Một nhà giáo có tâm hồn thi sĩ

Một nhà giáo có tâm hồn thi sĩ
3 giờ trướcBài gốc
Nhà giáo, nhà thơ Trần Văn Lợi, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Nam Định.
Nhà giáo, nhà thơ Trần Văn Lợi sinh ra tại Nông trường Rạng Đông, nay thuộc thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng). Những năm tháng tuổi thơ gắn liền với mảnh đất nông thôn đã nuôi dưỡng trong tâm hồn anh tình yêu với thiên nhiên, cuộc sống bình dị của người dân quê. Đặc biệt, những câu ca dao, truyện cổ do mẹ kể đã chạm đến trái tim, thổi bùng ngọn lửa đam mê thơ ca của cậu bé Lợi thuở nào. Ngay từ khi còn học cấp 2, Trần Văn Lợi đã bắt đầu làm thơ. Những bài thơ đầu tiên được anh sáng tác và đăng trên Tạp chí Văn nghệ Hà Nam Ninh (Hội VHNT tỉnh). Ngày đó, nhà thơ Phạm Trọng Thanh (hội viên Hội Nhà văn Việt Nam) từng nhận xét: “Qua những bài thơ đầu đời này, Trần Văn Lợi đã bộc lộ rõ năng khiếu thơ ca và tôi tin tưởng rằng Trần Văn Lợi sẽ có nhiều bài thơ được độc giả yêu thích”.
Những bài thơ của Lợi thời kỳ đầu là sự gợi mở đầy ắp những cảm xúc tuổi thơ, phản ánh vẻ đẹp giản dị của quê hương. Nhưng phải đến khi lên lớp 12 (năm 1994), Trần Văn Lợi mới thực sự được nhiều bạn đọc biết đến qua những sáng tác về tuổi học trò đăng trên các tạp chí như: Tuổi xanh, Ước mơ xanh và Báo Hoa học trò. Thời điểm này, những vần thơ của anh thể hiện những cảm xúc trong sáng, hồn nhiên của tuổi mới lớn, giàu hoài bão nhưng cũng rất lãng mạn, bay bổng. Nhà giáo, nhà thơ Trần Văn Lợi tâm sự: “Trong quá trình học tập, tôi được tiếp xúc với các tác phẩm văn học trong nhà trường, được các thầy cô bồi dưỡng tình yêu thơ ca, tình yêu cuộc sống và được gặp gỡ các nhà văn, nhà thơ của Hội VHNT tỉnh. Những điều này đã giúp tôi học hỏi về bút pháp và cách nuôi dưỡng cảm xúc trong sáng tác”. Chắc hẳn chính sự gắn bó với văn học từ những năm tháng học sinh đã giúp anh có bút pháp đậm chất trữ tình, giàu hình ảnh và cảm xúc.
Thơ Trần Văn Lợi giống tư chất của anh ngoài đời: chân thành, giản dị, trầm lắng mà đằm sâu, tha thiết. Người yêu thơ dễ nhận thấy những tác phẩm thơ của Trần Văn Lợi thiên về hoài cổ, nuối tiếc những vẻ đẹp đã qua; thể hiện một tâm hồn phong phú, luôn gắn bó sâu sắc với làng quê, với những con người thân thuộc trong cuộc sống. Những tập thơ của anh như “Miền gió cát” (2000), “Lật mùa” (2005), “Bàn tay châu thổ” (2010) “Đã như là hóa thạch những mồ hôi” (2019)… đã được bạn đọc đón nhận nồng nhiệt. Bên cạnh đó, các tác phẩm nghiên cứu phê bình và tản văn như: “Qua những mùa trăng” (2015) và “Mùa hoa xoan tím” (2016) đã góp phần làm phong phú thêm những sáng tác của anh.
Từ năm 1996 đến 1998, Trần Văn Lợi tham gia nhập ngũ tại Sư đoàn 312, Thái Nguyên. Những trải nghiệm trong quân ngũ đã giúp anh cảm nhận sâu sắc về cuộc sống, tinh thần đồng đội và những khó khăn, gian khổ của người lính. Đây cũng là mảng đề tài yêu thích mà anh đã khai thác trong nhiều bài thơ, thể hiện tình cảm chân thành và lòng tự hào về phẩm chất cao đẹp của anh Bộ đội Cụ Hồ. Những tác phẩm về người lính của Trần Văn Lợi không chỉ xuất hiện trên Báo Quân đội nhân dân mà còn được đăng tải rộng rãi trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Đặc biệt, vừa qua, anh đã xuất sắc giành giải A trong cuộc thi viết toàn quốc Chuyện kể ở Đại đội của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam (2024) với tác phẩm “Thơ... nhà lính, tính nhà quan”. Với giọng kể hồn nhiên và dí dỏm, câu chuyện đã tái hiện hình ảnh những người lính trẻ luôn lạc quan yêu đời, vượt mọi khó khăn gian khổ và cũng rất lãng mạn, mộng mơ. Tác phẩm này vừa ngợi ca những người lính vừa là lời tri ân của Trần Văn Lợi đối với những đồng đội của anh nhân dịp hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024).
