Với bề dày 20 năm kinh nghiệm trong việc xử lý lún nghiêng, nâng và di dời công trình, ông Cư đã có nhiều thành công trong lĩnh vực xây dựng.
Hành trình di dời biệt thự 3.000 tấn
Căn biệt thự nằm trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, phường Tân Bình, TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương, có kết cấu 1 trệt 2 tầng lầu với diện tích mặt sàn 200m². Sau khi được mua lại, chủ sở hữu mới quyết định di dời căn biệt thự này vào sâu 7m và xoay 7 độ để phù hợp hơn với mục đích sử dụng.
Căn biệt thự đồ sộ nằm trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, phường Tân Bình, TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương được chủ mới mua lại nhưng muốn dịch chuyển đến 1 vị trí phù hợp hơn nhằm phục vụ mục đích kinh doanh.
Chủ sở hữu mới muốn cải tạo lại di dời căn biệt thự vào bên trong 7m, xoay 7 độ.
Nhận nhiệm vụ, ông Nguyễn Văn Cư cùng đội ngũ của Công ty TNHH Xử lý lún nghiêng Nguyễn Văn Cư đã nhanh chóng bắt tay vào việc. Sau 18 ngày khảo sát và thi công, căn biệt thự đã được di chuyển đến vị trí mới, cách chỗ cũ 6m, chỉ còn một đoạn ngắn để hoàn thành toàn bộ quá trình.
Theo ông Cư, biệt thự này được xây dựng rất kiên cố, với tường dày 30cm và 3 tầng sàn đều dày 25cm, khiến tổng trọng lượng công trình vượt 3.000 tấn. Đây là một thuận lợi vì kết cấu chắc chắn giúp giảm nguy cơ sập, nhưng cũng là thử thách lớn do trọng lượng quá nặng.
Thêm vào đó, chủ đầu tư yêu cầu hoàn thành toàn bộ công việc trong vòng 30 ngày. Để đáp ứng yêu cầu, hàng chục công nhân phải làm việc liên tục, cả ngày lẫn đêm. Quá trình thi công gặp nhiều khó khăn vì diện tích thi công chật hẹp, đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối khi ép cọc bê tông cốt thép và xử lý các đường băng để di chuyển công trình.
Với 20 năm trong nghề, ông Cư chưa từng thấy công trình nhà ở nào có tường dày 30cm, 3 mặt sàn đều dày 25cm khiến tổng trọng lượng lên đến hơn 3.000 tấn, để di dời khối công trình này là 1 thách thức không nhỏ đối với ông Cư cùng những thành viên trong đội.
Để di chuyển biệt thự, ông Cư đã sử dụng 4 ben thủy lực với lực đẩy từ 500 đến 2.000 tấn. Hai máy vận hành ben thủy lực liên tục bơm hơi, đảm bảo quá trình đẩy và xoay diễn ra suôn sẻ.
Hơn 700 con lăn bằng ống thép được bố trí trên các đường băng, giúp giảm lực ma sát và hỗ trợ công trình di chuyển dễ dàng hơn. Tuy nhiên, mỗi lần đẩy chỉ có thể thực hiện khoảng 1m, sau đó đội thi công phải dừng lại để điều chỉnh con lăn, lót đường băng và đảm bảo an toàn tuyệt đối. Quá trình này đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng giữa các công nhân.
Anh Nguyễn Huỳnh Anh Mỹ, một trong những người điều khiển ben thủy lực thuộc đội thi công của ông Cư chia sẻ: “Chúng tôi phải liên tục theo dõi, điều chỉnh để đảm bảo công trình không bị lệch khỏi đường băng. Chỉ cần một sơ suất nhỏ cũng có thể gây hậu quả lớn".
Dù thời gian gấp gáp nhưng sau 18 ngày tính từ thời điểm khảo sát đến lúc triển khai, tòa nhà đã được di chuyển, xoay qua vị trí mới 6m.
Một khó khăn khác đó là việc chủ đầu tư yêu cầu chỉ có 30 ngày từ khi khảo sát đến đích theo yêu cầu nên ông Cự phải huy động hàng chục công nhân làm việc đêm ngày. Ông Nguyễn Văn Cư dùng 4 ben thủy lực có lực đẩy 500 - 2.000 tấn để di chuyển tòa nhà nặng hơn 3.000 tấn.
2 máy vận hành ben thủy lực được huy động dùng để bơm hơi cho 4 ben thủy lực đẩy công trình. Quá trình đẩy rút còn 3 ben thủy lực để vừa đẩy vừa xoay do chênh lệch vị trí đích đến.
Anh Nguyễn Huỳnh Anh Mỹ, một trong những người điều khiển ben thủy lực tỉ mỉ cân chỉnh để đảm bảo công trình không bị lệch khỏi đường băng.
