Ngâm chân thảo dược - Giải pháp chữa lành cơ thể rẻ tiền

Ngâm chân thảo dược - Giải pháp chữa lành cơ thể rẻ tiền
9 giờ trướcBài gốc
1. Tác dụng của ngâm chân thảo dược
Theo y học cổ truyền, bàn chân không chỉ là bộ phận nâng đỡ cơ thể mà còn là nơi quy tụ hàng chục đường kinh lạc và huyệt vị trọng yếu, đặc biệt là huyệt dũng tuyền - nơi "thủy khí hóa sinh, vạn vật khởi đầu".
Nội dung
1. Tác dụng của ngâm chân thảo dược
2. Các vị thuốc thường dùng trong ngâm chân thảo dược
3. Cách ngâm chân thảo dược đúng
4. Những lưu ý quan trọng khi ngâm chân thảo dược
Khi đôi chân được ngâm trong làn nước ấm thảo dược, không đơn thuần chỉ là sự tiếp xúc vật lý mà là một hình thức khai mở huyệt đạo, thúc đẩy dòng chảy khí huyết, tán hàn trừ thấp, điều hòa âm dương trong cơ thể. Chính vì vậy, ngâm chân không chỉ có tác dụng làm ấm cơ thể mà còn có tác dụng an thần, dưỡng tâm, cải thiện giấc ngủ và làm dịu những cơn đau mỏi gân cốt một cách tự nhiên.
Ngâm chân thảo dược giúp chữa lành cơ thể cả thể chất lẫn tinh thần.
Mỗi bài thuốc ngâm chân đều mang một "cái hồn" riêng, hòa quyện giữa hương thảo mộc và công năng chữa bệnh. Một nồi nước sắc từ ngải cứu, gừng tươi và quế chi có thể xua đi cảm giác lạnh nơi đầu ngón chân, giúp người hay lạnh tay chân ấm áp cả đêm.
Khi cơ thể mỏi mệt vì làm việc quá sức, bài thuốc từ thiên niên kiện, địa liền và lá lốt lại trở thành phương thuốc hữu hiệu cho những khớp xương 'kêu réo' vì đau nhức. Còn với người mất ngủ, chỉ cần vài lát gừng, ít lá vông hoặc tâm sen, thêm chút hương nhu nấu cùng, giúp đưa giấc ngủ về bình yên, không trằn trọc.
Ở góc nhìn hiện đại, y học phương tây cũng đã có những nghiên cứu cho thấy ngâm chân bằng nước ấm giúp kích thích hệ thần kinh giao cảm, cải thiện lưu thông máu, làm dịu thần kinh, hỗ trợ điều hòa huyết áp và giấc ngủ.
Việc kết hợp thảo dược càng làm tăng hiệu quả, nhờ tác dụng kháng viêm, giảm đau, thư giãn cơ bắp của các hoạt chất tự nhiên như gingerol trong gừng, eugenol trong quế, flavonoid trong lá lốt hay tinh dầu từ sả, bạc hà, hương nhu...
Ngải cứu trong nước ngâm chân có tác dụng trừ hàn, giảm đau.
2. Các vị thuốc thường dùng trong ngâm chân thảo dược
Tùy vào mục đích điều trị mà các bài thuốc ngâm chân có thể thay đổi, song một số vị thuốc phổ biến thường dùng gồm:
- Ngải cứu: Ôn kinh, trừ hàn, giảm đau.
- Quế chi (vỏ quế): Làm ấm cơ thể, khử hàn, kích thích lưu thông máu.
- Gừng tươi: Tán hàn, hành khí, tiêu độc.
- Địa liền: Trừ phong thấp, giảm đau.
- Thiên niên kiện: Mạnh gân cốt, trừ thấp.
- Hương nhu: Giải cảm, sát khuẩn, thơm dịu nhẹ.
- Muối hột: Sát trùng, giảm viêm, hút độc.
- Lá lốt, sả, bưởi: Thường dùng trong bài ngâm chân dân gian để giảm đau nhức, khử mùi, làm ấm.
Quế chi trong nước ngâm chân làm ấm cơ thể, kích thích lưu thông máu.
3. Cách ngâm chân thảo dược đúng
- Chuẩn bị:
+ Thảo dược: Từ 3-5 vị, mỗi vị khoảng 10-20g khô (hoặc 30-50g tươi).
+ Nước: Khoảng 2-3 lít.
+ Thau hoặc chậu ngâm: Nên dùng loại sâu, giữ nhiệt tốt.
+ Khăn lau khô, tất (vớ) giữ ấm sau khi ngâm.
- Cách thực hiện:
+ Sắc thảo dược: Cho thảo dược vào nồi, đổ nước và đun sôi nhỏ lửa trong 10-15 phút.
+ Pha loãng với nước mát đến nhiệt độ khoảng 38-43°C (ấm nóng, không bỏng).
+ Ngâm chân trong 15-25 phút, mực nước nên ngập cổ chân hoặc cao hơn.
+ Vừa ngâm vừa xoa bóp nhẹ bàn chân, chú ý day huyệt dũng tuyền (ở chính giữa gan bàn chân) để tăng hiệu quả.
+ Lau khô chân sau khi ngâm, giữ ấm ngay bằng tất (vớ) hoặc đi dép kín.
Thời điểm tốt nhất để ngâm chân là buổi tối trước khi đi ngủ khoảng 30 phút. Mỗi tuần có thể ngâm 3-5 lần, tùy nhu cầu.
Gừng tươi tán hàn, hành khí, tiêu độc khi được dùng để ngâm chân.
4. Những lưu ý quan trọng khi ngâm chân thảo dược
- Không nên ngâm quá lâu: Quá 30 phút dễ gây mất nhiệt, chóng mặt, nhất là ở người thể hư hoặc huyết áp thấp.
- Không dùng nước quá nóng: Nước quá nóng dễ làm bỏng da, nhất là ở người già hoặc người mắc bệnh đái tháo đường vốn có tuần hoàn kém.
- Không ngâm khi đang đói hoặc quá no, sau uống rượu. Ngâm khi đói dễ gây choáng, còn ngâm sau ăn no làm rối loạn tiêu hóa.
- Người bị lở loét, viêm da, suy tĩnh mạch nặng ở chân cần thận trọng hoặc tránh ngâm.
- Phụ nữ mang thai nên hỏi ý kiến thầy thuốc trước khi dùng bài ngâm có quế, ngải cứu hoặc gừng liều cao.
- Thận trọng với người huyết áp thấp: Nước nóng làm giãn mạch có thể khiến tụt huyết áp nhanh.
BSNT. Phan Bích Hằng
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/ngam-chan-thao-duoc-giai-phap-chua-lanh-co-the-re-tien-169250714164138647.htm