Nan giải 'bài toán' sinh kế cho người Khơ Mú ở Chẳm Puông: (Bài 1) Nghèo vì đẻ nhiều

Nan giải 'bài toán' sinh kế cho người Khơ Mú ở Chẳm Puông: (Bài 1) Nghèo vì đẻ nhiều
2 giờ trướcBài gốc
Nhiều hộ dân người Khơ Mú ở bản Chẳm Puông vẫn còn rất nghèo khó
Gặp người đàn ông giữ kỷ lục về đẻ
Men theo con đường bên dòng Nậm Nơn, từ trung tâm xã Lượng Minh mất nửa giờ đồng hồ chúng tôi đã có mặt ở bản Chẳm Puông. Tuy chưa phải là địa bàn xa xôi, cách trở nhất của Lượng Minh nhưng đây lại là địa bàn nghèo khó bậc nhất ở huyện miền núi Tương Dương, Nghệ An.
"Chẳm Puông đất đai rộng mênh mông, giao thông cũng thuận tiện. Đường nhựa đã đến tận bản nhưng nghịch lý là nơi đây vẫn nghèo nhất huyện", Trưởng bản Lữ Khăm Xi giọng đầy trăn trở.
Theo Già làng Lữ Văn Thắng, một trong những nguyên nhân nhiều người Khơ Mú ở Chẳm Puông vẫn nghèo là do nhiều gia đình vẫn giữ quan niệm "đẻ được con trai mới thôi". Thậm chí, không ít đàn ông ở đây vẫn còn tư tưởng: "Con gái lớn lên sẽ đi lấy chồng, thành con nhà người ta nên phải đẻ bằng được con trai để nối dõi".
Cũng theo Già làng Thắng, ở Chẳm Puông gia đình anh Ngân Văn Hiền hiện đang giữ "kỷ lục" đẻ nhiều con.
41 tuổi anh Hiền đã có 9 người con
Anh Hiền năm nay 41 tuổi và trông còn khá trẻ so với độ tuổi của mình. Hôm chúng tôi đến thăm, anh Hiền đang ở nhà chăm sóc vợ mới sinh. "Vợ tôi mới sinh con được 5 ngày. Đây là đứa con thứ 9 của tôi và vẫn là con gái. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên vợ chồng tôi đã cho một gia đình hiếm muộn ở bên huyện Kỳ Sơn nhận nuôi rồi", anh Hiền cho biết.
Ngồi bần thần bên bậc cửa nhà sàn, chị Lữ Thị Na (38 tuổi, vợ anh Hiền) buồn bã nhìn ra xa xăm. Mặc cho khách đến nhà, chị Na không bộc lộ cảm xúc, chiếc áo màu hồng nhạt chị Na mặc sữa chảy ướt sũng. Anh Hiền cho biết, từ hôm cho đi đứa con mình đứt ruột đẻ ra, chị Na buồn rười rượi. Ngày nào cũng ngồi cửa nhìn ra xa xăm.
Anh Hiền có đến 9 người con với 2 người vợ. Vợ cũ có với anh 4 con gái và hiện 2 người con gái lớn của anh Hiền đã lập gia đình. Ở tuổi 41, anh Hiền đã có 2 cháu ngoại. Anh Hiền nói rằng, vợ anh đi làm ăn tận Trung Quốc, một thời gian dài không về nên… anh phải lấy vợ 2 là chị Na. Cũng như người vợ trước, dù đã sinh thêm 5 người con nhưng tất cả vẫn là con gái, điều đó khiến anh Hiền rất buồn.
Chị Na buồn bã ngồi nhìn xa xăm sau khi phải cho đứa con mình đứt ruột sinh ra
Để nuôi được đàn con nheo nhóc, nhiều năm qua anh Hiền đi làm thuê làm mướn khắp nơi, hết ra Bắc lại vào Nam thế nhưng dù làm lụng vất vả gia đình anh vẫn thuộc diện rất nghèo khó. Anh Hiền cho rằng, mình không có "gen" con trai và có lẽ anh sẽ không sinh thêm con nữa. Tuy nhiên, vợ chồng anh Hiền vẫn còn trẻ nên theo nhận định của Trưởng bản Khăm Xi "có lẽ họ sẽ tiếp tục sinh con".
Trưởng bản Lữ Khăm Xi cho biết, ở bản Chẳm Puông, ngoài gia đình anh Hiền, vợ chồng anh Chích Hoài và chị Lữ Thị Huyền cũng có đến 9 người con. Lý do vợ chồng anh Hoài đẻ nhiều cũng vì theo đuổi cho bằng được con trai. Thế nhưng, đẻ đến người con thứ 9 vẫn là gái, vợ chồng anh Hoài đã dừng lại. Hiện anh Hoài đã có 3 cháu ngoại, trong khi con gái út đang học lớp 3.
