Tăng trưởng GDP năm 2025 phải đạt 8,3-8,5%, năm 2026 phấn đấu tăng trưởng 2 con số. Ảnh: ST
Mục tiêu rất khó nhưng không phải bất khả thi
Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương về kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025 vừa khép lại với thông điệp mạnh mẽ từ Người đứng đầu Chính phủ: “Tăng trưởng GDP năm 2025 phải đạt 8,3-8,5%, năm 2026 phấn đấu tăng trưởng 2 con số”.
Tăng trưởng kinh tế 8,3-8,5% năm 2025 là mục tiêu rất khó và có nhiều thách thức rất lớn nhưng chúng ta không thể không làm và mục tiêu này cũng không phải bất khả thi. Nếu chúng ta không thực hiện được mục tiêu này trong năm nay thì sẽ ảnh hưởng tới mục tiêu tăng trưởng những năm tới và 2 mục tiêu 100 năm đã đề ra.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính
Đáng nói, chỉ vỏn vẹn hơn 10 ngày, hai Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương đã được tổ chức: Ngày 05/7, họp bàn về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, giải pháp 6 tháng cuối năm; ngày 16/7, thảo luận về kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025 và các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2025. Đặc biệt, giữa 2 hội nghị này, mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 đã có sự thay đổi đáng kể. Nếu ở hội nghị trước, Chính phủ xác định mục tiêu tăng trưởng cả năm đạt 8% trở lên thì ở hội nghị sau, mục tiêu tăng trưởng đã tăng lên 8,3-8,5% - cụ thể hơn, dứt khoát hơn và cao hơn con số chung chung trước đó.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, Bộ đã tham mưu xây dựng 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025: Kịch bản 1, tăng trưởng cả năm đạt 8%; kịch bản 2, tăng trưởng cả năm đạt 8,3-8,5%. Trong đó, với kịch bản 2, Bộ ước tính tăng trưởng quý III đạt 8,9-9,2% so với cùng kỳ (cao hơn kịch bản 0,6-0,9%); quý IV đạt 9,1-9,5% (cao hơn kịch bản 0,7-1,1%). Quy mô GDP năm 2025 khoảng trên 510 tỷ USD, GDP bình quân đầu người khoảng trên 5.020 USD.
Đáng chú ý, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hành các Bộ, ngành, địa phương phấn đấu thực hiện theo kịch bản 2, tạo đà cho tăng trưởng năm 2026 đạt 10% trở lên.
Tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương về kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính cương quyết: Mục tiêu này “không thể không làm” và “không phải bất khả thi”. Các Bộ, ngành, địa phương và cả hệ thống chính trị đều thể hiện quyết tâm cao, nỗ lực lớn, quyết liệt huy động mọi nguồn lực cho tăng trưởng, tạo đà, tạo lực cho giai đoạn phát triển mới.
“Khoán tăng trưởng” mới cho các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp
Để đạt mức tăng trưởng 8,3-8,5% trong năm 2025, Bộ Tài chính nhấn mạnh, cần huy động vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội 6 tháng cuối năm khoảng 111 tỷ USD. Trong đó, giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng cuối năm đạt khoảng 28 tỷ USD (tương đương khoảng 700.000 tỷ đồng). Đầu tư tư nhân khoảng 60 tỷ USD, thu hút FDI đạt 18,5 tỷ USD, vốn FDI thực hiện khoảng 16 tỷ USD, đầu tư khác khoảng 7 tỷ USD...
Các địa phương cần đạt tốc độ tăng trưởng năm 2025 cao hơn so với mục tiêu tại Nghị quyết số 25/NQ-CP. Ảnh: ST
Đặc biệt, theo tính toán của Bộ Tài chính, các địa phương cần đạt tốc độ tăng trưởng năm 2025 cao hơn so với mục tiêu tại Nghị quyết số 25/NQ-CP, nhất là các địa phương “đầu tàu”, động lực tăng trưởng của cả nước, như: Hà Nội tăng cao hơn 0,5%, TP. Hồ Chí Minh cao hơn 0,4%, Quảng Ninh cao hơn 1%…; các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước cần tăng trưởng cao hơn khoảng 0,5% so với chỉ tiêu hồi đầu năm.
Hiện tại, Dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 25/NQ-CP về mục tiêu tăng trưởng các ngành, lĩnh vực và địa phương bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đã được Bộ Tài chính trình Chính phủ. Nếu được thông qua, các mức “khoán tăng trưởng” mới sẽ được giao cho các địa phương và các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước.
Trong đó, nhóm các địa phương tăng trưởng GRDP 2 chữ số có: Hải Phòng (12,2%); Ninh Bình (10,6%); Bắc Ninh (11,5%); Quảng Ninh (12,5%)... Các “đầu tàu” kinh tế như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh phải tăng trưởng 8,5%; Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đà Nẵng đều 9%... Cùng với các địa phương, hầu hết các tập đoàn, tổng công ty nhà nước dự kiến phải đạt mức tăng trưởng trên 8,5% so với năm 2024, thậm chí cao hơn.
Bày tỏ quyết tâm cùng cả nước thực hiện thành công mục tiêu tăng trưởng 8,3-8,5%, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Được cho hay, Thành phố sẽ tiếp tục thực hiện bộ máy chính quyền 2 cấp với tinh thần thần tốc, quyết liệt; tăng tốc giải ngân đầu tư công; thúc đẩy các động lực truyền thống, hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu; đồng thời, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới và tiếp tục tháo gỡ vướng mắc cho các dự án tồn đọng, kéo dài…
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cũng khẳng định, Thành phố sẽ đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài và giải ngân đầu tư công, thu hút nguồn lực cho các dự án công nghệ cao như vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, triển khai các dự án hạ tầng trọng điểm, đẩy mạnh tiêu dùng nội địa…
Thúc đẩy các động lực tăng trưởng
Để thực hiện thành công mục tiêu “không thể không làm”, Thủ tướng chỉ rõ 16 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong đó yêu cầu tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo ổn định tỷ giá, phấn đấu tiếp tục giảm lãi suất, hỗ trợ sản xuất kinh doanh và sinh kế cho người dân, kiểm soát dòng vốn tín dụng đi vào các động lực tăng trưởng của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, hiệu quả, thúc đẩy giải ngân đầu tư công 100% (khoảng 1 triệu tỷ đồng); bảo đảm tổng đầu tư toàn xã hội tăng khoảng 11-12% so với năm 2024. Mở rộng nguồn thu, đẩy mạnh tiết kiệm chi, phát hành trái phiếu Chính phủ dài hạn phục vụ các động lực tăng trưởng, các công trình trọng điểm quốc gia, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Ngoài ra, để thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thực hiện 4 nghị quyết “bộ tứ trụ cột” của Bộ Chính trị, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ.
Mới đây, Chính phủ vừa thành lập 8 Tổ công tác đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất - kinh doanh, xuất nhập khẩu, xây dựng hạ tầng, thúc đẩy tăng trưởng, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời, đẩy nhanh việc rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho gần 3.000 dự án còn tồn đọng trên cả nước. Việc tháo gỡ khó khăn cho các dự án này, theo tính toán là có quy mô khoảng 235 tỷ USD, được kỳ vọng sẽ góp phần khơi thông nguồn lực, đưa kinh tế các địa phương và cả nước tăng tốc, hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng./.
XUÂN HỒNG