Miếng bánh mỹ phẩm 'made in China' không dễ ăn ở Việt Nam

Miếng bánh mỹ phẩm 'made in China' không dễ ăn ở Việt Nam
3 giờ trướcBài gốc
Chuỗi bán lẻ sản phẩm làm đẹp Mint Cosmetics ở Hà Nội ghi nhận sự tăng trưởng nhanh của mỹ phẩm Trung Quốc tại thị trường Việt Nam. Theo Linh Nguyễn, trưởng nhóm marketing của chuỗi bán lẻ này, đơn vị bắt đầu phân phối mỹ phẩm nội địa Trung từ quý I/2024.
Trong thời gian ngắn, số lượng nhãn hàng và sản phẩm được cung ứng tại 14 chi nhánh của chuỗi bán lẻ gia tăng mạnh mẽ. Hiện nay, tỷ lệ sản phẩm làm đẹp Trung Quốc tại các cửa hàng lên đến 8%.
Chuỗi bán lẻ này đang cung cấp mặt hàng đến từ các thương hiệu như Carslan, Judydoll, Focallure, Perfect Diary,… để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn từ phía người tiêu dùng.
“Nhận thấy nhu cầu về mỹ phẩm Trung Quốc hiện nay cao hơn nhiều so với những năm trước, chúng tôi bắt nhịp xu hướng, tiến hành tìm hiểu và phân phối các sản phẩm làm đẹp đến từ xứ tỷ dân”, Linh Nguyễn chia sẻ.
Chuỗi bán lẻ tại Việt Nam nhập mỹ phẩm Trung Quốc phục vụ nhu cầu khách hàng trong nước. Ảnh: Mint Cosmetics.
Khi nhu cầu về mỹ phẩm nội địa Trung của người tiêu dùng Việt Nam tăng trưởng đột biến, các chuỗi bán lẻ, cửa hàng nhỏ, người bán trung gian nhanh chóng nắm bắt xu hướng, nhập khẩu sản phẩm làm đẹp từ các thương hiệu Trung Quốc về phục vụ khách hàng.
Dù được ưa chuộng nhờ mức giá phải chăng, phù hợp thị hiếu người Việt, mỹ phẩm Trung vẫn tạo ra một số thách thức cho đơn vị bán, bao gồm kênh phân phối trực tiếp của thương hiệu trên sàn TMĐT, sự cạnh tranh về giá và tâm lý e ngại của một bộ phận người dùng lớn tuổi.
Chuỗi bán lẻ đón xu hướng
Theo trưởng nhóm marketing của Mint Cosmetics, mỹ phẩm nội địa Trung có mức tăng trưởng nhanh tại thị trường Việt Nam, thậm chí được đáng giá là vượt bậc so với các thương hiệu Âu - Mỹ.
Các sản phẩm làm đẹp Trung Quốc sở hữu giá thành hợp lý, vừa túi tiền, chất lượng sản phẩm ổn định, phù hợp với thị hiếu thẩm mỹ của người Việt. Ngoài ra, việc mua sắm mỹ phẩm Trung cũng trở nên dễ dàng và nhanh chóng hơn thông qua các chuỗi bán lẻ, kênh phân phối chính hãng cũng như gian hàng TMĐT quốc tế.
Số liệu từ các báo cáo cũng cho thấy điều tương tự. Theo thống kê Thương hiệu mỹ phẩm nội địa Trung trên sàn TMĐT của YouNet ECI, ngành hàng hàng này tăng trưởng vượt trội từ tháng 9/2023 đến tháng 8/2024. Số liệu được thu thập từ 4 nền tảng mua sắm Shopee, Tiki, Lazada và TikTik Shop, với 5 thương hiệu, bao gồm Focallure, Perfect Diary, Colorkey, Zeesea và Judydoll. Ngành hàng đạt đỉnh doanh thu vào tháng 8/2024, với 647.300 sản phẩm bán ra, mang về 84,9 tỷ đồng doanh thu. Tính đến tháng 8/2024, tổng doanh thu của 5 thương hiệu tăng trưởng 180,4% so với tháng 9/2023.
Còn theo báo cáo thị trường Sản phẩm thương hiệu làm đẹp nội địa Trung Quốc từ ngày 1/1/2023 đến ngày 31/8/2024 của Metric, ghi nhận trên 3 sàn TMĐT Shopee, Lazada và Tiki, ngành hàng này tăng trưởng gấp khoảng 3 lần từ năm ngoái đến năm nay. Tháng 1/2023, doanh thu của thị trường chỉ ở mốc gần hơn 30 tỷ đồng. Đến tháng 1/2024, doanh số đạt mức gần 100 tỷ.
Đại diện chuỗi bán lẻ cho biết khách hàng mục tiêu tiêu của dòng sản phẩm này tại Việt Nam là người trẻ từ 15-25 tuổi, có mức thu nhập trung bình, lối sống hiện đại và phong cách trẻ trung.
Mỹ phẩm Trung Quốc tăng trưởng nhanh tại thị trường Việt Nam nhờ giá cả phải chăng. Ảnh: Carslan.
Phát triển từ mạng xã hội Douyin của Trung Quốc, TikTok cũng ảnh hưởng lớn đến thói quen mua sắm của người tiêu dùng Việt. Những clip giới thiệu, đánh giá mỹ phẩm Trung Quốc nhanh chóng tiếp cận người dùng, mở ra nhu cầu về các sản phẩm làm đẹp đến từ đất nước tỷ dân.
