Mười câu hỏi lớn về AI và báo chí

Mười câu hỏi lớn về AI và báo chí
3 giờ trướcBài gốc
1. Chúng ta đang cứu vãn điều gì?
Gina Chua, tổng biên tập Semafor, đề nghị lãnh đạo các cơ quan báo chí hãy nghĩ xem họ đang cứu vãn điều gì khi nghĩ tới những rủi ro của AI. Đó là hoạt động báo chí và việc làm của các nhà báo, hay là ảnh hưởng của báo chí đối với xã hội, bất kể ai đảm trách việc này? “Chúng ta không ở đây để cứu các nhà báo,” bà nói. “Chúng ta ở đây để cứu không gian công cộng, không gian thông tin dân sự công cộng. Câu hỏi của tôi là: Làm thế nào để chúng ta cung cấp thông tin hiệu quả hơn cho người dân và cộng đồng?”
2. Khởi kiện hay cấp phép?
Dù muốn hay không thì AI vẫn sẽ thay đổi cách mọi người tìm kiếm thông tin, giống như khi internet xuất hiện. Các cơ quan báo chí cần hiểu rõ cách thức AI tác động đến hành vi của độc giả.
Một số cơ quan báo chí (trong đó có New York Times, The Intercept, và 8 tờ báo thuộc sở hữu của Alden Global Capital) quyết định khởi kiện các công ty AI xâm phạm bản quyền, trong khi các tòa soạn khác (trong đó có News Corp, Associated Press, Axel Springer, Financial Times, Dotdash Meredith, The Atlantic và Vox Media) đã ký thỏa thuận cấp phép với các công ty đó. Những cơ quan báo chí chọn con đường cấp phép nói rằng họ làm vậy vì muốn có cơ hội tác động đến cách các sản phẩm AI mới sử dụng nội dung của họ. Những công ty khởi kiện thì tin rằng họ phải tạo ra giá trị công bằng cho các tác phẩm báo chí của mình.
3. Xóa bỏ trung gian chính là tương lai?
Vấn đề lớn hơn đằng sau nỗi sợ xâm phạm bản quyền và quyết định cấp phép nội dung là viễn cảnh các công ty AI sẽ xóa bỏ (hoặc cướp mất) vai trò trung gian của các tòa soạn và nhà báo với cấp độ lớn hơn cả mạng xã hội. Các công ty công nghệ khẳng định sẽ tôn trọng báo chí và muốn giúp đỡ, kể cả việc dẫn về nguồn gốc, nhưng một số tòa soạn sợ rằng lượng truy cập là không đủ - và các công ty AI cùng các nền tảng sẽ cung cấp mọi thứ mà người dùng cần, sử dụng nội dung mà các tòa soạn sản xuất rất tốn công sức. Liệu độc giả có truy cập website hoặc ứng dụng của các tờ báo nếu họ có thể tìm thông tin tương tự từ công cụ AI tổng hợp nhanh chóng, miễn phí và dễ sử dụng?
4. Cho phép AI tương tác tới đâu?
Dù chọn cách thức nào cho vấn đề bản quyền thì các chuyên gia đều cho rằng cơ quan báo chí cần đề ra các quy định cho việc tương tác với AI. Điều này bao gồm cả việc xác định những gì không được khai thác - những nguyên tắc bất di bất dịch của tòa soạn. Có thể đó là mối quan hệ tin cậy với độc giả, vai trò cung cấp thông tin thiết yếu, hoặc những tiêu chuẩn về đạo đức - ví như cam kết rằng các phóng viên và biên tập viên sẽ tham gia vào mọi quá trình sản xuất nội dung, hoặc cam kết minh bạch về việc sử dụng AI.
5. Độc giả cần gì?
Dù muốn hay không thì AI vẫn sẽ thay đổi cách mọi người tìm kiếm thông tin, giống như khi internet xuất hiện. Các cơ quan báo chí cần hiểu rõ cách thức AI tác động đến hành vi của độc giả và thử nghiệm những biện pháp mới để đáp ứng nhu cầu và sự trông đợi của người tiêu dùng tin tức - chẳng hạn như thiết kế công cụ chat để họ tương tác với nội dung tin tức của một tòa soạn, huấn luyện các mô hình ngôn ngữ, hoặc thử nghiệm việc cung cấp tin tức được tùy chỉnh theo nhu cầu khách hàng.
