NATO cảnh báo EU thận trọng về Chiến lược công nghiệp quốc phòng mới

NATO cảnh báo EU thận trọng về Chiến lược công nghiệp quốc phòng mới
41 phút trướcBài gốc
Tuyên bố đưa ra trong bối cảnh EU đang thúc đẩy nhanh việc thực hiện Chiến lược công nghiệp quốc phòng mới, theo hướng tự chủ, tránh sự phụ thuộc quá lớn vào các nước ngoài EU, trong đó có Mỹ.
Tổng thư ký NATO Mark Rutte. (Ảnh: Getty Images)
Chiến lược công nghiệp mới cho quốc phòng châu Âu được xây dựng nhằm ứng phó với các thách thức toàn cầu, hướng mục tiêu tự chủ của EU, cũng như phát triển khả năng tự vệ dựa trên các công nghệ tiên tiến và sự tích hợp nguồn lực công nghiệp của các nước thành viên.
Tham vọng của khối là tạo điều kiện thuận lợi cho việc tạo ra một hệ thống sản xuất chuyên dụng chung và khuyến khích sự hội nhập giữa các cơ cấu quốc gia khác nhau, với mục đích hợp lý hóa các lựa chọn và sản xuất thông qua tầm nhìn chung dài hạn để đảm bảo sự chuẩn bị về mặt công nghiệp trong lĩnh vực quốc phòng. Chiến lược này xác định đến năm 2030, ít nhất 50% ngân sách mua sắm của các quốc gia thành viên sẽ được chuyển cho các nhà cung cấp có trụ sở tại EU và ít nhất 40% thiết bị quốc phòng sẽ được mua sắm theo phương thức hợp tác. Đến năm 2035 sẽ là 60%.
Tổng thư ký NATO Mark Rutte cho rằng, Chiến lược mới này đang tạo ra những rào cản cho các đồng minh của chính EU. Phát biểu tại phiên họp của Ủy ban Nghị viện châu Âu đầu tuần này, ông Mark Rutte kêu gọi các nước thành viên EU thận trọng: "Chúng ta phải tránh tạo ra những rào cản mới giữa các đồng minh, điều này sẽ chỉ làm tăng chi phí, làm phức tạp quá trình sản xuất và ngăn sự đổi mới. Tôi tin rằng việc thu hút các đồng minh không thuộc EU vào các nỗ lực công nghiệp quốc phòng của EU là rất quan trọng đối với an ninh của châu Âu. Hợp tác công nghiệp quốc phòng xuyên Đại Tây Dương giúp tất cả chúng ta mạnh mẽ hơn".
Chi tiêu quốc phòng của EU đạt mức kỷ lục 270 tỷ euro ( tương đương 295 tỷ USD) vào năm 2023, tuy nhiên vẫn còn những khoảng cách đáng kể về năng lực. Chẳng hạn như châu Âu thiếu nguồn cung cấp đạn dược và khả năng tình báo, giám sát và trinh sát. Chính vì vậy, 3/4 số thương vụ mua sắm quốc phòng của các quốc gia thành viên EU được thực hiện trong 2 năm qua là từ bên ngoài EU, trong đó riêng Mỹ chiếm 63%.
Nhằm tìm cách giúp các quốc gia thành viên thoát khỏi sự phụ thuộc quá mức vào Mỹ - một thành viên chủ chốt của NATO, năm ngoái, EU đã vạch kế hoạch đầy tham vọng, thống nhất tạo lập quỹ 100 tỷ euro nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng và. Ủy ban châu Âu, cơ quan điều hành của EU cũng đã đề xuất chi 1,5 tỷ euro để tạo động lực cho các quốc gia mua chung từ các công ty châu Âu và khuyến khích ngành công nghiệp quốc phòng nâng cao năng lực.
Tuy nhiên, Tổng thư ký NATO cho rằng, bối cảnh thế giới hiện nay đang thúc đẩy sự thay đổi trong chính sách quốc phòng của tất cả các nước trên thế giới. Chính vì vậy, nhiệm vụ của các nước thành viên NATO, trong đó EU là những thành viên chủ chốt, là tăng cường hợp tác trong khối, tăng chi tiêu quốc phòng thay vì hạn chế mua sắm quốc phòng lẫn nhau.
"Quốc phòng mạnh hơn là ưu tiên hàng đầu của NATO. Và đây là về việc chi tiêu nhiều hơn, chi tiêu tốt hơn, nhưng cũng sản xuất nhiều hơn. Các đồng minh NATO chắc chắn đã tăng chi tiêu quốc phòng. Và tôi rất hoan nghênh những nỗ lực này. Nhưng thành thật mà nói, 2% là không đủ. Để đảm bảo an toàn trong những năm tới, các đồng minh sẽ cần phải chi nhiều hơn đáng kể so với 2%. Vào thời điểm này, các nước đối trọng của NATO đang tăng cường hợp tác công nghiệp quốc phòng lên mức chưa từng có, thì việc dựng lên những rào cản mới giữa các đồng minh trong NATO sẽ là hành động tự gây hại cho mình."
Châu Anh/VOV1
Nguồn VOV : https://vov.vn/the-gioi/nato-canh-bao-eu-than-trong-ve-chien-luoc-cong-nghiep-quoc-phong-moi-post1148882.vov