấy. Tôi có thể dùng những kinh nghiệm, kiến thức mà mình đã học được trong quá trình đồng hành với con từ ngày trước đến bây giờ để hỗ trợ cho các bạn khác. Tôi muốn dạy thêm cho những bạn (khiếm thính) khác để các bạn có thêm cơ hội được đi học, được phát triển để cuộc sống sau này có thể tự lập hơn.
Với chị Nga, cơ duyên để chị trở thành cô giáo dạy trẻ khiếm thính đến từ việc chị thấy “Các bạn được đi học thì sẽ có nhiều cơ hội hơn”. (Ảnh: Trần Thu Trang)
Tôi nghĩ, khi học tại lớp học và sống chung cùng với gia đình tôi, điều thuận lợi nhất mà các con có được là môi trường. Khi các con đi học ở Lớp học của Trẻ Điếc, các con được học bằng ngôn ngữ ký hiệu, thầy cô và học sinh đều sử dụng ngôn ngữ này để giao tiếp với nhau. Các con sẽ được ở trong môi trường của các con, khi ấy các con sẽ học được từ nhau: học qua trao đổi thông tin hằng ngày và học qua giao tiếp. Các con sẽ có cơ hội được học tốt hơn và phát triển nhanh hơn so với các bạn ở cùng bố mẹ. Từ những kinh nghiệm đã dạy con, tôi sẽ dạy luôn cho các bạn ấy nữa. Tôi muốn đồng hành cùng với các bạn ấy để các bạn ấy đỡ thiệt thòi.
Những giờ học chăm chỉ của các em.
Từ hành trình nuôi dạy con khiếm thính và đến bây giờ là cô giáo của một lớp học dành cho những em nhỏ có hoàn cảnh tương tự, chị có điều gì muốn nhắn nhủ với những bậc cha mẹ có con khiếm thính để có thể thấu hiểu con hơn và vững tin hơn trong hành trình đồng hành cùng con?
Khi đồng hành cùng với các con, tôi nhìn thấy rằng mỗi đứa trẻ đều có một khả năng đặc biệt. Bố mẹ chỉ cần tin vào con, đồng hành cùng với con thì sẽ khai thác được những khả năng tiềm ẩn của các bạn ấy. Nếu bố mẹ luôn đồng hành cùng với con, tin tưởng và cố gắng vì con thì con nhất định sẽ đáp lại mình bằng những điều vô cùng xứng đáng. Với những bạn trẻ điếc như con nhà tôi, tôi cũng mong muốn các bố mẹ hãy học ngôn ngữ ký hiệu và đồng hành cùng con, nói chuyện với con, dạy con học, học ngôn ngữ ký hiệu với con càng sớm càng tốt.
Ngôn ngữ ký hiệu hay ngôn ngữ nói nhìn chung cũng chỉ là một ngôn ngữ thôi, không phải là một sự đáng kỳ thị hay khác biệt gì cả. Với tôi, đó đơn giản chỉ là một phương tiện để con giao tiếp với thế giới xung quanh. Không có lý do gì để coi đó là một khiếm khuyết hay tật nguyền hay đen đủi hay xấu xa gì. Hãy nghĩ rằng khi ông trời gửi bạn nhỏ ấy cho mình nghĩa là ông trời đã đặt trọn niềm tin rằng mình sẽ là một người mẹ đủ kiên nhẫn, đủ yêu thương để đồng hành cùng con trên hành trình này. Đây xem như một món quà hoặc một thử thách cho mình. Mình nên cố gắng vượt qua cái thử thách này và đồng hành cùng con. Hãy tin vào con, con sẽ trả cho mình một kết quả xứng đáng.
Chị đang đi một hành trình vô cùng ý nghĩa, không chỉ giúp con mình tự tin hơn trong việc hòa nhập cộng đồng mà còn giúp cả những em nhỏ khiếm khuyết khác có thể giao tiếp với thế giới bằng một ngôn ngữ đặc biệt. Trong tương lai, chị có dự định hay mong mỏi gì để giúp đỡ nhiều trẻ em khiếm thính hơn hoặc nâng cao nhận thức của cộng đồng về ngôn ngữ ký hiệu?
Dự định và mong muốn thì tôi có rất nhiều. Mong muốn lớn nhất hiện tại của tôi vẫn là làm thế nào để truyền thông rộng rãi cho mọi người biết đến cộng đồng của các bạn khiếm thính này. Tôi cũng đang suy nghĩ làm thế nào để cho lớp học phát triển tốt hơn. Khi đó sẽ có nhiều bạn có hoàn cảnh tương tự biết đến.
Quá trình đi học là một điều vô cùng quan trọng. Các bạn điếc thì không thể nói chuyện được với mọi người bằng miệng, người nghe thì rất ít người biết ngôn ngữ ký hiệu. Nhưng nếu các bạn (khiếm thính) được học, biết chữ thì các bạn có thể ra ngoài giao tiếp với xã hội bằng chữ viết.
Tôi và các thầy cô ở lớp học cũng rất mong lớp học có thể được phát triển, được nhiều người quan tâm hơn, để các bạn điếc có nhiều cơ hội hơn, để các bạn có cơ hội được học, học bằng phương pháp phù hợp với bản thân mình. Tôi cũng mong nhà nước sẽ có những chính sách quan tâm đến các bạn điếc hơn, các bạn điếc sẽ có trường đại học dành cho trẻ điếc hoặc các trường đại học sẽ có những chính sách để hỗ trợ, nhận những học sinh điếc vào học, để các bạn ấy có cơ hội được phát triển, được học tập và làm chủ tương lai của mình.