Mở ra cơ hội cho người trẻ mua nhà

Mở ra cơ hội cho người trẻ mua nhà
17 giờ trướcBài gốc
TS. Trương Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (đứng) và ông Vương Duy Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản - Bộ Xây dựng
Tại Tọa đàm "Bất động sản: Nhà ở cho người trẻ" do Báo Người Lao Động phối hợp với Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức ngày 3/4/2025, TS. Trương Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam chia sẻ, Luật Nhà ở hiện nay, đặc biệt là Chương trình 1 triệu căn nhà ở xã hội của Chính phủ, hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu của nhóm này nếu được triển khai đầy đủ.
“Trước đây, đã từng có các dự án nhà ở xã hội được xây dựng thành công nhờ gói vay ưu đãi 30.000 tỷ đồng với lãi suất thấp và thời hạn vay dài. Tuy nhiên, hiện nay gói vay này đã ngừng triển khai. Trong khi đó, rất nhiều người dân, đặc biệt là người trẻ, vẫn đang gặp khó khăn do lãi suất cao và thời gian vay ngắn... Nếu có một gói hỗ trợ lãi suất hợp lý, điều này sẽ tiếp thêm sức mạnh tài chính cho người trẻ trong hành trình sở hữu ngôi nhà đầu tiên”, ông anh Tuấn nêu kiến nghị.
Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh lại nêu ý kiến, nhà giá rẻ không chỉ dành cho người trẻ mà còn hướng đến những người mua căn nhà đầu tiên. Trong thời đại số hóa, người trẻ có xu hướng thay đổi công việc thường xuyên, xem đó là trải nghiệm chứ không phải điều tiêu cực. Điều này dẫn đến một xu hướng quan trọng: thuê nhà trở thành lựa chọn chính của nhiều người.
Dự án nhà ở xã hội của Công ty Lê Thành tại TP. Hồ Chí Minh
Nhiều giải pháp đồng bộ
Theo thống kê sơ bộ, thị trường bất động sản từ cuối năm 2024, đặc biệt là đầu năm 2025, đã có sự phục hồi và phát triển tương đối tích cực, nhờ vào các chính sách tháo gỡ khó khăn được Quốc hội và Chính phủ ban hành. Trong đó, Nghị quyết 171 của Quốc hội và các Nghị định hướng dẫn của Chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc tạo động lực cho thị trường.
Bên cạnh đó, Chính phủ cùng các bộ, ngành cũng rất tích cực trong việc tháo gỡ vướng mắc cho các dự án bất động sản. Các tổ công tác của Chính phủ thường xuyên đôn đốc, làm việc trực tiếp tại các địa phương, đặc biệt là ở những khu vực trọng điểm như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… Đây cũng là yếu tố quan trọng góp phần giúp thị trường bất động sản phục hồi và tăng trưởng.
Ông Vương Duy Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản - Bộ Xây dựng cho biết, mới đây, Chính phủ đã tổ chức hội nghị nhằm tháo gỡ khó khăn trong phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp và người trẻ. Tại hội nghị, Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ hiệu quả hơn cho việc phát triển nhà ở xã hội, đồng thời hoàn thành các chỉ tiêu trong Đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội.
Việc phát triển nhà ở xã hội cũng đã được giao chỉ tiêu cụ thể cho từng địa phương. Đây là cơ sở quan trọng để thúc đẩy phát triển phân khúc này. Để đẩy mạnh nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ, bên cạnh các chính sách ưu đãi, rất cần có nguồn vốn hỗ trợ ổn định. Hiện nay, gói tín dụng 120.000 tỉ đồng đang được triển khai. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Bộ Xây dựng nghiên cứu, đề xuất thành lập Quỹ Nhà ở, hướng đến việc phát triển nhà ở giá rẻ một cách bền vững.
Bộ Xây dựng hiện đang nghiên cứu và chuẩn bị trình Chính phủ để tiếp tục trình Quốc hội một nghị quyết thí điểm về chính sách nhà ở xã hội, trong đó có nhiều ưu đãi hơn về thủ tục đầu tư, lãi suất vay cũng như mở rộng đối tượng thụ hưởng. Đặc biệt, các quy trình liên quan sẽ được rút ngắn nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án.
“Riêng đối với nhóm lao động trẻ tại các đô thị, đây là đối tượng cần được ưu tiên. Họ thường gặp khó khăn do tay nghề còn hạn chế, thu nhập thấp và thời gian tích lũy chưa nhiều khiến việc mua nhà theo cơ chế thị trường gặp nhiều trở ngại. Tuy nhiên, lao động trẻ cũng có lợi thế về khả năng phát triển nghề nghiệp và gia tăng thu nhập trong tương lai. Do đó, việc hỗ trợ nhóm này không chỉ có ý nghĩa trước mắt mà còn góp phần giải quyết bài toán nhà ở một cách lâu dài và bền vững”, ông Vương Duy Dũng khẳng định.
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN Khu vực II
Về phía NHNN, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN Khu vực II cho rằng, thông thường, nhà ở xã hội được hiểu là loại hình nhà giá rẻ. Tuy nhiên, nếu người dân, đặc biệt là người trẻ, có thể tiếp cận được cả nhà ở thương mại với mức giá hợp lý thì hiệu quả mang lại sẽ còn lớn hơn rất nhiều. Trong đó, các chương trình cho vay dành riêng cho người trẻ đóng vai trò tiếp sức quan trọng, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đảm bảo chỗ ở cho toàn dân.
