Mưa lớn dồn dập gây ngập lụt diện rộng, sạt lở đất, lũ quét xuất hiện

Mưa lớn dồn dập gây ngập lụt diện rộng, sạt lở đất, lũ quét xuất hiện
12 giờ trướcBài gốc
Giữa trưa 22/7, cơn lũ quét xảy ra tại xã biên giới Nhôn Mai, tỉnh Nghệ An làm nhiều nhà bị cuốn trôi
Tại tỉnh Ninh Bình, theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Môi trường, tính đến ngày 22/7, mưa lớn đã gây ngập diện rộng diện tích sản xuất vụ mùa. Toàn tỉnh đã gieo cấy được 110.620 ha lúa mùa, trong đó khu vực Hà Nam (cũ) đã hoàn thành gieo cấy và đang chuyển trọng tâm sang chăm sóc. Tuy nhiên, mưa lớn kéo dài gây ngập tới 74.017 ha lúa, trong đó có 65.489 ha bị ngập trắng và hơn 2.400 ha ngập sâu.
Diện tích rau màu bị ảnh hưởng cũng không nhỏ, lên tới 686 ha. Trong khi đó, trên 35.000 ha diện tích nuôi trồng thủy sản cũng đang được theo dõi sát sao, đặc biệt là 9.158 ha vùng mặn lợ có nguy cơ chịu ảnh hưởng nếu triều cường dâng và mưa lớn tiếp tục kéo dài.
Cảnh hoa màu bị ngập lụt tại xã Rạng Đông, Ninh Bình.
Trên địa bàn còn ghi nhận hiện tượng sạt lở đất đá tại khu du lịch sinh thái Thung Nham (phường Nam Hoa Lư), với khối lượng sạt khoảng 25 m3. Dù không gây thiệt hại về người và tài sản, các lực lượng kiểm lâm và địa phương đã nhanh chóng khoanh vùng, lập rào chắn và cảnh báo nguy hiểm.
Để chủ động ứng phó với mưa lũ, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Ninh Bình đã yêu cầu các đơn vị trực ban 24/24 giờ, tập trung theo dõi thời tiết, đảm bảo an toàn cho hệ thống đê điều, hồ đập và vùng sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, chỉ đạo tổ chức tiêu úng nhanh, hạn chế thấp nhất thiệt hại trên diện tích lúa mới gieo sạ.
Tại Thanh Hóa, mưa lớn kéo dài trong đêm 21 và ngày 22/7 khiến nhiều địa bàn vùng biển thuộc khu vực Bắc Thanh Hóa ngập úng cục bộ. Theo thống kê nhanh đến chiều 22/7, khoảng hơn 7.200 ha lúa, hoa màu và diện tích nuôi trồng thủy sản đã bị ngập, tập trung chủ yếu tại các địa phương như Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Hà Trung, Nga Sơn, Bỉm Sơn, Thiệu Hóa và TP Thanh Hóa (cũ).
Tại xã Tân Tiến, Thanh Hóa có 300 ha lúa bị ngập sâu.
Tình hình mưa lũ phức tạp buộc chính quyền các địa phương phải khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó. Tại thôn Thành Lợi (xã Tân Thành), nước dâng hơn 1 mét khiến 15 hộ với 70 nhân khẩu bị chia cắt tạm thời do nước tràn qua cầu Cửa Dụ. Lực lượng chức năng đã tổ chức sơ tán 102 hộ dân (tổng cộng 468 người) đến nơi an toàn.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà kiểm tra công tác phòng, chống bão số 3 tại các điểm xung yếu ở Thanh Hóa.
Song song đó, 34 trạm bơm với 151 máy bơm đã được huy động hoạt động liên tục nhằm tiêu úng cho các vùng trũng thấp. Ngoài ra, tại đê Tây sông Cùng (Hoằng Châu) đã xảy ra sự cố sạt lở mái đê dài 47 mét.
Chiều 22/7, ông Lê Huy Lượng, Bí thư Đảng ủy xã Hoằng Châu, tỉnh Thanh Hóa cho biết: Mưa lớn kéo dài do ảnh hưởng của bão số 3 đã khiến tuyến đê sông Cung, đoạn qua khu vực cống Đồng Đền 2 (thuộc địa bàn xã Hoằng Thắng trước đây), bị sạt trượt mái tại hai vị trí, tổng chiều dài khoảng 50m.
