Với mục tiêu đạt tăng trưởng hai con số trong năm 2025 (tăng GRDP 10%), Bình Dương đang đẩy mạnh các chiến lược phát triển bền vững, từ việc thúc đẩy giải ngân khổng lồ 30.000 tỷ đồng nguồn vốn đầu tư công, huy động nguồn lực toàn xã hội, thu hút đầu tư cho đến thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế xanh... Sự quyết tâm này không chỉ khẳng định vị thế đầu tàu kinh tế của vùng Đông Nam bộ mà còn mở ra cơ hội mới, đưa Bình Dương tiến xa hơn trong kỷ nguyên mới.
Những bứt phá quan trọng
Hiện tại, quy mô nền kinh tế của tỉnh Bình Dương đạt hơn 572.442 tỷ đồng, tương đương khoảng 23 tỷ USD, với thu nhập bình quân đầu người đạt 182,6 triệu đồng. Trong năm 2024, quy mô nền kinh tế tỉnh (GRDP) tăng trưởng gần 8%, đứng thứ 2/6 địa phương trong Vùng Đông Nam bộ. Tuy nhiên, Bình Dương đặt mục tiêu cao hơn trong năm 2025 với kỳ vọng đưa quy mô nền kinh tế 23 tỷ USD tăng trưởng 10% trở lên, nâng cấp thu nhập bình quân đầu người vượt ngưỡng 195 triệu đồng/người.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh trao đổi với báo chí về kế hoạch phát triển của tỉnh năm 2025. Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN
Để đạt được mục tiêu này, tỉnh đã đề ra 6 nhóm giải pháp trọng tâm duy trì từ ổn định kinh tế, thúc đẩy đầu tư công và tư, phát triển doanh nghiệp, đến nâng cao chất lượng sống của người dân, sắp xếp bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu quả.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh khẳng định: Đây là mục tiêu đầy thách thức và khó khăn nhưng cả hệ thống chính trị của tỉnh thể hiện quyết tâm cao độ, từ chính quyền đến cộng đồng doanh nghiệp và người dân cùng phấn đấu thực hiện mục tiêu quan trọng này.
Với nền tảng đạt được từ năm qua, tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo tiền đề cho mục tiêu năm 2025. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, với công nghiệp chiếm 65%, dịch vụ 25% và nông nghiệp 3%. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 60 tỷ USD, trong đó xuất khẩu tăng 13%, vượt kế hoạch đề ra. Tỉnh thu hút 2 tỷ USD vốn FDI và 77.000 tỷ đồng vốn đăng ký kinh doanh trong nước, nâng tổng số doanh nghiệp trong tỉnh lên 73.135, với tổng vốn đăng ký trên 803.000 tỷ đồng.
Đặc biệt, việc thành lập Khu công nghiệp Cây Trường với diện tích 700 ha đã nâng tổng số khu công nghiệp của tỉnh lên 29 khu, trải rộng trên gần 13.000 ha. Tuy nhiên, để đạt được tăng trưởng hai con số, tỉnh phải vượt qua nhiều thách thức, từ chi phí sản xuất cao, thị trường xuất khẩu biến động, đến vấn đề thiếu hụt lao động.
Theo Tiến sĩ Trần Du Lịch, Ủy viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, nhấn mạnh: Để đạt tăng trưởng cao, Bình Dương cần đột phá trong ba lĩnh vực chính. Đó là thể chế và môi trường đầu tư, cần kiến nghị Trung ương cho phép áp dụng cơ chế phân cấp mạnh. Điều này giúp Bình Dương có thêm quyền tự quyết trong các chính sách phát triển kinh tế.
Cùng với đó, nâng cấp ngành công nghiệp về chuyển đổi các khu công nghiệp hiện hữu theo hướng hiện đại, thu hút ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao, đồng thời thúc đẩy sự liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước. Ngoài ra, đầu tư mạnh hạ tầng giao thông và đô thị như phát triển mô hình đô thị gắn với giao thông công cộng (TOD), đặc biệt là tuyến đường sắt đô thị kết nối Bình Dương và Tp.Hồ Chí Minh, nhằm giảm áp lực giao thông và tăng cường liên kết vùng.
Cũng theo Tiến sĩ Trần Du Lịch, việc tăng trưởng từ gần 8% vào năm 2024 lên 10% vào năm 2025 là một công thức rất lớn đối với Bình Dương. Tuy nhiên, cần giải pháp tình thế để đạt được mức tăng trưởng này, tỉnh cần phải giải quyết một bài toán khó về chiến lược dài hơn ngay từ bây giờ; qua đó nếu năm 2025 chưa đạt thì tạo đà cho mục tiêu 2026 trở đi sẽ vượt ngưỡng hai con số an toàn và bền vững.
Ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng Giám đốc FPT, đề xuất tỉnh đầu tư mạnh vào giáo dục và đào tạo chuyên sâu về các lĩnh vực công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), blockchain và năng lượng tái tạo.Việc xây dựng các trung tâm đào tạo chuyên biệt, hợp tác với các trường đại học và tập đoàn công nghệ lớn, sẽ giúp Bình Dương phát triển lực lượng lao động có khả năng đáp ứng nhu cầu của các ngành công nghiệp hiện đại.
“Bài toán” kích 2 con số
Tiến sĩ Mai Hữu Tín, Chủ tịch Liên đoàn Doanh nghiệp Bình Dương, nhận định rằng với nền tảng sẵn có cùng sự quyết tâm cao từ lãnh đạo tỉnh, cộng đồng doanh nghiệp hoàn toàn có cơ sở để lạc quan và tin tưởng vào mục tiêu con số trưởng thành tăng trưởng.
