Ngày 2/4/2025, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố chính sách thuế nhập khẩu mới với mức thuế cơ bản 10% áp dụng cho hàng hóa toàn cầu và các mức thuế cao hơn đối với một số quốc gia như Việt Nam (46%), Trung Quốc (34%), và Nhật Bản (24%).
Tuyên bố này đã gây ra phản ứng mạnh mẽ từ các chuyên gia kinh tế quốc tế và làm rung chuyển thị trường chứng khoán Mỹ trong hai ngày 3/4 và 4/4.
Phản ứng của các chuyên gia quốc tế
Chính sách thuế quan mới của Mỹ đã nhận được sự chú ý và đánh giá từ nhiều chuyên gia kinh tế toàn cầu, với phần lớn bày tỏ lo ngại về tác động tiêu cực.
Theo một phân tích từ Fitch Ratings, mức thuế quan trung bình của Mỹ đã tăng lên 22%, mức cao nhất trong hơn một thế kỷ. Tổ chức này cảnh báo rằng chính sách này có thể làm gián đoạn thương mại toàn cầu và đẩy một số nền kinh tế vào suy thoái, đồng thời làm tăng chi phí sản xuất tại Mỹ, ảnh hưởng đến người tiêu dùng nội địa.
Trang Bloomberg dẫn lời Chuyên gia kinh tế trưởng Zhiwei Zhang của Pinpoint Asset Management, Hồng Kông, nhận định rằng, thuế quan mới sẽ gây rủi ro lớn cho chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt ở Đông Á. Ông dự đoán các đối tác thương mại như Trung Quốc có thể đáp trả mạnh mẽ, dẫn đến căng thẳng leo thang và suy yếu tăng trưởng kinh tế Mỹ trong dài hạn.
Reuters đưa tin, Jeanette Gerratty, Nhà kinh tế trưởng tại Robertson Stephens cho rằng, mức thuế vượt xa kỳ vọng của thị trường, làm giảm niềm tin của doanh nghiệp Mỹ. Bà cảnh báo rằng, chính sách này có thể dẫn đến cắt giảm đầu tư và việc làm, trái với mục tiêu bảo hộ kinh tế nội địa.
Trên trang The Wall Street Journal, Giáo sư Brett House (Trường Kinh doanh Columbia, Mỹ) phản bác quan điểm của Nhà Trắng rằng thuế quan là “có đi có lại”. Ông cho rằng chính sách này thiếu cơ sở minh bạch và có nguy cơ đẩy lạm phát tại Mỹ tăng cao, buộc FED phải duy trì lãi suất cao hơn dự kiến.
Adriana Kugler, Thành viên Hội đồng Thống đốc Fed (Mỹ) cảnh báo rằng, thuế cao hơn đối với hàng hóa trung gian như nhôm và thép sẽ ảnh hưởng đến hầu hết các ngành công nghiệp Mỹ, có thể dẫn đến lạm phát kéo dài, làm phức tạp chính sách tiền tệ.
IMF (Quỹ Tiền tệ Quốc tế) cảnh báo rằng, căng thẳng thương mại do thuế quan mới có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, gây gián đoạn chuỗi cung ứng và tạo hiệu ứng tiêu cực lan tỏa, ngay cả với Mỹ - nước khởi xướng chính sách.
Các chuyên gia đồng thuận rằng dù thuế quan có thể tăng thu ngân sách Mỹ (ước tính 140 tỷ USD trong năm 2025 theo Tax Foundation), những hệ lụy như lạm phát, giảm đầu tư và suy yếu vị thế kinh tế toàn cầu sẽ vượt xa lợi ích ngắn hạn.
Biến động của các chỉ số chính tại Mỹ
Thị trường chứng khoán Mỹ chứng kiến hai ngày biến động mạnh vào 3/4 và 4/4, với các chỉ số chính lao dốc do lo ngại về tác động của thuế quan.
Chỉ số Dow Jones Industrial Average, trong phiên giao dịch ngày 3/4, đã giảm khoảng 1.000 điểm (2,3%). Đến ngày 4/4, chỉ số này giảm thêm 5,43%, đóng cửa ở mức 38.322 từ 40.522 điểm của ngày trước đó, mất hơn 950 điểm trong ngày. Tổng cộng, Dow Jones giảm hơn 2.200 điểm trong hai ngày.
Chỉ số S&P 500 đã giảm 3,5% vào ngày 3/4, rồi giảm tiếp 5,85% trong ngày 4/4, đóng cửa ở mức 5.052,8 điểm, chính thức rơi vào vùng điều chỉnh (giảm hơn 10% từ đỉnh).
Chỉ số công nghệ Nasdaq 100 giảm hơn 4,3% vào ngày 3/4, giảm thêm khoảng 6,1% trong ngày sau đó.
Tổng giá trị vốn hóa thị trường chứng khoán Mỹ giảm khoảng 3,5 nghìn tỷ USD trong hai ngày, theo ước tính từ S&P Global, phản ánh mức độ nghiêm trọng của phản ứng thị trường.
Phản ứng của một số cổ phiếu điển hình
Các công ty lớn phụ thuộc vào chuỗi cung ứng toàn cầu chứng kiến giá cổ phiếu sụt giảm mạnh trong hai ngày 3/4 và 4/4.
Cổ phiếu Apple (AAPL) giảm 6% trong hai ngày, với mức giảm mạnh 9% riêng ngày 4/4. Lo ngại về chi phí sản xuất iPhone tăng do thuế quan áp lên Trung Quốc (34%) đã gây áp lực bán tháo.
Cổ phiếu Tesla (TSLA) đã giảm 5% trong ngày 4/4. Chi phí linh kiện từ Trung Quốc tăng là nguyên nhân chính, dù Tesla có thể hưởng lợi từ chính sách nội địa hóa dài hạn.
Nvidia (NVDA), cổ phiếu này đã giảm hơn 5% vào ngày 3/4 và thêm 4% vào ngày 4/4. Dù chất bán dẫn được miễn thuế, Nvidia vẫn chịu ảnh hưởng từ gián đoạn chuỗi cung ứng qua TSMC (Đài Loan, thuế 32%).
Five Below và Gap, hai cổ phiếu của các nhà nhập khẩu bán lẻ Mỹ này lần lượt giảm 11% và 12% trong ngày 4/4. Các nhà bán lẻ nhập khẩu chịu áp lực lớn từ mức thuế cơ bản 10% và thuế cao hơn áp lên châu Á.
Công Hiếu