Miễn học phí toàn dân: Quyết sách ưu việt vì tương lai đất nước

Miễn học phí toàn dân: Quyết sách ưu việt vì tương lai đất nước
5 giờ trướcBài gốc
Từ năm học 2025-2026 sẽ miễn học phí toàn dân. (Ảnh minh họa: THPT Phan Huy Chú HN)
Những quyết sách nhân văn, xúc động
Sáng 17/5, với 436/438 đại biểu có mặt bấm nút tán thành (chiếm 91,21% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết về điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2025, trong đó có dự toán phân bổ 6.623 tỷ đồng để miễn học phí. Hơn 6.000 tỷ đồng này thuộc dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương trong năm 2024 chưa được phân bổ nên sẽ được chuyển nguồn sang năm 2025 để thực hiện chính sách miễn học phí, thực hiện các nhiệm vụ phát sinh do sắp xếp tổ chức bộ máy theo phê duyệt của các cấp thẩm quyền (ngoài chi trả chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động).
Về bố trí chi ngân sách Nhà nước năm 2025 cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, trường hợp sau khi đã sử dụng nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2024 nhưng chưa bảo đảm mức bố trí ít nhất 3% chi ngân sách nhà nước năm 2025, Quốc hội cho phép Chính phủ điều chỉnh, sắp xếp trong phạm vi các khoản dự toán chi ngân sách trung ương năm 2025 chưa phân bổ đầu năm để thực hiện.
Trước đó, vào cuối tháng 2/2025, sau khi nghe báo cáo của Chính phủ về khả năng cân đối tài chính trong và sau quá trình tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, Bộ Chính trị quyết định thực hiện miễn toàn bộ học phí cho học sinh từ mầm non đến hết THPT công lập trên phạm vi cả nước. Thời điểm thực hiện từ đầu năm học 2025 - 2026 (tháng 9/2025 trở đi).
Một chủ trương nhân văn nữa gây nhiều xúc động cho thầy cô, phụ huynh học sinh vùng khó khăn, tại buổi làm việc với Đảng ủy Chính phủ, các ban, Bộ, ngành về chuẩn bị nghị quyết của Bộ Chính trị về đột phá giáo dục, đào tạo và một số chủ trương hỗ trợ dạy và học, Tổng Bí thư Tô Lâm đã kết luận, thống nhất chủ trương Nhà nước hỗ trợ bữa ăn trưa cho học sinh tiểu học và THCS ở các xã biên giới. Trong đó ưu tiên các xã biên giới miền núi (đối tượng bao gồm cả học sinh là người dân tộc thiểu số và học sinh là người dân tộc Kinh sinh sống tại các xã biên giới). Tổng Bí thư lưu ý, thực hiện chủ trương hỗ trợ bữa ăn trưa theo lộ trình, phù hợp với tình hình kinh tế của đất nước.
Trong quá trình tổ chức thực hiện cần tăng cường kiểm tra, giám sát, nghiêm cấm việc bớt xén tiêu chuẩn ăn của học sinh. Trước mắt, thực hiện tại những xã biên giới đất liền, bắt đầu từ năm học 2025 - 2026 (tháng 9/2025). Trên cơ sở kết quả thực hiện sẽ sơ kết để nhân rộng dần ra toàn quốc. Khuyến khích các địa phương có thể cân đối kinh phí thì thực hiện ngay chủ trương này.
Về chính sách miễn học phí, quyết định này sẽ có tác động tích cực, góp phần thay đổi cuộc sống của hàng triệu gia đình, đặc biệt là những người lao động nghèo, những bậc cha mẹ từng phải giằng co giữa việc cho con đến trường hay trang trải cuộc sống hằng ngày. Thậm chí, không ít em không có cơ hội đến trường hoặc “đứt gánh giữa đường” vì không có tiền đóng học phí.
Thực tế ở những vùng khó khăn đã có tình trạng học sinh phải nghỉ học do cha mẹ nghèo không có tiền đóng học phí. Giờ không còn lo lắng về học phí, cha mẹ có thể tập trung đầu tư nhiều hơn vào các nhu cầu học tập khác cho con em như: thiết bị học tập, các khóa học kỹ năng, qua đó sẽ tạo ra sự bình đẳng trong tiếp cận giáo dục và giúp học sinh có cơ hội phát triển toàn diện hơn.
