Mỹ: Lỗ hổng an ninh từ vụ bê bối 'Signal'

Mỹ: Lỗ hổng an ninh từ vụ bê bối 'Signal'
2 ngày trướcBài gốc
Cuộc hội thoại có sự tham gia của những nhân vật chủ chốt trong chính quyền của ông Trump, bao gồm Phó Tổng thống JD Vance, Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth, Bộ trưởng Ngoại giao Marco Rubio và Giám đốc Tình báo quốc gia (DNI) Tulsi Gabbard - đã sử dụng ứng dụng trò chuyện thương mại Signal để thảo luận về kế hoạch chiến tranh bí mật nhằm đánh bom lực lượng Houthi ở Yemen.
Sai lầm nghiêm trọng đã xảy ra là có sự tham gia của một nhà báo nổi tiếng trong nhóm - nhà báo Jeffrey Goldberg, Tổng Biên tập tờ Atlantic. Đáng nói hơn, nhà báo Goldberg vốn đã bị những người xung quanh ông Trump coi là “tên khốn” ngay cả trước khi ông ta vô tình được đưa vào nhóm trò chuyện này. Không ai biết vì sao nhà báo Goldberg lại có mặt trong nhóm trò chuyện, nhưng có thể coi đây là một trong những sai lầm nghiêm trọng nhất về an ninh trong lịch sử Mỹ gần đây.
Các quan chức cấp cao an ninh Mỹ trong vụ bê bối “Signal”.
Điều tất yếu xảy ra là các nội dung trao đổi, bàn bạc của bộ sậu an ninh Mỹ ngay sau đó đã được đưa lên mặt báo. Trong một bài báo được công bố hôm 24/3, ông Goldberg cho biết ông Waltz đã vô tình mời ông vào nhóm trò chuyện trên phần mềm Signal có tên là "Houthi PC Small Group" và nhận ra rằng 18 thành viên khác của nhóm bao gồm cả các thành viên nội các của chính quyền ông Trump. Sau đó ông vẫn ở trong nhóm mà không bị ai phát hiện khi các thành viên nội các thảo luận về chính sách và điều phối một chiến dịch đánh bom. Trong bài báo, ông Goldberg cho biết ông đã xóa các nội dung nhạy cảm khỏi tài khoản của mình, bao gồm danh tính của một sĩ quan CIA cấp cao và các chi tiết hoạt động hiện tại.
Tuy Bộ trưởng Quốc phòng Hegseth đã khẳng định hôm 25/3 rằng “không có ai nhắn tin về kế hoạch chiến tranh”, nhưng một số nội dung nhạy cảm khác đã được nhà báo Goldberg đăng tải, bao gồm những lời chỉ trích bà Hillary Clinton sử dụng email cá nhân vào việc công, hay những lời lẽ thể hiện thái độ “kinh tởm” đối với các đồng minh châu Âu,...
Trong khi đó, Tổng thống Trump đã lên tiếng cho rằng vụ việc không có gì phải “làm ầm ĩ” và đây chỉ là vụ việc hiếm hoi duy nhất xảy ra trong bộ sậu an ninh của ông kể từ khi nhậm chức đến nay (hơn 2 tháng).
Tiết lộ về vụ vi phạm an ninh ở cấp cao nhất ngay lập tức tạo nên cơn “địa chấn” an ninh trong lòng nước Mỹ, gây phẫn nộ và chỉ trích từ cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa và nhiều người kêu gọi mở cuộc điều tra, thậm chí kêu gọi các quan chức cấp cao trong bộ sậu an ninh từ chức. Lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Chuck Schumer gọi đây là “một trong những vụ vi phạm tình báo quân sự gây sốc nhất mà tôi từng biết trong một thời gian rất, rất dài”. “Đây chính là điều xảy ra khi bạn không thực sự kiểm soát được hành động của mình”, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Alaska Lisa Murkowski phát biểu với tờ Hill.