“Dĩ nhiên, sản phẩm có chất lượng tốt, giá thành phù hợp sẽ trở thành mặt hàng hot, được săn lùng trên mọi trang mua bán”, Linh Nguyễn nhận định.
Hơn nữa, phong cách trang điểm Douyin cũng trở thành xu hướng, tác động sâu rộng đến hành vi tiêu dùng của khách hàng Việt.
Cửa hàng nhỏ nhập cuộc
Bên cạnh các chuỗi bán lẻ, nhiều cửa hàng nhỏ, người bán trung gian cũng bắt đầu bước vào “cuộc chơi” mỹ phẩm nội địa Trung.
Sở hữu một cửa hàng chuyên về mỹ phẩm Hàn Quốc, Mỹ Linh (quận Bình Thạnh, TP.HCM) cũng không bỏ qua “cơn sốt” sản phẩm làm đẹp Trung Quốc. Cô cho biết mỹ phẩm nội địa xứ tỷ dân dần chiếm được cảm tình của khách hàng, với khoảng 40% người mua hiện quan tâm sản phẩm làm đẹp "made in China".
“Thị phần của các thương hiệu nội địa Trung đang tăng trưởng, bất chấp tình hình kinh tế khó khăn hiện tại”, cô nói.
Chủ shop Mỹ Linh bổ sung mỹ phẩm Trung Quốc bên cạnh sản phẩm làm đẹp Hàn Quốc chủ lực.
Theo chủ shop mỹ phẩm tại quận Bình Thạnh, các sản phẩm từ thương hiệu nội địa Trung Quốc thường có giá 100.000-500.000 đồng, mức giá dễ nhập để bán đối với thị trường Việt Nam.
Trong khi đó, Thư Nhi (quận 3, TP.HCM), chủ một shop mỹ phẩm online chuyên bán mỹ phẩm nội địa Trung Quốc, cho biết khách hàng của cô chủ yếu là nữ giới từ 18-30 tuổi, những người yêu thích trang điểm và luôn cập nhật xu hướng làm đẹp mới.
Bắt đầu kinh doanh từ giữa năm 2023, Thư Nhi chia sẻ son và phấn mắt là hai sản phẩm bán chạy nhất, chiếm khoảng 50% doanh thu của shop.
Cô cho rằng mỹ phẩm châu Á nói chung và mỹ phẩm Trung Quốc nói riêng thường có giá cả phải chăng hơn so với các sản phẩm từ châu Âu hay Mỹ, phù hợp với túi tiền của nhiều người, đồng thời cũng thích hợp với làn da của người Việt.
Theo chủ shop, người tiêu dùng không chỉ quan tâm đến giá cả mà còn chú trọng đến chất lượng và thiết kế sản phẩm.
“Từ đầu năm 2024, các thương hiệu như Flower Knows, dù có giá thành gần như gấp đôi những cái tên quen thuộc như Perfect Diary hay Focallure, vẫn được nhiều khách hàng ưa chuộng nhờ thiết kế cổ điển, sang trọng đặc trưng”, cô nói.
Thách thức của các đơn vị bán hàng
Thư Nhi cho biết tâm lý e ngại hàng hóa “xuất xứ Trung Quốc” vẫn còn tồn tại trong một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng, đặc biệt là người lớn tuổi, vô hình trung giới hạn tệp khách hàng tiềm năng.
“Có chăng các bạn trẻ ngày nay nắm bắt thông tin rất nhanh thông qua mạng xã hội, các hội nhóm làm đẹp nên sẽ ‘dễ tính’ hơn”, cô nói.
Chủ shop Thư Nhi lo ngại trước tâm lý không tin tưởng mỹ phẩm Trung Quốc ở một bộ phận người tiêu dùng.
Về phía Mỹ Linh, chủ shop nhận định sự bùng nổ của các sàn TMĐT như TikTok Shop hay Shopee tạo ra một “cuộc chơi” khốc liệt trên thị trường mỹ phẩm, nơi người tiêu dùng dễ dàng mua sắm sản phẩm nội địa Trung với mức giá hấp dẫn trực tiếp từ gian hàng quốc tế của các thương hiệu.
Điều này đặt ra thách thức không nhỏ cho các nhà bán lẻ tại Việt Nam, khi họ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt về giá, cũng như các chi phí phát sinh như kho bãi, nhập hàng,...
“Chúng tôi không chỉ phải cạnh tranh về giá mà còn phải tính toán kỹ lưỡng các chi phí để đảm bảo lợi nhuận và tránh tình trạng hàng tồn kho”, chủ shop chia sẻ.
Thậm chí, người này cho biết một số thương hiệu nổi tiếng như Carslan còn đưa ra chính sách giá không ưu đãi cho các nhà bán lẻ ở Việt Nam, khiến nhiều cửa hàng gặp khó khăn hơn trong việc thu hút khách.
Mặc dù vậy, Mỹ Linh vẫn lạc quan về tương lai của thị trường mỹ phẩm nội địa Trung Quốc, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế đang có phần chững lại. Cô dự đoán nhu cầu về các sản phẩm trang điểm có mức giá phải chăng này sẽ tiếp tục tăng trưởng trong quý cuối năm nay và dịp Tết 2025.
Linh Vũ - Như Phương
Nguồn Znews : https://lifestyle.znews.vn/mieng-banh-my-pham-made-in-china-khong-de-an-o-viet-nam-post1499684.html