6. Bắt đầu từ những việc dễ làm?
Có những thử nghiệm AI ở quy mô nhỏ và/hoặc ít rủi ro mà hầu như tất cả các tòa soạn có thể triển khai ngay, ví dụ sử dụng AI để cá nhân hóa, bao gồm cả việc dịch tức thì các bài viết sang nhiều ngôn ngữ, chuyển các bài viết văn bản sang audio, và tóm tắt các bài dài để đăng lên mạng xã hội. Một số cách triển khai AI vô cùng cơ bản nên theo như lời Julie Pace, tổng biên tập của hãng tin AP nhấn mạnh, “nếu không tranh thủ lợi thế của AI thì thật đáng xấu hổ.”
7. Làm sao để thích ứng liên tục?
Những người hoạt động trong lĩnh vực báo chí truyền thông thường coi sự thay đổi về công nghệ là một thách thức cụ thể cần phải vượt qua, sau đó trở lại quy trình vốn có. Nhưng hoạt động báo chí bây giờ đã khác. Cần phải có tư duy thích ứng chứ không chỉ tiếp cận và giải quyết từng vấn đề riêng lẻ xung quanh AI. Những cơ quan báo chí thành công là những đơn vị hiểu rõ nhu cầu phải phát triển liên tục, trong khi kiên định làm những gì mà mình giỏi nhất.
8. AI tác động ra sao đến niềm tin?
Nội dung do AI tạo ra thường không hoàn toàn chính xác so với thực tế. Đây chính là cơ hội để các tòa soạn nhấn mạnh đến chất lượng thông tin của họ vì người dùng luôn hướng đến những nguồn thông tin tin cậy, và coi niềm tin như là yếu tố then chốt nhất trong hệ sinh thái tin tức luôn phát triển. “Nếu chúng ta để những thông tin không được kiểm chứng do AI tạo ra lọt vào quá trình thu thập và sản xuất thông tin thì nó sẽ xói mòn niềm tin vốn là cơ sở cho những mối liên kết quan trọng với độc giả,” John Borthwick của Betawork.
9. Sức mạnh của tòa soạn là gì?
Các cơ quan báo chí nên xác định rõ sức mạnh của họ và tập trung vào những sức mạnh này. Nếu mạnh về phóng sự điều tra, hãy dùng AI để nâng cao kỹ năng và khả năng thay vì cố làm viral video trên TikTok. Nếu chuyên về video với chìa khóa khác biệt là những tiếng nói tin cậy đưa tin tức, hãy tập trung vào những công cụ giúp tăng mức độ tiếp cận và những công việc lặp đi lặp lại để có thời gian làm việc khác. “Độc giả trả tiền cho chúng tôi vì chúng tôi có mặt ngoài kia để cung cấp những thông tin mà họ cần, và thường là những tin tức trước đó chưa ai biết,” Alex Hardiman, phụ trách sản phẩm tại New York Times, nói. “AI sẽ không thay thế được điều đó.”
10. AI có giúp tin tức địa phương không?
Nhiều lãnh đạo báo chí nhất trí rằng các công cụ AI có thể giúp cho các tòa soạn báo địa phương đang gặp khó khăn về nguồn lực trong việc cung cấp thông tin tin cậy cho độc giả, chẳng hạn bằng việc chú giải và tóm tắt nội dung các cuộc họp giao ban, video, văn bản tài liệu, và dịch tin bài sang các ngôn ngữ cho các nền tảng khác nhau. Độc giả có thể xét nghiệm Covid-19 ở đâu? Mức thuế của họ ra sao? Ban giám hiệu trường học quyết định như thế nào về một vấn đề đang gây tranh cãi? Tất cả những câu hỏi này cũng như nhiều câu hỏi khác hoàn toàn có thể giao phó cho AI - tất nhiên là có sự giám sát của tòa soạn.
Vấn đề lớn hơn đằng sau nỗi sợ xâm phạm bản quyền và quyết định cấp phép nội dung là viễn cảnh các công ty AI sẽ xóa bỏ (hoặc cướp mất) vai trò trung gian của các tòa soạn và nhà báo với cấp độ lớn hơn cả mạng xã hội. Các công ty AI cùng các nền tảng sẽ cung cấp mọi thứ mà người dùng cần, sử dụng nội dung mà các tòa soạn sản xuất rất tốn công sức. Liệu độc giả có truy cập website hoặc ứng dụng của các tờ báo nếu họ có thể tìm thông tin tương tự từ công cụ AI tổng hợp nhanh chóng, miễn phí và dễ sử dụng?
Nhà báo LÊ QUỐC MINH
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/muoi-cau-hoi-lon-ve-ai-va-bao-chi-10291810.html