Cô Quàng Thị Xuân, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học Mường Lạn, xã Mường Lạn, Sốp Cộp, Sơn La cho biết, quyết định miễn học phí cho học sinh là vô cùng ý nghĩa, đặc biệt với học sinh vùng sâu, vùng xa. Trường PTDTBT Tiểu học Mường Lạn nằm ở vùng sâu, vùng xa (thuộc vùng 3) nên học sinh được hoàn toàn miễn học phí và còn hỗ trợ tiền chi phí học tập mỗi tháng. Chính vì sự ưu đãi và chính sách này nên các em học sinh đều được tham gia học tập đầy đủ dù con hộ nghèo, cận nghèo, đã không còn tình trạng học sinh nghỉ học vì áp lực học phí. Mỗi học sinh bán trú được hưởng tiền Nghị định 116 là 920.000/tháng và hưởng chi phí học tập 150.000/1 tháng nên cơ bản đã được chu cấp đủ để phục vụ học tập. Tuy nhiên, Trường PTDTBT Tiểu học Mường Lạn hiện có 1.486 học sinh, trong đó, học sinh hộ nghèo và cận nghèo chiếm khoảng 38 - 40% nên cô Quàng Thị Xuân mong Nhà nước sẽ có thêm những chính sách hỗ trợ thêm cho con em dân tộc, đặc biệt là gia đình hộ nghèo và cận nghèo.
Năm học 2024 - 2025, tỉnh Bắc Kạn có 280 trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT và 9 Trung tâm giáo dục với tổng số hơn 81.000 học sinh. Bắc Kạn cũng là tỉnh miền núi, khó khăn nhất cả nước với tỷ lệ hộ nghèo lên tới gần 20%. Với một tỉnh miền núi kinh tế dựa chủ yếu vào nông, lâm nghiệp, khoản tiền học phí hằng tháng cũng là gánh nặng với người dân. Chị Nguyễn Thị Hòa, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn bày tỏ: “Bà con chúng tôi thu nhập chủ yếu nhờ làm rừng, làm ruộng theo mùa vụ, nay Đảng, Nhà nước miễn học phí thật quá tốt cho người dân vùng miền núi, vùng cao, bà con chúng tôi bớt đi phần áp lực kinh tế để lo cho các cháu tốt hơn. Tôi mong rằng Nhà nước có thêm nhiều chính sách, tiếp tục giúp đỡ những gia đình khó khăn như chúng tôi để các con có thể học hành tốt hơn và vươn lên trong cuộc sống”.
Nền tảng để Việt Nam bứt phá, vươn xa
Không chỉ các tỉnh vùng sâu, vùng xa mà ngay ở các thành phố lớn, giáo viên và học sinh đều vui mừng khi có quyết định này. Bà Nguyễn Thị Vân Hồng, Hiệu Trưởng Trường THCS Chương Dương, Hoàn Kiếm, Hà Nội chia sẻ, trường ở vùng bãi, nên hoàn cảnh của học sinh khác nhau. Dù thuộc quận nội thành nhưng số lượng học sinh khó khăn của trường khoảng 10%, trong đó 1% học sinh không có khả năng đóng học phí (8 - 10 em). Những học sinh này được thầy cô nhà trường chung tay hỗ trợ học phí để yên tâm học tập. Theo bà Vân Hồng, từ năm học tới, với chính sách miễn học phí, học sinh và phụ huynh giải tỏa được tâm lý, tự tin hơn vì không còn cảm thấy “mắc nợ” giáo viên.
Cô giáo vùng cao cùng học sinh thân yêu trên đỉnh Ngọc Linh. (Ảnh: NVCC)
Nhiều giáo viên cho rằng, việc miễn học phí cho học sinh các cấp học ở trường công lập góp phần đưa nền giáo dục trở nên công bằng hơn, thực hiện hiệu quả chủ trương phổ cập giáo dục trung học, từ đó nâng cao trình độ dân trí và chất lượng nguồn nhân lực.
