"Lần đầu tiên, chúng tôi đã xác định được thời điểm sớm nhất mà quá trình hình thành hành tinh bắt đầu xung quanh một ngôi sao khác ngoài Mặt Trời của chúng ta" - nhà thiên văn học Melissa McClure của Đại học Leiden (Hà Lan) nói với Science Alert.
"Hệ Mặt Trời" mới HOPS-315 vừa chào đời ở nơi cách chúng ta 1.300 năm ánh sáng - Ảnh: ESO/NRAO/NAOJ/NASA/ESA/CSA
TS McClure và các cộng sự đã nghiên cứu một ngôi sao gần như y hệt Mặt Trời mang tên HOPS-315.
Khi phân tích các luồng bụi và mảnh vụn còn sót lại từ quá trình hình thành ngôi sao trẻ này dưới ánh sáng hồng ngoại, họ đã tìm thấy nồng độ nhỏ các khoáng chất nóng, thứ mà cuối cùng sẽ hình thành nên các vi thể hành tinh.
Đó là những cấu trúc nhỏ mang các tính chất của hành tinh nhưng chưa phải hành tinh hoàn hảo.
Trong quá trình hình thành của hệ sao, các vi thể hành tinh này sẽ va chạm với nhau, vỡ nát rồi lại hợp nhất, dần tạo nên các tiền hành tinh, sau đó là hành tinh thực thụ, như những gì chúng ta đang thấy trong Thái Dương hệ.
Theo bài công bố trên tạp chí Nature, các nhà khoa học đã đạt được đột phá này nhờ kết hợp sức mạnh của 2 trong số các đài quan sát mạnh nhất mà nhân loại sở hữu: Kính viễn vọng không gian James Webb với "mắt thần" hồng ngoại và Đài quan sát vô tuyến ALMA đặt tại Chile.
Nhờ đó, họ đã xác định được các bước sóng ánh sáng liên quan đến khí silic monoxit ấm và các hạt khoáng chất silicat kết tinh, một dấu hiệu liên quan đến quá trình silic nguội từ dạng khí thành trạng thái rắn.
Họ cũng tìm thấy dấu hiệu của một hành tinh mới sinh nằm cách ngôi sao mẹ khoảng 2,2 đơn vị thiên văn (AU), tương đương khoảng cách giữa Mặt Trời và vành đai tiểu hành tinh gữa Sao Hỏa và Sao Mộc.
Bằng cách nghiên cứu đĩa tiền hành tinh của các ngôi sao khác ở các giai đoạn khác nhau của quá trình hình thành hệ sao, chúng ta đã dần ghép nên câu chuyện đầy đủ về lịch sử của hệ Mặt Trời.
Những gì nhóm của TS McClure xác định được giống như chương khởi đầu.
Anh Thư