Một số doanh nghiệp rang xay tại Đắk Lắk lo ngại, nếu mức thuế mới được áp dụng sẽ khiến các nhà nhập khẩu Mỹ chuyển sang tìm nguồn cung từ Brazil hoặc Colombia, hai quốc gia ít bị ảnh hưởng. Nếu không có chiến lược phù hợp, ngành cà phê Việt Nam sẽ đối diện với nguy cơ mất thị trường.
Theo ông Lê Đình Tư, Giám đốc Công ty TNHH MTV Minudo farm care, bên cạnh các giải pháp như: cắt giảm chi phí, tối ưu hóa sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm, thì việc tiếp tục “cắm rễ” sâu vào thị trường nội địa, cũng rất quan trọng. Trong giai đoạn hiện tại, tăng cường bán hàng trong thị trường nội địa với những sản phẩm chất lượng để giải quyết những khó khăn của các doanh nghiệp sản xuất rang xay trong nước.
Trước đây, với thuế suất 0%, cà phê Việt Nam có thể cạnh tranh tốt tại thị trường Mỹ. Nay lợi thế này chỉ còn với cà phê nhân thô.
“Để tồn tại trong tương lai chúng ta phải thay đổi mình trước, đa dạng hóa thị trường và đa dạng hóa phân khúc thị trường để khi thị trường này thay đổi thì chúng ta còn nhiều thị trường khác. Chúng ta không rơi vào bị động. Dù bất cứ thay đổi gì chúng ta vẫn phát triển bền vững”, ông Tư nói.
Trước đây, với thuế suất 0%, cà phê Việt Nam có thể cạnh tranh tốt tại thị trường Mỹ. Nay lợi thế này chỉ còn với cà phê nhân thô. Các sản phẩm chế biến sâu như cà phê hòa tan sẽ chịu mức thuế mới khiến các doanh nghiệp xuất khẩu có thể gặp khó khăn lớn. Tuy nhiên theo ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột, cà phê Việt Nam đã có mặt tại hơn 100 quốc gia, vùng lãnh thổ và đã có nhiều kinh nghiệm đối phó với biến động thị trường. Dư địa để tăng tỷ trọng xuất khẩu ở các thị trường quen thuộc, như: EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... còn khá lớn để bù đắp việc giảm xuất khẩu sang Mỹ.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng việc tiếp tục “cắm rễ” sâu vào thị trường nội địa, phục vụ khách hàng trong nước là 1 trong nhưng giải pháp quan trọng hiện nay.
Ông Trịnh Đức Minh phân tích, ngành cà phê của Việt Nam khả năng chuyển đổi thị trường, mở rộng các thị trường mới còn tiềm năng dồi dào, vì trong thực tế mình đã đa dạng hóa thị trường, hàng trăm thị trường rồi. Các thị trường châu Á dùng cà phê Robusta của mình rất nhiều. Lượng đơn hàng từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… các nước châu Á nói chung nhiều lắm mà mình không có bán. Và trong bối cảnh giá cao thường người ta chuyển sang dùng Robusta để nhẹ đi chứ cà phê Arabica (cà phê chè) giá gấp rưỡi cao quá.
Dù chưa chính thức về việc Mỹ áp thuế 46% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, trong đó có cà phê, nhưng chắc chắn dù áp thuế ở mức nào thì vẫn là một thách thức lớn. Doanh nghiệp ngành cà phê đang chủ động tìm ra hướng đi phù hợp để tiếp tục phát triển. Trong dài hạn, điều này có thể giúp cà phê Việt Nam không chỉ duy trì vị thế mà còn nâng cao giá trị trên thị trường quốc tế.
Hương Lý/VOV- -Tây Nguyên