Mô hình sản xuất hạt gỗ của hộ bà Hoàng Thị Tực, thôn Sơn Hạ, xã Mai Sơn từ nguồn vốn hỗ trợ việc làm đã duy trì và mở rộng việc làm cho nhiều lao động.
Chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm của NHCSXH đang triển khai đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các hộ gia đình mở rộng sản xuất, tạo thêm việc làm và nâng cao thu nhập. Đây cũng là giải pháp hữu hiệu trong công tác giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, đồng thời thúc đẩy sự phát triển kinh tế địa phương.
Để triển khai chương trình tín dụng này một cách hiệu quả, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã phối hợp với các ngành liên quan thẩm định các dự án phát triển kinh tế, tạo việc làm cho các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ.
Ngoài việc phối hợp trong công tác thẩm định cho vay, NHCSXH tỉnh còn chú trọng kiểm tra để đánh giá hiệu quả vốn vay và xử lý những tồn tại trong quá trình đầu tư. Nguồn vốn từ ngân sách địa phương được ưu tiên đầu tư vào những ngành nghề thế mạnh, đặc thù của từng địa phương, vừa tạo việc làm cho người lao động, vừa nhân rộng những mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình.
Theo NHCSXH tỉnh, năm 2024, đơn vị được Trung ương giao chỉ tiêu tăng trưởng dư nợ chương trình 222,2 tỷ đồng. Cùng với nguồn vốn thu hồi từ nợ đến hạn, Chi nhánh đã giải ngân cho 4.382 khách hàng với tổng số tiền 334,8 tỷ đồng. Đến nay, dư nợ chương trình đã đạt trên 942 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 17,1% tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách.
Những mô hình kinh tế hiệu quả từ nguồn vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đang trở thành điểm sáng trong hành trình giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới. Điển hình như gia đình anh Trần Quang Dương ở thị trấn Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn, đã sử dụng nguồn vốn vay này để đầu tư 2,5 ha cam, trồng chè trên 2 ha và chăn nuôi 10 con dê.
Anh Dương chia sẻ: "Nhờ nguồn vốn vay từ NHCSXH, gia đình tôi đã có cơ hội đầu tư đồng bộ vào sản xuất và chăn nuôi. Hiện nay, không chỉ kinh tế gia đình ổn định mà chúng tôi còn tạo việc làm cho một số lao động trong vùng".
Tương tự, gia đình anh Nguyễn Xuân Cường tại thôn Trung Tâm, xã Tân Thịnh cũng tận dụng vốn vay để trồng và chăm sóc gần 4 ha quế, kết hợp trồng đào cảnh, chăn nuôi gia cầm và kinh doanh nhỏ.
Anh Cường chia sẻ: "Ban đầu tôi cũng lo lắng khi vay vốn, nhưng nhờ sự hỗ trợ tận tình từ NHCSXH và chính quyền địa phương, gia đình tôi đã từng bước ổn định sản xuất. Giờ đây, nguồn thu nhập ổn định từ quế, đào cảnh và chăn nuôi giúp gia đình tôi tự tin hướng tới mở rộng mô hình hơn nữa".
Nguồn vốn từ NHCSXH không chỉ là "chiếc phao cứu sinh" cho nhiều gia đình khó khăn mà còn là động lực để họ vươn lên làm giàu bền vững. Những thành quả đã đạt được là minh chứng rõ ràng cho vai trò quan trọng của chương trình này trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế và giảm nghèo tại Yên Bái. Mặc dù nguồn vốn đã tăng đáng kể, nhưng nhu cầu vay vốn giải quyết việc làm trên địa bàn vẫn còn rất lớn. Vì vậy, để đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển và mở rộng mô hình kinh tế hộ gia đình, các chương trình tín dụng như của NHCSXH sẽ tiếp tục đóng vai trò then chốt trong việc giải quyết bài toán việc làm và tạo dựng nền tảng phát triển kinh tế vững chắc.
Những mô hình thành công đang từng bước khẳng định sức mạnh của sự đầu tư đúng hướng, không chỉ nâng cao thu nhập cho người dân mà còn thúc đẩy sự phát triển chung của tỉnh Yên Bái. Tuy nhiên, để phát huy hết tiềm năng, việc mở rộng các nguồn vốn, đồng thời tăng cường đào tạo, hướng dẫn cách thức phát triển sản xuất hiệu quả vẫn là yếu tố quyết định giúp người dân không chỉ có việc làm mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống, vươn tới sự phát triển bền vững. Với sự đồng hành của các cấp, ngành và cộng đồng, cơ hội việc làm, cơ hội vươn lên sẽ ngày càng rộng mở, mang lại tương lai tươi sáng cho người dân vùng nông thôn Yên Bái.
Văn Thông