Ngoài ra, gã khổng lồ phần mềm Mỹ còn đang ấp ủ tham vọng lớn với khái niệm Agent Factory và đang phát triển các phương pháp mới để khách hàng doanh nghiệp quản lý các tác tử AI song song với người lao động, theo ghi chú này.
Copilot là tên gọi chung của các trợ lý AI được Microsoft phát triển và tích hợp vào nhiều nền tảng khác nhau như Microsoft 365, GitHub, Windows, Azure.
Tác tử AI là hệ thống hoặc chương trình máy tính được thiết kế để thực hiện các tác vụ tự động bằng cách sử dụng AI. Các tác tử AI có khả năng tương tác với môi trường, thu thập thông tin, xử lý dữ liệu, ra quyết định và thực hiện các hành động dựa trên mục tiêu được đặt ra.
Agent Factory là sáng kiến xây dựng một nền tảng để phát triển, triển khai và quản lý các tác tử AI theo quy mô lớn, giúp doanh nghiệp vận hành hiệu quả hơn khi con người và AI cùng làm việc cùng nhau.
Dự án Copilot mới có tên Tenant Copilot, do tổ chức đứng sau bộ phận Microsoft 365 điều hành. Tenant Copilot được thiết kế nhằm “chuyển hóa nhanh chóng kiến thức của một tổ chức thành Copilot có thể nói, suy nghĩ và làm việc như chính tenant đó”, theo email do Jay Parikh, Phó chủ tịch điều hành phụ trách bộ phận CoreAI – Platform and Tools tại Microsoft, gửi đi.
Tenant là thuật ngữ được sử dụng để mô tả người dùng doanh nghiệp của bộ ứng dụng Microsoft 365. Một Copilot có quyền truy cập vào các tenant này sẽ có thể truy xuất thông tin khách hàng được lưu trữ trong tài khoản Microsoft 365 của họ.
Microsoft 365 là bộ ứng dụng và dịch vụ toàn diện dựa trên đám mây của Microsoft, được thiết kế cho cả người dùng cá nhân, gia đình và doanh nghiệp. Về cơ bản, Microsoft 365 kết hợp các ứng dụng năng suất truyền thống (Office) với các dịch vụ đám mây (email, lưu trữ, cộng tác, bảo mật) trong một mô hình đăng ký.
Jay Parikh cho biết trong email rằng Microsoft đang sử dụng nhiều kỹ thuật AI khác nhau để vận hành Tenant Copilot. Việc tinh chỉnh có giám sát giúp “nắm bắt giọng nói của tenant” và cũng sẽ tận dụng mô hình AI suy luận o3 của OpenAI để “định hình quá trình tư duy” của Copilot. Cuối cùng, việc tinh chỉnh theo hướng như tác tử AI sẽ giúp “thực thi các nhiệm vụ trong thế giới thực”, ông viết.
Jay Parikh từng là cựu giám đốc kỹ thuật tại Facebook - Ảnh: Insider
Theo bản ghi chú, Microsoft có kế hoạch ra mắt bản xem trước công khai của Tenant Copilot tại hội nghị Build 2025, diễn ra từ ngày 19 đến ngày 22.5. Tuy nhiên, công ty đôi khi thay đổi những gì sẽ công bố tại hội nghị này.
Nhóm kỹ thuật ứng dụng thuộc bộ phận CoreAI – Platform and Tools đang “triển khai kế hoạch tiếp cận thị trường hợp tác với các khách hàng hàng đầu để thúc đẩy việc áp dụng thành công nền tảng AI đám mây của công ty”, Jay Parikh bổ sung trong bản ghi chú.
Microsoft từ chối bình luận về thông tin này.
Khái niệm Agent Factory của Jay Parikh
Jay Parikh từng là Giám đốc Kỹ thuật Toàn cầu tại Facebook trong hơn một thập kỷ, dẫn dắt các dự án hạ tầng quy mô lớn như hệ thống cáp ngầm và sáng kiến máy bay không người lái Aquila nhằm mở rộng kết nối internet.
Satya Nadella đã mời Jay Parikh gia nhập Microsoft hồi tháng 10.2024 và giao cho ông lãnh đạo CoreAI - Platform and Tools vào tháng 1.2025, với nhiệm vụ xây dựng các công cụ AI. Tổ chức này kết hợp giữa bộ phận phát triển phần mềm và đội ngũ nền tảng AI của Microsoft, đồng thời chịu trách nhiệm về GitHub Copilot - trợ lý lập trình sử dụng AI.
Hội nghị Build 2025 là sự kiện đầu tiên của Jay Parikh trong vai trò lãnh đạo CoreAI Platform and Tools. Trong email gửi tới gần 10.000 nhân viên thuộc tổ chức này, Jay Parikh đã trình bày về khái niệm Agent Factory. Đây rất có thể là sự tiếp nối tư tưởng của Bill Gates (nhà đồng sáng lập Microsoft) - từng nói rằng tập đoàn Mỹ là “nhà máy phần mềm”.