Anh Nguyễn Văn Mạnh (Hà Nội) cho biết, gia đình anh có 3 đứa con học từ bậc tiểu học đến THPT nên thật sự rất vui khi có tin miễn học phí cho học sinh ở tất cả các bậc học. Thu nhập của hai vợ chồng chỉ vào khoảng 15 triệu đồng/tháng nhưng trang trải đủ thứ như: tiền thuê nhà, tiền sinh hoạt, tiền học chính và học thêm của các con nên tháng nào cũng thiếu trước, hụt sau...
GS.TS Phạm Tất Dong, nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư cho rằng, miễn học phí là chính sách kịp thời, có tác động diện rộng và mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Đây cũng là điều mà người dân mong mỏi từ lâu. Lâu nay, ở những vùng khó khăn, gia đình đông con, gặp khó khăn kinh tế vẫn tặc lưỡi cho con nghỉ học sau khi hoàn thành chương trình THCS. Miễn học phí hết bậc THPT sẽ tạo điều kiện cho học sinh học hết lớp 12 hoặc học xong trung cấp nghề để các em có điều kiện học tiếp đại học hoặc hòa nhập vào thị trường lao động có tay nghề. Nhất là trong bối cảnh phát triển, hội nhập như hiện nay đòi hỏi lao động có trình độ cao, kể cả các lĩnh vực như nông nghiệp.
GS.TS Bùi Hoài Sơn, đại biểu Quốc hội chuyên trách tại Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội nhấn mạnh, quyết định của Bộ Chính trị là một dấu mốc lịch sử. Điều này thể hiện bước tiến lớn của Việt Nam trong việc xây dựng nền giáo dục công bằng, nhân văn và bền vững. Đây không chỉ là một chính sách kinh tế - xã hội, mà còn là một tuyên ngôn mạnh mẽ về việc giáo dục phải là quyền cơ bản của mỗi công dân, chứ không phải là một đặc quyền chỉ dành cho những ai có điều kiện tài chính tốt hơn.
GS.TS Bùi Hoài Sơn bày tỏ, quyết định này của Bộ Chính trị không chỉ mang lại lợi ích trước mắt, mà còn là một sự đầu tư chiến lược cho tương lai của đất nước. Bởi lẽ một quốc gia muốn phát triển bền vững không thể chỉ dựa vào tài nguyên hay công nghệ, mà quan trọng hơn là phải đầu tư vào con người. Khi giáo dục trở thành một quyền lợi thực sự, khi mọi học sinh đều có cơ hội tiếp cận tri thức mà không bị giới hạn bởi hoàn cảnh kinh tế, thì đó chính là nền tảng để Việt Nam bứt phá và vươn xa...
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc miễn học phí sẽ không làm giảm chất lượng giáo dục nếu có chính sách phân bổ ngân sách hợp lý, cơ chế giám sát minh bạch và các giải pháp đồng bộ để nâng cao năng lực giảng dạy, bảo đảm đời sống cho giáo viên, các thành phố lớn cần bảo đảm chỗ học cho học sinh. Đồng thời, những gì đất nước dành cho giáo dục hôm nay sẽ được đền đáp bằng sự phát triển mạnh mẽ trong tương lai.
Theo thầy Nguyễn Phúc Viễn (Hiệu trưởng Trường THPT Chợ Gạo, Tiền Giang), miễn học phí không những góp phần giảm tình trạng bỏ học vì khó khăn kinh tế mà còn nâng cao chất lượng giáo dục chung của địa phương. Đây là một chính sách rất nhân văn, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với giáo dục. “Tôi mong muốn Nhà nước có thêm các chính sách hỗ trợ học sinh vùng sâu, vùng xa… Nhiều em không chỉ gặp khó khăn về học phí mà còn thiếu điều kiện học tập - từ sách vở, thiết bị công nghệ đến phương tiện đi lại. Đặc biệt cần đầu tư thêm vào cơ sở hạ tầng trường học, xây dựng ký túc xá, hỗ trợ suất ăn cho học sinh nghèo và phát triển chương trình học bổng để các em có cơ hội học tập tốt hơn”...
Nguyễn Mỹ
Nguồn Pháp Luật VN : https://baophapluat.vn/mien-hoc-phi-toan-dan-quyet-sach-uu-viet-vi-tuong-lai-dat-nuoc-post549525.html