Mong muốn Tập đoàn Meta hợp tác, hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy ứng dụng trí tuệ nhân tạo, kinh tế số

Mong muốn Tập đoàn Meta hợp tác, hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy ứng dụng trí tuệ nhân tạo, kinh tế số
4 giờ trướcBài gốc
Thủ tướng Phạm Minh Chính và ông Nick Clegg, Chủ tịch phụ trách đối ngoại toàn cầu Tập đoàn Meta. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Tại cuộc gặp, Thủ tướng và ông Nick Clegg đã trao đổi về tương lai của đổi mới sáng tạo, bao gồm các xu hướng trí tuệ nhân tạo (AI) mới nhất, cũng như cách thức hợp tác giữa Meta và các đối tác Việt Nam nhằm tiếp tục xây dựng mối quan hệ tập trung vào đổi mới sáng tạo, từ đó thúc đẩy ứng dụng của AI và tăng trưởng kinh tế số tại Việt Nam.
Ông Nick Clegg bày tỏ ấn tượng với tinh thần kiên cường của đất nước Việt Nam, điều này đã giúp Việt Nam vượt qua những thời điểm khó khăn, thách thức trong lịch sử và phát triển mạnh mẽ trong những năm qua.
Nhất trí với những đề nghị của Thủ tướng, ông Nick Clegg đánh giá cao chiến lược về dữ liệu của Chính phủ Việt Nam; dân số 100 triệu người, trẻ, năng động, nhiều năng lượng, thành thạo công nghệ của Việt Nam, cũng như nền tảng giáo dục, giáo dục-đào tạo tốt. Hiện, Việt Nam là một trong những thị trường dẫn đầu thế giới về kinh doanh hội thoại (trên ứng dụng Messenger của Facebook) để trao đổi giữa người bán và người mua.
Cho biết Meta rất hân hạnh được tham gia chương trình “Thách thức đổi mới sáng tạo” của Việt Nam do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức, cũng như tham gia nhiều hoạt động hợp tác hiệu quả khác tại Việt Nam, ông Nick Clegg cũng chia sẻ về kế hoạch hợp tác, đầu tư của Meta tại Việt Nam thời gian tới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Nick Clegg, Chủ tịch phụ trách đối ngoại toàn cầu Tập đoàn Meta. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Trong đó, Meta sẽ mở rộng sản xuất thiết bị thực tế ảo hỗn hợp mới nhất của Meta - Quest 3S tại Việt Nam vào năm 2025. Việc này được kỳ vọng tạo ra khoảng 1.000 việc làm tại Việt Nam, đồng thời cũng cho thấy sự tin tưởng của Meta vào nguồn nhân lực của Việt Nam.
Đặc biệt những tháng tới, Meta sẽ triển khai trợ lý ảo "Meta AI" bằng tiếng Việt, với mong muốn các doanh nghiệp và người dân Việt Nam có thể tiếp cận công cụ này cho nhiều mục đích khác nhau, từ đó thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo.
Lãnh đạo Meta cam kết tiếp tục hỗ trợ, nhân rộng các chương trình đầu tư, khuyến khích sáng tạo, hỗ trợ tăng trưởng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam trong thời gian tới; đồng thời nêu một số đề nghị liên quan quy hoạch cụ thể cho băng tần, khuyến nghị về khung pháp lý để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho môi trường kinh doanh.
Quang cảnh buổi tiếp. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Hoan nghênh chuyến thăm của ông Nick Clegg, nhất là việc tham dự các hoạt động của Ngày hội Đổi mới sáng tạo quốc gia, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Việt Nam mong muốn tiếp tục thúc đẩy, làm sâu sắc hơn nữa quan hệ với Hoa Kỳ trên các lĩnh vực.
Cho biết Việt Nam là một trong những quốc gia chịu nhiều đau thương, mất mát nhất sau chiến tranh thế giới thứ hai, Thủ tướng đánh giá quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ là hình mẫu về gác lại quá khứ, tôn trọng khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai, ngày càng ổn định, phát triển dù thế giới có nhiều biến động.
Thủ tướng khẳng định Việt Nam rất coi trọng các dự án đầu tư từ Hoa Kỳ; luôn tạo các điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp nước ngoài nói chung, các doanh nghiệp Hoa Kỳ nói riêng như Meta thành công tại Việt Nam trên tinh thần “hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro”, “cùng lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ tầm nhìn và hành động, cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng và cùng phát triển, cùng niềm vui, hạnh phúc và niềm tự hào”.
Thủ tướng đánh giá cao sự đóng góp thiết thực và hiệu quả của Meta cũng như cá nhân ông Nick Clegg đối với sự phát triển kinh tế của Việt Nam và quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ, nhất là trong các lĩnh vực kinh tế số, đổi mới sáng tạo, giáo dục-đào tạo, cũng như những nỗ lực sắp tới của Meta trong thúc đẩy hợp tác với Việt Nam, đặc biệt là trong Việt hóa công cụ Meta AI.
Theo nhandan.vn
Nguồn Phú Thọ : https://baophutho.vn/mong-muon-tap-doan-meta-hop-tac-ho-tro-viet-nam-thuc-day-ung-dung-tri-tue-nhan-tao-kinh-te-so-220001.htm