Các quan chức an ninh quốc gia cấp cao đã làm chứng trước Ủy ban Tình báo Thượng viện vào hôm 25/3, nơi Giám đốc Tình báo quốc gia Tulsi Gabbard và Giám đốc CIA John Ratcliffe bị các nhà lập pháp thẩm vấn về vụ bê bối. Các quan chức an ninh quốc gia cho biết "không có tài liệu mật" nào được chia sẻ trong cuộc trò chuyện.
Theo báo cáo từ Đồi Capitol, các thượng nghị sĩ Cộng hòa hàng đầu đang kêu gọi các ủy ban khác nhau điều tra vụ rò rỉ, bao gồm Ủy ban Quân vụ Thượng viện và Ủy ban Tình báo Thượng viện. Thượng nghị sĩ Mississippi Roger Wicker, người chủ trì Ủy ban Quân vụ, đã nói với Đồi Capitol rằng ông sẽ yêu cầu Tổng Thanh tra của Bộ Quốc phòng điều tra vụ bê bối.
Như đổ thêm dầu vào lửa, ngày 26/3, tờ Atlantic đã đăng thêm một loạt tin nhắn khác có chứa thông tin chi tiết về cuộc tấn công vào Yemen, bao gồm mô tả về các mục tiêu, thời gian phóng và thậm chí cả thông tin chi tiết về thời tiết trong cuộc tấn công.
Trong khi đó, Cố vấn An ninh quốc gia Waltz tuyên bố ông “chịu hoàn toàn trách nhiệm” về cuộc trò chuyện nhóm Signal của các quan chức cấp cao, vô tình mời nhà báo Goldberg vào nhóm và làm rò rỉ thông tin cực kỳ nhạy cảm về các cuộc không kích được lên kế hoạch ở Yemen. Ông nổi giận với việc đăng tải thông tin của tờ Atlantic.
Ở một phạm vi rộng hơn, tạp chí tin tức Der Spiegel của Đức đưa tin hôm 27/3 rằng dữ liệu cá nhân của các cố vấn an ninh hàng đầu của Tổng thống Trump có thể được truy xuất trên mạng, làm gia tăng hậu quả từ việc các quan chức sử dụng nhóm trò chuyện Signal để lên kế hoạch không kích Yemen. Cụ thể, Der Spiegel cho rằng số điện thoại di động, địa chỉ email và trong một số trường hợp là mật khẩu do Cố vấn An ninh quốc gia Waltz, Bộ trưởng Quốc phòng Hegseth và Giám đốc DNI Gabbard sử dụng có thể được tìm thấy thông qua các dịch vụ tìm kiếm dữ liệu thương mại và dữ liệu bị hack được đưa lên mạng.
Tờ Der Spiegel cho biết việc phát hiện ra số điện thoại di động và địa chỉ email của Bộ trưởng Quốc phòng Hegseth là "đặc biệt dễ dàng", bằng cách sử dụng một nhà cung cấp thông tin liên lạc thương mại. Tạp chí này phát hiện rằng địa chỉ email, thậm chí cả mật khẩu liên quan đến địa chỉ email đó có thể được tìm thấy trong hơn 20 vụ rò rỉ dữ liệu. Tạp chí này cho biết số điện thoại di động dẫn đến một tài khoản WhatsApp mà ông Hegseth dường như chỉ mới xóa gần đây. Các số điện thoại của bà Gabbard và ông Waltz cũng được cho là có liên kết với các tài khoản trên các dịch vụ nhắn tin WhatsApp và Signal. Der Spiegel cho biết điều đó khiến họ có nguy cơ bị cài đặt phần mềm gián điệp trên thiết bị liên lạc của mình.
Những tiết lộ này cho thấy an ninh thông tin trên môi trường mạng đang trở thành vấn đề nghiêm trọng trong bộ sậu chính quyền Tổng thống Donald Trump.
An Châu (Tổng hợp)
Nguồn ANTG : https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/my-lo-hong-an-ninh-tu-vu-be-boi-signal-i763485/