Việc phát triển phân khúc nhà ở giá rẻ là lời giải cho bài toán chi phí nhà ở trong bối cảnh thu nhập trung bình còn hạn chế. Cùng với đó, các ngân hàng thương mại hiện đang tích cực triển khai những gói tín dụng ưu đãi dành riêng cho người trẻ: lãi suất thấp, thời hạn vay dài, giúp người trẻ từng bước tiếp cận và sở hữu căn nhà đầu tiên.
Bên cạnh đó, các giải pháp mà Bộ Xây dựng đang triển khai, cũng như các cơ chế, chính sách đang được nghiên cứu, hoàn thiện, sẽ đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy thị trường nhà ở giá hợp lý. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi hiện nay vẫn nằm ở nguồn cung. Do đó, điều cấp thiết là phải gia tăng nguồn cung nhà ở cho thị trường, đặc biệt là tại các đô thị lớn, nơi nhu cầu của người trẻ và người thu nhập thấp đang rất cao.
Đề xuất một số giải pháp
Phát biểu kết luận Tọa đàm, ông Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động nhìn nhận, qua các ý kiến thảo luận, chúng ta đã hình dung rõ hơn về bức tranh bất động sản dành cho người trẻ cũng như những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ. Từ đó, ông Tuân kiến nghị bổ sung một số giải pháp quan trọng để thúc đẩy thị trường.
Một là, cần mở rộng hỗ trợ tài chính và các gói vay ưu đãi với chính sách cho vay hợp lý hơn, kéo dài thời gian trả nợ từ 20 năm lên 25 - 40 năm, giúp giảm áp lực tài chính hàng tháng.
Hai là, phát triển mạnh mẽ nhà ở xã hội và nhà thương mại vừa túi tiền; tiếp tục đẩy nhanh Đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội theo chỉ đạo của Thủ tướng; tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục đất đai và pháp lý để thúc đẩy nguồn cung.
Ba là, đơn giản hóa thủ tục hành chính, qỉam tối thiểu 30% các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt dự án để doanh nghiệp triển khai nhanh hơn; hạn chế tình trạng dự án bị "ngâm" quá lâu khiến chi phí tăng cao, tác động tiêu cực đến giá nhà.
Bốn là, sớm thành lập Quỹ Hỗ trợ Nhà ở Quốc gia. Quỹ này sẽ giúp hỗ trợ người có thu nhập trung bình, giảm áp lực tài chính khi mua nhà.
Năm là, ứng dụng công nghệ số, AI... để đánh giá khả năng vay vốn và đề xuất các gói tín dụng phù hợp với tình hình tài chính của từng người trẻ, từ đó tối ưu hóa quá trình xét duyệt và giải ngân; đồng thời qua đó giúp ngân hàng và doanh nghiệp xác định phân khúc thị trường chính xác hơn, tránh tình trạng cung - cầu lệch pha.
“Chúng tôi hy vọng rằng với sự nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành và doanh nghiệp, cùng với tinh thần đổi mới trong điều hành chính sách, thị trường bất động sản sẽ có những bước phát triển đột phá trong năm 2025”, ông Tuân nói.
Bà Đinh Thị Thu Thảo, Phó Giám đốc Khối Khách hàng cá nhân - Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB):
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại nghiên cứu, triển khai các gói tín dụng hỗ trợ cho khách hàng trẻ, ACB đã tiên phong công bố gói vay “Ngôi nhà đầu tiên”.
Gói vay này dành cho người dưới 35 tuổi, lãi suất ưu đãi từ 5,5%/năm, thời gian vay có thể kéo dài đến 30 năm. Đặc biệt, khách hàng có thể linh hoạt trả nợ với số tiền nhỏ trong những năm đầu, sau đó tăng dần theo thu nhập - một cách tiếp cận rất phù hợp với lộ trình phát triển tài chính cá nhân của người trẻ.
Hiện nay, ACB tiếp tục nâng cấp sản phẩm, mở rộng đối tượng thụ hưởng từ độ tuổi 35 lên 40, nhằm hỗ trợ được nhiều người hơn nữa trong việc tiếp cận nhà ở. Bởi, trong giai đoạn đầu lập nghiệp, người trẻ thường có thu nhập chưa ổn định. Vì vậy, ACB đã thiết kế chính sách lãi suất ưu đãi trong 5 năm đầu, khách hàng chỉ trả 1% vốn gốc; 5 năm tiếp theo, mức trả vốn gốc cũng chỉ 2%. Đây là mức hỗ trợ rất thực tế và có tác động lớn đến quyết định mua nhà của nhiều người trẻ.
Không chỉ dừng lại ở việc cung cấp các giải pháp tài chính linh hoạt, ACB còn đồng hành cùng người trẻ trong quá trình tìm kiếm bất động sản phù hợp. Bên cạnh đó, ACB phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư để xây dựng danh mục sản phẩm với mức giá dưới 3 tỉ đồng – mức giá mà nhiều người trẻ hiện nay có thể tiếp cận được.
Thanh Tuyết
Nguồn TBNH : https://thoibaonganhang.vn/mo-ra-co-hoi-cho-nguoi-tre-mua-nha-162211.html