Gia đình chị Nguyễn Hoàng Thanh Trúc (phường Tân Sơn Nhất, TPHCM)
Nỗi lòng của những người ngại sinh con
Hiện nay, chị Trần Thị Bích Thuận (30 tuổi, trú phường Hòa Bình, TPHCM) đang kinh doanh online. Còn chồng chị làm công việc văn phòng, thu nhập vừa đủ chi tiêu cho 3 người trong một căn phòng trọ.
Dù Thành phố có chính sách thưởng 3 triệu đồng khi sinh con thứ 2 dưới 35 tuổi nhưng với chị, số tiền ấy chỉ mang tính động viên, hỗ trợ chứ không gây ảnh hưởng lớn đến quyết định sinh con.
"Vợ chồng tôi hiện giờ thu nhập chỉ vừa đủ lo cho sinh hoạt và nuôi một bé. Cuộc sống còn đang chật vật lắm nên chúng tôi chưa nghĩ tới chuyện sinh tiếp", chị Bích Thuận chia sẻ.
Áp lực kinh tế là một rào cản, bên cạnh đó còn là nỗi lo chăm sóc con cái nên người. Chị Bích Thuận bộc bạch: "Hiện tại, vợ chồng tôi tự tổ chức cuộc sống gia đình, ông bà hai bên ở xa nên không thể hỗ trợ được nhiều. Con thì còn nhỏ nên tôi ở nhà, tôi phải vừa chăm con vừa cố gắng kiếm thêm thu nhập từ bán hàng online.
Mỗi ngày tôi xoay vòng trong mớ việc không tên, chưa nói đến khi con ốm đau thì mọi thứ lại đảo lộn. Nếu có chính sách hỗ trợ tài chính trong 1-2 năm đầu sau sinh thì có thể vợ chồng tôi sẽ cân nhắc thêm việc sinh đứa thứ hai chứ như tình cảnh hiện nay thì thực sự rất ngại sinh".
Tương tự, chị Nguyễn Hoàng Thanh Trúc (trú tại phường Tân Sơn Nhất, TPHCM) có một con được 30 tháng tuổi. Vợ chồng chị trì hoãn việc sinh thêm con vì lo sợ thiếu kinh nghiệm nuôi dạy và chăm sóc con. Chị mong muốn con được chăm sóc một cách tốt nhất trong giai đoạn 6 năm đầu đời.
Chị Trúc cho biết: "Chồng tôi làm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, bận rộn suốt ngày. Việc chăm con hầu như một mình tôi lo. Con nhỏ hay bệnh trong khi kinh nghiệm chăm con mình lại chưa có nhiều nên đôi khi thấy rất áp lực.
Tôi muốn có thêm thời gian để lo cho con được tốt hơn. Nếu sinh tiếp, tôi sợ mình không chăm sóc được tốt cho cả hai con. Chưa kể, chi phí nuôi con ở TPHCM rất cao, đâu chỉ có việc ăn uống mà còn học hành, chăm sóc sức khỏe nữa".
Trước đây, chị Thanh Trúc là hướng dẫn viên du lịch nhưng đã nghỉ việc sau khi sinh con. Chị chuyển sang kinh doanh online để có thời gian làm việc linh hoạt, vừa có thể kiếm tiền vừa chăm được con.
Tiến sĩ Xã hội học Phạm Thị Thúy
"Để khuyến sinh, cần giảm thuế cho gia đình có con nhỏ"
Với hơn 20 năm làm công tác nghiên cứu, tham vấn tâm lý, từng tiếp xúc, lắng nghe tâm sự của nhiều người trẻ tại phòng tham vấn và tại các diễn đàn, Tiến sĩ xã hội học Phạm Thị Thúy đã chỉ ra một số nguyên nhân khiến tỉ lệ sinh tại khu vực thành thị thấp. Trong đó, áp lực tài chính là yếu tố đầu tiên được nhiều phụ nữ trẻ sống ở khu vực thành thị nói đến. Bên cạnh chính sách hỗ trợ một lần cho những cặp vợ chồng, để khuyến sinh, TS. Phạm Thị Thúy đề xuất cần đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ của nhà nước, trong đó có thể xem xét chính sách giảm thuế cho những gia đình có con nhỏ. Bên cạnh đó, không thể không nói đến vai trò của nam giới trong quyết định sinh con. "Cần tuyên truyền để nam giới nhận thấy trách nhiệm của mình trong việc sinh con, chăm sóc con cái. Ngoài ra, cần xem xét tăng thời gian nghỉ việc được hưởng chế độ thai sản cho nam giới khi vợ sinh con, khi con đau ốm… để hỗ trợ nam giới thực hiện nghĩa vụ chăm sóc con cái của mình", TS. Phạm Thị Thúy nhấn mạnh.