Là một thầy giáo dạy Ngữ văn, Trần Văn Lợi xác định rõ vai trò của mình không chỉ là người truyền đạt kiến thức mà còn là người tạo cảm hứng cho học trò. Năm 2001, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Nam Định và trở về quê nhà, Trần Văn Lợi bắt đầu sự nghiệp giảng dạy tại Trường THCS Nam Điền (Nghĩa Hưng). Ngay từ những ngày đầu đứng trên bục giảng, cuộc sống của những học sinh vùng quê biển đã để lại những ấn tượng sâu sắc, giúp anh sáng tác nên những bài thơ chân thực và xúc động. Trong thời gian giảng dạy, Trần Văn Lợi đã sáng tác bài thơ “Giờ học trên làng biển”, một tác phẩm phản ánh thực tế về những học sinh đi học muộn vì phải đi bắt cua, cá theo nhịp điệu thủy triều mỗi ngày. Bài thơ giản dị, sâu lắng, không chỉ “vẽ” lên một bức tranh sinh động về cuộc sống của những học trò miền biển mà còn là sự đồng cảm sâu sắc của người thầy đối với học trò. Nhà thơ Trần Văn Lợi chia sẻ: “Là người sáng tác văn chương lại làm nghề dạy học, tôi nhận thấy giữa nghề và nghiệp có sự gần gũi đặc biệt. Hàng ngày gặp gỡ các em học sinh giúp tôi thường xuyên có được nguồn cảm xúc trong trẻo, hồn nhiên. Còn tình yêu, sự gắn bó với văn học, với các tác phẩm văn chương lại giúp tôi truyền đạt kiến thức cho học trò một cách hiệu quả”. Chính vì thế, công việc sáng tác thơ ca và nghề giáo của Trần Văn Lợi không tách rời mà luôn hỗ trợ và bổ sung cho nhau, tạo thành một sự hòa quyện trong công việc và cuộc sống.
Những sáng tác của Trần Văn Lợi không chỉ chạm đến trái tim của người đọc mà còn được đánh giá cao về giá trị văn học và giáo dục. Nhiều bài thơ và tản văn của anh đã được đưa vào làm ngữ liệu giảng dạy trong các đề thi và đề ôn thi môn Ngữ văn các cấp học. Một số tác phẩm tiêu biểu được lựa chọn như: “Hoa vàng”, “Lời hạt muối”, “Về với ruộng đồng”, “Ban mai biển”, “Mái trường xưa”… Đặc biệt, bài thơ “Thi khúc Thành Nam” đã được đưa vào chương trình giảng dạy môn Giáo dục Địa phương lớp 9 tỉnh Nam Định, giúp học sinh hiểu rõ hơn về lịch sử và văn hóa quê hương. Ngoài ra, Trần Văn Lợi còn sáng tác nhiều bài thơ thiếu nhi với những vần thơ hồn nhiên, trong sáng cho các em nhỏ. Một số bài thơ thiếu nhi nổi bật đã được đưa vào sách Tiểu học như: “Bé vào lớp 1”, “Quả trăng”, “Ngôi trường em mới xây xong”... Những sáng tác này không chỉ góp phần làm phong phú thêm kho tàng văn học thiếu nhi mà còn giúp các em học sinh bước đầu cảm nhận được vẻ đẹp của văn học và cuộc sống thông qua những hình ảnh thân quen, gần gũi. Những bài thơ của Trần Văn Lợi, từ những bài viết về làng quê, về tuổi học trò, về người lính, đến những tác phẩm mang hơi thở của thời đại, luôn thu hút sự quan tâm của đông đảo bạn đọc...
Trên con đường hoạt động nghệ thuật, nhà thơ Trần Văn Lợi đã nhận được nhiều giải thưởng, trong đó có Giải Nhì thơ của Hội VHNT Nam Định (2000), 4 Giải thưởng VHNT Lương Thế Vinh của UBND tỉnh trao tặng (từ năm 2000 đến nay), Giải thưởng Cuộc vận động sáng tác về nông nghiệp và nông thôn mới của Hội Nhà văn Việt Nam (2016), Tặng thưởng thơ của Tạp chí Văn nghệ Quân đội (2017), Giải thưởng của Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam (2019)… Những giải thưởng này không chỉ ghi nhận tài năng thơ ca mà còn là sự khẳng định vị trí của anh trong lòng độc giả và giới văn chương.
Có thể nói, Trần Văn Lợi là một trong những nhà giáo hiếm hoi có thể dung hòa được hai vai trò: người thầy và thi sĩ, vừa giảng dạy, vừa sáng tác đều đặn. Sự kết hợp này không chỉ làm phong phú thêm cuộc sống của anh mà còn làm giàu có thêm tâm hồn của những học trò mà anh đã, đang và sẽ dìu dắt. Thông qua những tác phẩm của mình, Trần Văn Lợi đã truyền cảm hứng cho bao thế hệ học trò, giúp các em hiểu rằng văn học không chỉ là môn học, mà còn là nơi để khám phá bản thân, để tìm kiếm những giá trị nhân văn trong cuộc sống.
Bài và ảnh: Viết Dư
Nguồn Nam Định : https://baonamdinh.vn/dat-nuoc-con-nguoi/202411/mot-nha-giao-co-tam-hon-thi-si-56734ae/