Vị trí sạt đầu tiên được ghi nhận vào sáng cùng ngày, ban đầu khoảng 5m, sau đó tiếp tục lan rộng. “Ngay sau khi nắm bắt thông tin, xã đã huy động gần 300 người thuộc các lực lượng triển khai các biện pháp gia cố tạm thời bằng cọc tre, bao tải đất nhằm giữ ổn định mái đê. Hiện tại, điểm sạt trượt đã được xử lý bước đầu để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của người dân”, ông Lượng cho hay.
Gần 300 người thuộc các lực lượng triển khai các biện pháp gia cố tuyến đê sông Cung
Hiện nay mực nước sông Yên lên nhanh, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hóa đã phát đi công điện, phát lệnh báo động cấp II tại trạm thủy văn Chuối.
Sông Yên đoạn qua xã Quảng Chính.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hóa yêu cầu chính quyền các địa phương ven sông Yên, gồm các xã, phường: Nông Cống, Thăng Bình, Trường Văn, Trung Chính, Thắng Lợi, Tượng Lĩnh, Quảng Chính, Tiên Trang, Quảng Yên, Quảng Ngọc, Ngọc Sơn, Các Sơn khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó theo cấp độ báo động II.
Trong đó, tập trung tuần tra, canh gác và hộ đê nghiêm túc; kiểm tra, rà soát các điểm xung yếu, các cống dưới đê; chuẩn bị sẵn sàng phương án sơ tán người dân ở vùng bãi sông nhằm bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản. Các địa phương cũng được yêu cầu tổ chức trực ban 24/24 giờ, theo dõi sát diễn biến mưa lũ và kịp thời báo cáo về cơ quan thường trực.
Tại Nghệ An, nhiều địa bàn vùng biên giới cũng đang chịu ảnh hưởng nặng do mưa lớn và lũ quét. Khoảng 11 giờ 30 phút ngày 22/7, tại bản Nhôn Mai, xã Nhôn Mai, huyện Tương Dương, một trận lũ quét xuất hiện trên suối Hỷ đã gây sạt lở nghiêm trọng hai bên bờ khu dân cư.
Trận lũ cuốn trôi 2 ngôi nhà tại bản Nhôn Mai và 1 nhà tại bản Huồi Xá, trong khi 5 ngôi nhà khác có nguy cơ sạt lở cao. Trụ sở cũ UBND xã Nhôn Mai cũng bị ngập sâu gần 1 mét. Lực lượng Đồn Biên phòng Nhôn Mai đã nhanh chóng cử quân phối hợp chính quyền địa phương hỗ trợ sơ tán người dân và di dời tài sản ra khỏi vùng nguy hiểm.
Lực lượng chức năng di chuyển đồ đạc, lương thực giúp các hộ dân.
Trời vẫn tiếp tục mưa lớn, mực nước suối Hỷ đang dâng nhanh, gây nguy cơ tiếp diễn lũ quét. Quốc lộ 16 đoạn qua xã Nhôn Mai bị sạt lở khoảng 50 mét, khiến tuyến giao thông bị chia cắt hoàn toàn.
Không chỉ tại Nhôn Mai, các xã biên giới khác như Quế Phong, Thông Thụ, Tiền Phong, Tri Lễ, Mường Quàng cũng tiếp tục có mưa to kéo dài. Nước tại các khe suối, hồ đập đang lên cao. Một số điểm cầu tràn tại khối Thái Phong (xã Quế Phong), bản Tân Thái – Piêng Luông (xã Tri Lễ) đã bị nước ngập, người dân không thể lưu thông qua lại.
Điểm sạt lở ở Trường Mầm non Nậm Nhóng (xã Tri Lễ). Ảnh: Nguyễn Nguyệt
Hiện các đơn vị Bộ đội Biên phòng, lực lượng “4 tại chỗ” và chính quyền địa phương đang tiếp tục kiểm tra các điểm xung yếu, chủ động triển khai các phương án ứng phó khẩn cấp để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân vùng lũ.
Tình hình mưa lũ tại các tỉnh Bắc Trung Bộ vẫn đang diễn biến phức tạp. Cơ quan khí tượng thủy văn cảnh báo nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các khu vực miền núi và ngập úng tại vùng trũng thấp. Chính quyền các địa phương đang huy động toàn bộ lực lượng, phương tiện và thực hiện nghiêm phương châm “4 tại chỗ” nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra.
Nguyễn Thuấn
Nguồn VnEconomy : https://vneconomy.vn/mua-lon-don-dap-gay-ngap-lut-dien-rong-sat-lo-dat-lu-quet-xuat-hien.htm