"Công việc kinh doanh online tuy không có thu nhập tốt như công việc trước đó nhưng bù lại, tôi chủ động được thời gian, quan trọng nhất là con được gần mẹ", chị Thanh Trúc chia sẻ.
Vợ chồng chị Đỗ Thị Lan Vy (trú tại phường Tam Bình, TPHCM) cũng đang trì hoãn việc sinh con thứ hai dù con đầu lòng của vợ chồng chị năm nay được 7 tuổi. Vợ chồng chị Vy sinh sống và làm việc tại TPHCM được hơn 10 năm.
Nhớ lại giai đoạn nuôi con nhỏ khá vất vả, chật vật bám trụ nơi đất khách quê người, không có sự giúp đỡ từ gia đình hai bên, chị Vy cảm thấy khá ám ảnh.
"Thời điểm sinh con đầu lòng, vợ chồng tôi còn ở trọ, chưa có nhà riêng như bây giờ. Giai đoạn đó, tôi phải nghỉ công việc kế toán ở trường để dành thời gian chăm sóc con. Những tháng ngày chăm con nhỏ rất vất vả, đến giờ nghĩ lại, tôi vẫn thấy sợ", chị Lan Vy bộc bạch.
Khi con đủ tuổi đi gửi trẻ, vợ chồng chị Lan Vy lại bị cuốn theo việc phát triển kinh tế gia đình nên cứ trì hoãn việc sinh con thứ hai.
Chị Vy kể: "Bây giờ con của tôi đã vào lớp 2. Nhiều người hỏi tôi: Có sinh thêm nữa không? Khi nào thì sinh đứa thứ hai? Vợ chồng tôi nghe riết cũng thấy áp lực. Thực sự, sau khi con lớn thì vợ chồng tôi quay ra lo phát triển kinh tế.
Nếu như ở quê, các cặp vợ chồng trẻ thường có nhà đất từ bố mẹ chia cho hoặc mua với giá rẻ thì với những lao động nhập cư như chúng tôi, việc mua trả góp một căn nhà phải mất tới 15-20 năm. Nếu một trong hai người nghỉ việc ở nhà thì áp lực chi trả phí sinh hoạt, học hành của con cái, lo trả tiền mua nhà sẽ rất lớn", chị Lan Vy cho hay.
Gia đình chị Đỗ Thị Lan Vy (phường Tam Bình, TPHCM)
Đề xuất từ người trong cuộc
Từ chia sẻ của những người trong cuộc, có thể thấy rào cản tác động đến quyết định số con của các cặp vợ chồng không chỉ đến từ yếu tố tâm lý mà còn là những điều kiện khách quan, áp lực hiện hữu mà họ đang phải đối mặt, buộc họ phải ưu tiên chất lượng nuôi dạy con thay vì số lượng.
Nhiều bà mẹ trẻ khi được hỏi cho rằng, việc khuyến khích sinh con thứ hai để đạt hiệu quả thì không thể chỉ có chính sách hỗ trợ một lần mà phải mở rộng hỗ trợ từ nhiều khía cạnh như: nhà ở, giáo dục, y tế, việc làm. Khi quyết định sinh con không xung đột với cơ hội phát triển bản thân thì họ mới không ngần ngại sinh thêm con.
Chia sẻ về chính sách khuyến sinh, cả chị Thanh Trúc, chị Bích Thuận đều có chung mong muốn: Doanh nghiệp, công ty cần có những chính sách linh hoạt, tạo điều kiện cho lao động nữ sau sinh có thể tiếp tục làm việc, đặc biệt là linh hoạt về thời gian trong thời gian đầu nuôi con nhỏ.
Chị Trúc bày tỏ: "Nếu các công ty mở ra vị trí việc làm phù hợp, hình thức làm việc linh hoạt cho lao động nữ, có thể làm việc từ xa trong giai đoạn nuôi con nhỏ thì nhiều chị em chắc hẳn sẽ yên tâm hơn. Họ không buộc phải lựa chọn 1 trong 2: Công việc hoặc gia đình".
Còn chị Lan Vy cho rằng, để khuyến khích các gia đình sinh đủ 2 con, ngoài việc hỗ trợ tài chính, Thành phố cần quan tâm đến việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ vừa làm việc, phát triển bản thân vừa có thể thực hiện tốt vai trò của mình trong gia đình.
Phạm Thương - Nguyễn Song