“Để hiện thực hóa tầm nhìn của chúng ta, đòi hỏi một nền văn hóa như vậy, nơi AI được tích hợp vào cách chúng ta tư duy, thiết kế và triển khai. Agent Factory phản ánh sự thay đổi này, không chỉ ở những gì chúng ta xây dựng, mà là cách chúng ta cùng nhau xây dựng. Nếu muốn mọi nhà phát triển (và mọi người) định hình tương lai, chúng ta phải đạt được điều đó trước”, Jay Parikh viết.
Ông đang nỗ lực làm việc để các bộ phận hợp tác phát triển tác tử AI, thông qua “hình thức đánh giá chéo sản phẩm mới”, kết hợp các nhóm gồm dịch vụ bảo mật như Entra và Intune với nỗ lực phát triển ứng dụng có tham vọng cao trong Microsoft 365, LinkedIn, Dynamics.
“Đồng nghiệp số” của người lao động
Một phần của nỗ lực này tập trung vào việc quản lý các tác tử AI cùng với người lao động.
Chẳng hạn, Microsoft đang nghiên cứu cách xử lý quản lý danh tính cho các tác tử AI, theo ghi chú nội bộ. Công nghệ này thường dùng để kiểm soát quyền truy cập của người dùng. Giờ đây, Microsoft đang cố gắng xây dựng một hệ thống tương tự dành cho các tác tử AI.
“Giả thuyết từ chúng tôi là mọi danh tính của tác tử AI sẽ được lưu trong Entra, nhưng không phải tác tử nào cũng cần danh tính. Chẳng hạn, một số tác tử AI đơn giản trong Microsoft 365 hoặc Studio thì không cần”, Jay Parikh viết.
Microsoft đang áp dụng phương pháp tương tự với Trung tâm quản trị Microsoft 365. Đó là nơi các quản trị viên CNTT quản lý quyền truy cập của nhân viên với ứng dụng, dữ liệu, thiết bị và người dùng. Các phiên bản tương lai của hệ thống này sẽ chấp nhận các tác tử AI như là “đồng nghiệp kỹ thuật số” của người lao động, theo ghi chú từ Jay Parikh.
Dịch vụ Copilot Analytics của Microsoft đang được mở rộng sang phân tích lực lượng lao động toàn diện hơn, nhằm cung cấp cho khách hàng doanh nghiệp cái nhìn tổng thể về cách công việc được thực hiện bởi cả con người lẫn tác tử AI.
Cuối cùng, Jay Parikh muốn biến Azure AI Foundry, trung tâm phát triển AI tạo sinh của Microsoft, thành “nền tảng duy nhất cho các ứng dụng dạng tác tử mà bạn xây dựng”.
“Tại hội nghị Build, chúng tôi sẽ giới thiệu những phiên bản đầu tiên nền tảng này và liên tục cải tiến để phục vụ nhiều trường hợp sử dụng khác nhau của khách hàng”, ông cho hay.
Azure AI Foundry là nền tảng tích hợp trên đám mây của Microsoft Azure, được thiết kế để hỗ trợ các nhà phát triển và kỹ sư trong việc xây dựng, đào tạo, đánh giá và triển khai các mô hình AI. Nó cung cấp một môi trường tập trung với các công cụ và tài nguyên cần thiết để:
- Truy cập và khám phá mô hình: Cung cấp thư viện đa dạng các mô hình AI, gồm cả các mô hình tiên tiến hàng đầu và nguồn mở từ nhiều nhà cung cấp khác nhau như OpenAI, Meta Platforms, Mistral, DeepSeek…
- Xây dựng và tùy chỉnh: Cho phép nhà phát triển tùy chỉnh các mô hình AI có sẵn hoặc xây dựng mô hình mới cho các trường hợp sử dụng cụ thể của họ.
- Đánh giá và cải tiến: Cung cấp các công cụ để kiểm tra, đo lường hiệu suất và đảm bảo tính an toàn, có trách nhiệm của các mô hình AI.
- Triển khai và quản lý: Hỗ trợ triển khai các ứng dụng AI ở quy mô lớn và quản lý vòng đời của chúng trên nền tảng Azure.
- Làm việc với dữ liệu riêng: Hỗ trợ kỹ thuật tạo sinh có tăng cường truy xuất để tích hợp dữ liệu riêng của doanh nghiệp vào các mô hình AI, giúp chúng đưa ra phản hồi phù hợp và chính xác hơn.
Tạo sinh có tăng cường truy xuất là kỹ thuật được sử dụng để cải thiện khả năng của mô hình AI trong việc tạo ra các phản hồi. Thay vì chỉ dựa vào thông tin đã được học trong quá trình đào tạo ban đầu (có thể bị lỗi thời hoặc thiếu chi tiết), kỹ thuật này kết hợp hai bước chính:
1. Truy xuất: Khi nhận được câu hỏi từ người dùng, mô hình AI trước tiên sẽ tìm kiếm và truy xuất thông tin liên quan từ kho kiến thức bên ngoài, chẳng hạn cơ sở dữ liệu, tập hợp tài liệu, trang web…
2. Tạo sinh: Mô hình AI sẽ sử dụng những thông tin vừa tìm thấy để tạo ra câu trả lời chính xác và có căn cứ hơn, thay vì chỉ dựa vào những gì đã học từ trước.
Sơn Vân