Khi các máy thủy lực hoạt động hết công suất, ngôi nhà sẽ dịch chuyển trên các con lăn từng chút một.
Trong khi đó, các công nhân khác cũng phải liên tục căn chỉnh con lăn và chêm them con lăn trong quá trình ngồi nhà được dịch chuyển.
Khối lượng kiến trúc đồ sộ bên trong ngôi nhà khiến việc dịch chuyển phải được tính toán 1 cách kỹ lưỡng, chỉ cần 1 sai sót nhỏ có thể dẫn đến hậu quả lớn.
Từ cử nhân Luật đến bậc thầy di dời công trình nhờ giác quan thiên bẩm
Ở tuổi 70, ông Nguyễn Văn Cư vẫn đang giữ chức Giám đốc Công ty TNHH Xử lý lún nghiêng Nguyễn Văn Cư, và ông vẫn là cái tên được nhắc đến với lòng ngưỡng mộ trong ngành xây dựng.
Sinh ra tại Thừa Thiên Huế, ông Cư từng là sinh viên Đại học Luật ở Huế. Con đường học vấn của ông tưởng chừng sẽ dẫn đến một sự nghiệp pháp lý, nhưng số phận đã rẽ lối khi ông chuyển vào TP.HCM và bắt đầu làm việc tại một công ty chống lún nghiêng vào năm 2002.
“Lúc đầu tôi chỉ làm công việc quan sát, phụ giúp ở công trường. Nhưng dần dần, tôi nhận ra có nhiều kỹ thuật mà họ áp dụng chưa hợp lý. Khi tôi góp ý thì họ không lắng nghe vì tôi không có chuyên môn xây dựng,” ông Cư chia sẻ.
Đến năm 2004, ông quyết định tự lập công ty riêng, chính thức khởi đầu hành trình chinh phục những thử thách khổng lồ trong lĩnh vực xử lý lún nghiêng và di dời công trình.
Dù không qua trường lớp đào tạo chuyên môn về xây dựng, ông Cư có một trực giác đặc biệt, gần như là “giác quan thứ 6” trong nghề. Mỗi khi đến hiện trường, chỉ cần quan sát một lúc, ông có thể đưa ra quyết định chính xác liệu công trình có thể di dời hay không. Trong suốt 20 năm làm nghề, ông cùng đội ngũ đã thực hiện hơn 100 công trình lớn nhỏ, từ biệt thự, trường học, đến nhà thờ và những công trình lịch sử.
Ông Nguyễn Văn Cư vốn xuất thần là 1 cử nhân luật nhưng lại bén duyên với ngành xây dựng, và đến nay khi đã ngoài 70 tuổi ông vẫn thường xuyên trực tiếp ra hiện trường để cùng các anh em thực hiện những công trình khó.
Một trong những dự án nổi bật nhất của ông là nâng cao Nhà thờ Giáo xứ Nữ vương Hòa Bình ở quận Gò Vấp, TP.HCM. Công trình nặng 6.000 tấn này được ông xử lý móng và nâng cao 2m vào năm 2018 trong vòng 8 tháng. Đây được xem là một kỳ tích trong lĩnh vực xây dựng.
“Nhờ ơn trên, từ khi làm nghề đến nay, chưa có công trình nào gặp sự cố hay thất bại,” ông Cư khẳng định với niềm tự hào.
Một trong những bí quyết thành công của “thần đèn” là sự tận tâm và đam mê mãnh liệt với nghề. Ông trực tiếp khảo sát mọi công trình trước khi nhận, sau đó tự mình lên phương án kỹ thuật để đảm bảo tính khả thi và an toàn tuyệt đối. Trong quá trình thi công, ông luôn sát cánh cùng đội ngũ công nhân, chỉ huy trực tiếp tại hiện trường để xử lý mọi tình huống.
Bên cạnh đó, ông đã đầu tư mạnh mẽ vào hệ thống máy móc, thiết bị hiện đại nhằm hỗ trợ quá trình thi công. Những công cụ như ben thủy lực, đường băng con lăn hay các thiết bị đo đạc đều được ông và đội ngũ sử dụng nhuần nhuyễn, góp phần tạo nên thành công cho từng dự án.
Dù đã bước sang tuổi 70, ông Cư vẫn khỏe mạnh và tràn đầy nhiệt huyết. “Ơn trời cho tôi có sức khỏe. Tôi còn đam mê với nghề lắm, chưa nghĩ đến khi nào sẽ nghỉ ngơi,” ông chia sẻ. Tuy nhiên, ông cũng rất tự hào khi con trai mình đã theo nghề 16 năm, đủ kinh nghiệm và bản lĩnh để kế nghiệp.
Người “thần đèn” ấy không chỉ là một biểu tượng trong ngành xây dựng mà còn là nguồn cảm hứng cho nhiều thế hệ sau.
Thanh Nam