Quang ảnh phiên họp tổ tại đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội
Qua ý kiến tâm huyết của các đại biểu, các nội dung cốt lõi như mở rộng đối tượng thụ hưởng, đầu tư cơ sở vật chất, và đảm bảo nguồn lực đã được làm sáng tỏ, kèm theo những đề xuất thiết thực để nâng cao tính khả thi của chính sách.
Miễn, hỗ trợ học phí, xóa rào cản tài chính, thúc đẩy an sinh xã hội
Dự thảo Nghị quyết về miễn, hỗ trợ học phí được đánh giá là bước tiến quan trọng nhằm đảm bảo công bằng giáo dục và giảm gánh nặng kinh tế cho các gia đình. Đại biểu Nguyễn Thị Lan, đoàn Hà Nội, cho biết chính sách này thể hiện tính nhân văn, sự ưu việt của chế độ, đảm bảo thực thi thống nhất, khuyến khích phát triển giáo dục ngoài công lập và thúc đẩy xã hội hóa giáo dục. Nghị quyết tiếp thu Kết luận ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 42 của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, cùng các chỉ đạo tại Công văn số 13594 ngày 1/3/2025 và 14251 ngày 1/4/2025, góp phần hỗ trợ chiến lược dân số quốc gia trong bối cảnh tỷ lệ sinh giảm và già hóa dân số.
Đại biểu Bùi Hoài Sơn, đoàn Hà Nội, cho rằng dự thảo mở rộng đáng kể đối tượng thụ hưởng so với Luật Giáo dục 2019 và Nghị định 81/2021, bao gồm trẻ em mầm non dưới 5 tuổi, học sinh trung học phổ thông, người học tại các cơ sở giáo dục thường xuyên, và học sinh tại các trường tư thục, dân lập. Với quy mô 4,8 triệu trẻ mầm non và 18 triệu học sinh phổ thông, trong đó công lập chiếm 3,3 triệu trẻ mầm non và 17 triệu học sinh phổ thông, chính sách đảm bảo công bằng giữa trường công và tư, giữa đô thị và nông thôn.
Đại biểu Trương Xuân Cừ, đoàn Hà Nội, đề xuất mức hỗ trợ cho học sinh tư thục nên tương đương học phí công lập để tránh phân biệt giữa các loại hình trường, đồng thời kiểm soát các khoản phí ngoài học phí, như học thêm, để bảo vệ ý nghĩa nhân văn của chính sách.
Về kinh phí, đại biểu Bùi Hoài Sơn đánh giá cao sự chuẩn bị của Chính phủ, với chi phí bổ sung ước tính 8.200 tỷ đồng mỗi năm. Ông cho rằng khoản đầu tư này xứng đáng, giảm áp lực tài chính cho các gia đình trong bối cảnh giá cả leo thang sau đại dịch Covid-19, kích thích tiêu dùng xã hội và củng cố niềm tin vào chế độ.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Lan kiến nghị đánh giá khả năng cân đối ngân sách của các tỉnh chưa tự chủ, đề xuất cấp bù từ trung ương để tránh thực hiện không đồng đều. Bà cũng đề xuất sớm ban hành Nghị định hướng dẫn chi tiết, phân cấp cụ thể, chuẩn bị triển khai từ năm học 2025-2026, kèm quy định công khai học phí, kiểm tra định kỳ, và xử lý sai phạm để hạn chế tiêu cực.
Đại biểu Nguyễn Thị Lan lo ngại rằng miễn học phí tại trường công có thể khiến học sinh chuyển từ trường tư sang công lập, gây quá tải hệ thống. Bà đề xuất đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất và biên chế giáo viên, đồng thời làm rõ cách áp dụng chính sách cho các trường chất lượng cao, năng khiếu, thực nghiệm, và tư thục.
Đại biểu Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh rằng chính sách này mở ra hành lang để tiến tới phổ cập giáo dục 12 năm, giảm bỏ học do khó khăn kinh tế, đặc biệt ở đô thị nơi chênh lệch thu nhập rõ rệt. Với vai trò Thủ đô, ông đề xuất Hà Nội tiên phong thí điểm, xây dựng mô hình quản lý học phí minh bạch, số hóa hồ sơ chi trả và huy động nguồn lực xã hội hóa để hỗ trợ giáo dục.
Phổ cập mầm non, ưu tiên vùng khó khăn
Dự thảo Nghị quyết về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ từ 3 đến 5 tuổi được các đại biểu đánh giá là bước đi chiến lược, đáp ứng mục tiêu Nghị quyết 42 vào năm 2030. Đại biểu Nguyễn Anh Trí, đoàn Hà Nội, cho rằng, chính sách này cần thiết trong bối cảnh tỷ lệ sinh giảm, đặt nền móng cho một thế hệ khỏe mạnh, văn minh, trí tuệ trong 15-20 năm tới. Với khoảng 300.000 trẻ mẫu giáo chưa đến lớp, chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, và con em người lao động tự do như bán hàng rong, nhặt rác, ông đề xuất hỗ trợ đặc biệt cho nhóm này, với sự vào cuộc tận tâm của chính quyền địa phương để tiếp cận đối tượng thụ hưởng.
Đại biểu Trương Xuân Cừ với hơn 25 năm kinh nghiệm trong ngành giáo dục, cho biết, giáo dục mầm non là nền tảng phát triển thể chất, trí tuệ, tình cảm và nhân cách, đặc biệt ở miền núi, nơi trẻ không học mầm non thường không biết tiếng Việt, dẫn đến khó khăn khi vào lớp 1, thậm chí lớp 7 vẫn không đọc thông viết thạo. Ông đề xuất xây dựng đề án chi tiết, phù hợp vùng miền, chấp nhận quy mô lớp nhỏ ở miền núi, như 5-6 trẻ/lớp hoặc 10 trẻ/lớp, để đảm bảo mọi trẻ được học. Ông cũng kiến nghị tận dụng nhà văn hóa, cơ sở sẵn có ở miền núi để tổ chức lớp học, kết hợp ngân sách nhà nước với trách nhiệm cộng đồng, đảm bảo tiết kiệm và thực tiễn.
Về nguồn lực, đại biểu Nguyễn Anh Trí đề xuất phân bổ hợp lý 25.754,9 tỷ đồng trong 5 năm, ưu tiên chi nhiều hơn giai đoạn đầu để xây dựng cơ sở vật chất. Ông lưu ý quy định “ngân sách bổ sung ngoài 20% tổng chi cho giáo dục” cần làm rõ tỷ lệ trong tổng chi phí để Quốc hội đánh giá. Về xã hội hóa, ông nhấn mạnh tránh mục đích lợi nhuận, đảm bảo nguồn vốn minh bạch. Đại biểu Nguyễn Anh Trí cũng đề xuất xem xét hỗ trợ trẻ dưới 3 tuổi trong tương lai để phát triển toàn diện.
Trần Hương