Trung tâm Hành chính tỉnh Bình Dương và một góc thành phố mới Bình Dương. Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN
Theo ông, kế hoạch này là khả thi nhờ dòng vốn đầu tư dự kiến đạt 36.000 tỷ đồng trong năm 2025, sẽ kích cầu toàn thị trường và thúc đẩy các lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu, dịch vụ và bất động sản phát triển. Khi dòng vốn đầu tư giải ngân mạnh sẽ kích cầu những nguồn lực khá tăng trường, đóng góp tích cực vào kế hoạch tăng trưởng 2 con số của tỉnh. “Tôi tin tưởng vào kế hoạch phát triển nền kinh tế 2 con số của tỉnh trong năm mới tới” – ông Tín lạc quan nói.
Tuy nhiên, ông Mai Hữu Tín cũng chỉ ra một hạn chế lớn, dù là địa phương xuất khẩu hàng đầu cả nước và tạo ra dư dư khẩu đáng kể, Bình Dương hiện không có lợi thế về lao động, thậm chí đang đối mặt với tình trạng thiếu lao động. Để giải quyết vấn đề này, cần tập trung thu hút các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao.
Cùng với đó, cần áp dụng nhanh những tiến bộ vượt bậc trong công nghệ dữ liệu, trí tuệ nhân tạo (AI) để mở ra cơ hội tăng năng suất với tốc độ chưa từng có hiện nay. Ông Tín cho rằng chính quyền Bình Dương cần nâng cấp khả năng ứng dụng và đi đầu trong việc phát triển công nghệ hiện đại, điều này sẽ tạo ra sự khác biệt lớn; qua đó đưa địa phương trở thành địa phương sở hữu chính quyền có công nghệ và giải pháp tiên tiến nhất Việt Nam trong giai đoạn 2026-2030. Có như vậy, vùng đất “vàng Bình Dương” đảm bảo bứt phá đúng lộ trình đề ra.
Đồng quan điểm với ông Mai Hữu Tín, ông Nguyễn Trần Hiệu, Cục trưởng Cục Hải quan Bình Dương, cho biết với tinh thần đổi mới, Cục Hải quan Bình Dương không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ, tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động xuất nhập khẩu. Hiện, Cục đang phối hợp đồng bộ từ các cấp lãnh đạo và sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ, Cục Hải quan tiếp tục là động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế bền vững của địa phương. Mục tiêu hướng tới mục tiêu xây dựng niềm tin bền vững cho doanh nghiệp, đơn vị đặt mục tiêu thu ngân sách năm 2025 đạt 18.200 tỷ đồng, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế hai con số của tỉnh Bình Dương.
Trong khi đó, theo PGS.TS Trần Đình Thiên chia sẻ tỉnh rằng tỉnh cần mở rộng lĩnh vực dịch vụ, tăng mạnh thương mại điện tử, logistics thông minh, đến dịch vụ đô thị…đây là dư địa để cân bằng nền kinh tế, giảm lệ thuộc khối sản xuất công nghiệp đang "trông nóng" vào xuất khẩu sẽ có những “rủi ro” nhất định nếu gặp biến động của thị trường của thế giới. Bởi thủ phủ Bình Dương có độ mở lớn nhất trong các địa phương về chiến lược hội nhập, từ đó dễ gặp “tổn thương” nếu có những tác động bất ngờ như đợt dịch trước đây từng gặp phải.
Triển khai nhiệm vụ năm 2025, tỉnh Bình Dương đề ra ba bứt phá chiến lược và hai trọng tâm quan trọng; trong đó, tập trung nhiệm vụ huy động tối đa nguồn vốn đầu tư, đột phá trong đầu tư công và tổ chức thực hiện rõ ràng sẽ tạo nền tảng để Bình Dương tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong những năm tới. Hai trọng tâm là giữ vững an ninh quốc phòng, chăm lo an sinh xã hội, đồng thời nâng cao chất lượng lãnh đạo Đảng các cấp là các yếu tố quan trọng đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững cho tỉnh nhà.
Với nền tảng vững chắc và các chính sách đổi mới sáng tạo, Bình Dương đang vươn mình ra ngoài phạm vi khu vực Đông Nam Bộ khẳng định vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước. Các mục tiêu phát triển không chỉ tập trung vào tăng trưởng kinh tế mà còn hướng đến phát triển bền vững thông qua việc đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh và tuần hoàn, giúp tỉnh tiếp tục là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Theo các chuyên gia nhận định, từ những nỗ lực cải cách, đổi mới và sáng tạo, Bình Dương không chỉ bước vào một kỷ nguyên mới mà còn đang khẳng định mạnh mẽ khát vọng tăng trưởng hai con số. Với quyết tâm và tầm nhìn chiến lược, Bình Dương sẽ tiếp tục tiên phong trong sự phát triển kinh tế khu vực và cả nước. Sự đồng lòng của các cấp, ngành và doanh nghiệp chính là yếu tố then chốt để tỉnh nhà không chỉ đạt mà còn vượt qua mục tiêu đề ra, tạo dựng một nền tảng vững chắc cho sự phát triển đột phá khi bước vào mùa xuân mới Ất Tỵ 2025 và các năm tiếp theo.
Dương Chí Tưởng/TTXVN