Tổng thống lâm thời Syria Ahmed al-Sharaa gặp ông Donald Trump tại Arab Saudi hồi tháng 5. Ảnh Reuters.
Theo Bộ Tài chính Mỹ, sắc lệnh mới này, được đưa ra hơn 6 tháng sau khi Tổng thống Bashar al-Assad bị lật đổ, cho phép dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nhằm vào “những thực thể đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển, vận hành chính phủ và tái thiết xã hội Syria”.
Từ năm 2011, chính quyền Syria đã phải gánh chịu nhiều vòng trừng phạt của Mỹ, đặc biệt liên quan đến cáo buộc vi phạm nhân quyền trong nội chiến. Các biện pháp này được cho là đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế Syria và cản trở công cuộc tái thiết đất nước.
Tổng thống Trump từng cam kết nới lỏng trừng phạt trong chuyến công du Trung Đông vào tháng 5 vừa qua. Trong tuyên bố chính thức, ông khẳng định: “Mỹ cam kết ủng hộ một Syria thống nhất, ổn định và hòa bình, không là nơi trú ẩn cho các tổ chức khủng bố và đảm bảo an toàn cho các cộng đồng tôn giáo và sắc tộc thiểu số”.
Tuy nhiên, một số biện pháp trừng phạt nghiêm ngặt vẫn được duy trì, đặc biệt là đối với các cá nhân liên quan đến chế độ cũ, tổ chức khủng bố ISIL (ISIS) và các lực lượng thân Iran. Ngoài ra, chính quyền Mỹ vẫn chưa thu hồi các biện pháp theo Đạo luật Caesar, luật cho phép áp đặt các hình phạt nghiêm khắc nhằm vào Syria vì cáo buộc tội ác chiến tranh.
Sắc lệnh của Tổng thống Trump cũng bao gồm yêu cầu Ngoại trưởng Marco Rubio đánh giá lại việc chỉ định Tổng thống lâm thời Syria Ahmed al-Sharaa là “kẻ khủng bố toàn cầu được chỉ định đặc biệt”. Đồng thời, Washington sẽ xem xét lại tình trạng của nhóm vũ trang Hayat Tahrir al-Sham (HTS), tiền thân là Mặt trận al-Nusra và là một chi nhánh của tổ chức al-Qaeda tại Syria, trong danh sách tổ chức khủng bố nước ngoài.
Ông Al-Sharaa từng là lãnh đạo thực tế của vùng lãnh thổ do phe đối lập kiểm soát ở tỉnh Idlib trong nhiều năm trước khi chỉ huy cuộc tấn công lật đổ ông al-Assad vào cuối năm 2024 và được ông Trump ca ngợi là “người hấp dẫn” và “cứng rắn” trong cuộc gặp tại Arab Saudi hồi tháng 5.
Dù tuyên bố cắt đứt quan hệ với al-Qaeda từ năm 2016, các vụ bạo lực nhắm vào cộng đồng Alawite trong thời gian gần đây đã làm dấy lên lo ngại về sự ổn định tại Syria thời kỳ hậu al-Assad. Tuy nhiên, ông al-Sharaa khẳng định chính quyền mới sẽ không đe dọa các nước láng giềng, trong đó có Israel, quốc gia thường xuyên tiến hành các cuộc không kích vào lãnh thổ Syria.
Duy Tiến