Bộ trưởng Ngoại giao Nga nhấn mạnh rằng dù Moscow sẵn sàng đàm phán với Ukraine nhưng bất kỳ giải pháp nào cũng phải giải quyết được "những nguyên nhân cốt lõi" của cuộc xung đột kéo dài gần ba năm. Trong khi đó, Tổng thống Trump, người nhiều lần khẳng định mong muốn chấm dứt xung đột một cách nhanh chóng, cho biết vào cuối tuần trước rằng tiến triến hòa đàm đang có bước tiến mới.
Phát biểu tại một cuộc họp báo tại Moscow, Thứ trưởng Ngoại giao Sergei Ryabkov nhấn mạnh: "Giải pháp chính trị mà chúng tôi hình dung không thể đạt được nếu không thực hiện đầy đủ những gì Tổng thống Putin đã tuyên bố với Bộ Ngoại giao Nga vào tháng 6". Ông cảnh báo rằng Mỹ, Anh và các nước phương Tây cần nhanh chóng nhận thức được điều này để sớm tiến tới một giải pháp hòa bình khả thi.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov. Ảnh: X
Yêu cầu của Nga
Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đưa ra các điều kiện: Ukraine phải từ bỏ tham vọng gia nhập NATO và rút quân khỏi toàn bộ bốn vùng lãnh thổ mà Nga tuyên bố chủ quyền.
Nhân kỷ niệm Ngày Dịch vụ Ngoại giao, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov cũng tái khẳng định lập trường của Moscow: "Chúng tôi sẵn sàng đàm phán, nhưng lợi ích quốc gia hợp pháp của Nga phải được bảo đảm". Ông nhấn mạnh rằng bất kỳ giải pháp nào cũng phải tính đến "một nền an ninh toàn diện mà không ai bị tổn hại".
Ông Lavrov cho biết việc loại bỏ hoàn toàn các nguyên nhân cốt lõi gây ra cuộc xung đột là điều kiện tiên quyết để tiến tới một giải pháp hòa bình. Điều này bao gồm việc chấm dứt hoàn toàn tham vọng gia nhập NATO của Kiev và xóa bỏ những chính sách mà Moscow cáo buộc là nhằm bài trừ văn hóa và ngôn ngữ Nga tại Ukraine.
Tuy nhiên, từ góc nhìn của Kiev, những điều kiện này không khác gì một lời kêu gọi đầu hàng. Ukraine vẫn kiên định với mục tiêu gia nhập NATO và giành lại quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ đã rơi vào tay Nga.
Rạn nứt trong quan hệ giữa Nga và Ukraine đã nhen nhóm vào năm 2014, khi bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga sau một cuộc trưng cầu dân ý. Đến tháng 2/2022, xung đột Nga-Ukraine chính thức nổ ra.
Về phía Nga, Tổng thống Putin khẳng định chiến dịch quân sự của nước này là cần thiết để bảo vệ những người nói tiếng Nga tại Ukraine và đối phó với mối đe dọa từ khả năng Kiev gia nhập NATO.
Thứ trưởng Ryabko cho biết Moscow không thấy có bất kỳ sự thay đổi đáng kể nào trong lập trường của Mỹ đối với Ukraine. Ông cảnh báo rằng Nga sẽ không chấp nhận bất kỳ tối hậu thư nào từ phương Tây.
"Nếu không giải quyết tận gốc những nguyên nhân gây ra xung đột, sẽ không thể đạt được thỏa thuận hòa bình", ông Ryabkov tuyên bố. "Những biện pháp nửa vời không phải là con đường mà chúng tôi sẵn sàng thực hiện".
Hiện tại, Moscow kiểm soát khoảng 20% lãnh thổ Ukraine, bao gồm Crimea và bốn khu vực ở miền Đông và miền Nam Ukraine. Dù tuyên bố toàn bộ bốn khu vực này thuộc về Nga, thực tế quân đội nước này chỉ kiểm soát khoảng 70-80% diện tích, trong khi Ukraine vẫn nắm giữ khoảng 26.000 km². Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết Kiev sẵn sàng cung cấp đất hiếm và khoáng sản chiến lược cho Mỹ để đổi lấy sự hỗ trợ quân sự từ Washington nhằm tiếp tục duy trì chiến sự với Nga.
Kế hoạch hòa bình rơi vào bế tắc
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kêu gọi các đồng minh Mỹ và châu Âu không “bỏ rơi” Kiev trong bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào với Nga nhằm chấm dứt cuộc chiến đã kéo dài gần ba năm. Nhà lãnh đạo Kiev đến nay vẫn kiên định với yêu cầu có vị trí chính thức trong tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương như một sự đảm bảo an ninh mà châu Âu dành cho Ukraine. Tuy nhiên, đến thời điểm này, yêu cầu của Kiev vẫn chưa được thông qua.
Tư cách thành viên NATO của Ukraine rõ ràng không phải là ưu tiên hàng đầu của Mỹ. Trả lời phỏng vấn NBC mới đây, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Mike Waltz cho biết trong tuần này, Mỹ sẽ thảo luận về cách chấm dứt xung đột Nga - Ukraine; song, các đảm bảo an ninh sẽ do châu Âu chịu trách nhiệm.
Trong lúc các bên chuẩn bị cho các cuộc đàm phán mới, cả Moscow và Kiev vẫn tiếp tục các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào đêm 9/2. Không quân Ukraine thông báo trên Telegram rằng họ đã bắn hạ 61 trong số 83 máy bay không người lái của Nga.
Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố đã bắn hạ 17 máy bay không người lái của Ukraine tại Biển Đen, Crimea và một số khu vực khác của Nga. Thống đốc vùng Krasnodar, Veniamin Kondratyev, cho biết các mảnh vỡ UAV của Ukraine đã làm hư hại một tòa nhà nhiều tầng nhưng không gây thương vong. Trong khi đó, Andriy Kovalenko – người đứng đầu Trung tâm Chống thông tin sai lệch của Ukraine – xác nhận các UAV đã nhắm mục tiêu vào nhà máy lọc dầu Afipsky ở Krasnodar.
Sau đó một ngày, giới chức Ukraine ngày 10/2 cho biết, Nga đã tiến hành một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái trong đêm vào thủ đô Kiev, gây ra hỏa hoạn tại một tòa nhà trong thành phố.
Chiến sự tiếp tục căng thẳng trong bối cảnh các bên đang nỗ lực tiến tới một thỏa thuận hòa bình là một dấu hiệu không tốt. Trong bối cảnh chưa thể giải quyết tận gốc nguyên nhân gây ra xung đột, chính ông Kellogg đã đề cập đến giải pháp đóng băng xung đột theo chiến tuyến hiện tại.
Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn với ITV ngày 9/2, ông Zelensky cảnh báo Nhà Trắng không nên để cuộc chiến rơi vào trạng thái “đóng băng". Ông nhấn mạnh: “Một cuộc xung đột đóng băng sẽ dẫn đến những cuộc chiến tiếp theo. Vậy ai sẽ là người được vinh danh trong lịch sử như một người chiến thắng? Không ai cả. Đó sẽ là thất bại tuyệt đối cho tất cả, đặc biệt là với Ukraine và cả ông Trump".
Diệp Thảo/VOV.VN (biên dịch) Theo Newsweek, The Independent