"Đẻ đến 9 người con như nhà anh Hiền, anh Hoài là hiếm nhưng ở Chẳm Puông những gia đình 4-5 con nhiều lắm. Cả bản có 190 hộ (186 hộ người Khơ Mú, 4 hộ người Thái) mà có hơn 1.000 dân, trong đó có đến 143 hộ nghèo, 34 hộ cận nghèo và chỉ có 12 hộ thoát nghèo. Trong 12 hộ thoát nghèo có gia đình tôi, gia đình một số giáo viên, cán bộ về hưu và 4 hộ người Thái", anh Khăm Xi chia sẻ.
Gia đình anh Liệu, chị An rất nghèo và các con đều không được bố mẹ cho đi học
Cán bộ phụ nữ bản Chẳm Puông, chị Lữ Thị Keo, cho biết thêm: "Bản rất đông phụ nữ nhưng chỉ có 92 hội viên tham gia Hội. Trong những cuộc họp, tôi cũng thường xuyên tuyên truyền sinh đẻ kế hoạch, sinh đẻ an toàn nhưng hiệu quả không cao. Tại cuộc họp, các hội viên hứa sẽ thực hiện nhưng rồi lại đâu vào đó".
Theo chị Keo, phụ nữ ở Chẳm Puông hiện vẫn sinh đẻ tại nhà rất nhiều. Lý do họ không đến trạm xá hay bệnh viện vẫn là do nghèo. Dù sinh đẻ tại các cơ sở y tế người dân được miễn phí hoàn toàn nhưng từ bản ra trạm xá, bệnh viện đều phải đi xe ôm, ra đến nơi cũng phải mất tiền sinh hoạt nên người dân lấy lý do không có tiền nên chọn đẻ con tại nhà. Như gia đình anh Hiền, đẻ đến 9 người con nhưng chưa một lần đặt chân đến bệnh viện.
Một gia đình 5 trẻ không được bố mẹ cho đi học
Điểm sáng ở bản Chẳm Puông là hầu hết trẻ em trong độ tuổi đến trường đều đi học. Tại bản có điểm trường cho hai khối lớp 1 và 2. Học sinh từ lớp 3 phải đi khoảng 6 km học bán trú tại Trường PTDTBT Tiểu học Lượng Minh. Tuy nhiên, ở bản vẫn có trường hợp hi hữu gia đình anh Cụt Văn Liệu – Cụt Thị An. Anh Liệu có 5 người con nhưng không cháu nào được đến trường đi học. Con gái lớn năm nay đã 12 tuổi mù chữ.
Cháu T. chưa một lần được đến trường đi học nên 12 tuổi vẫn mù chữ
Nhà anh Liệu nằm ở đầu bản, chỉ cách điểm trường mấy trăm mét. Gọi là nhà có phần khiên cưỡng bởi đúng nghĩa đây chỉ là túp lều tranh, trong nhà hoàn toàn trống trơn. "Tài sản" duy nhất là 3 chiếc xoong dùng để nấu ăn và một chiếc mâm nhôm móp méo treo ở góc nhà. Không dùng điện lưới nên nhà anh Liệu cũng nói không với ti vi, tủ lạnh và tất cả các thiết bị dùng điện. Nhà cũng không có giường, tủ, bàn ghế. Tối đến cả nhà nằm lăn lóc trên liếp tre để ngủ.
Sinh đến 5 người con nhưng tất cả các cháu đều do Trưởng bản Khăm Xi làm giấy khai sinh. Khi các con đến tuổi đến trường, vợ chồng anh Liệu không cho con đi học. Các tổ chức, đoàn thể đã nhiều lần đến nhà tuyên truyền, vận động nhưng vẫn không lay chuyển được vợ chồng anh Liệu. Lý do được vợ chồng anh Liệu đưa ra là nhà nghèo. Đi học không mất học phí nhưng mất tiền để mua quần áo mới. Ngoài ra, từ lớp 3 phải đi nội trú, anh Liệu không có tiền cho con đi xe ôm ra trường.
Hai người em của T. cũng không được bố mẹ cho đi học dù các cấp chính quyền đã hết sức để thuyết phục
Cũng vì không được đến trường nên các con của anh Liệu chẳng nói được tiếng Kinh. Cháu T., con gái lớn của vợ chồng anh Liệu đã ra dáng thiếu nữ nhưng nói chuyện với chúng tôi vẫn phải nhờ người bạn làm "thông dịch viên". Bao năm nay, thế giới của cháu T. cũng như các em mình chỉ quanh quẩn trong bản.
Khi các bạn đi học, mấy chị em T. chơi với nhau. Có thời điểm, anh Liệu đưa các con lên nương ở cả tháng, đoàn thể phải xắn quần trèo rừng vào tận nơi vận động cho các cháu đi học. Tiếc rằng bao năm qua, sự cố gắng của anh Khăm Xi và nhiều cán bộ xã Lượng Minh vẫn chưa có kết quả. Mấy đứa trẻ nhà anh Liệu vẫn thất học.
(Còn nữa)
Minh Châu
Nguồn Phụ Nữ VN : https://phunuvietnam.vn/bai-toan-sinh-ke-cho-nguoi-kho-mu-o-cham-puong-bai-1-tap-tuc-lac-hau-van-con-hien-huu-20241008010146296.htm