Chợt nhớ sao những ngày ấu thơ hồn nhiên thuở nào. Trong những khu vườn lộng gió, giữa những trưa hè nắng rát và râm ran tiếng ve, có khi đầu chần chân đất túm năm tụm bảy kéo nhau đi hái dâu tằm, hí hửng vạch tìm trong đám lá xanh rì những quả chín đen, chín đỏ rồi chia nhau, rôm rả chuyện trò. Tuổi thơ của những đứa trẻ không máy tính, không điện thoại thông minh… vui vẻ và giản đơn là vậy.
Kí ức đậm nét nhất với tôi là cây dâu tằm trồng cạnh giếng nước nhà bà ngoại. Bà tôi chỉ có hai cô cháu gái. Những ngày đại gia đình sum họp, hay ngày giỗ và lễ Tết, bao nhiêu bát đĩa sau bữa cơm đều được giao cho tôi và cô em họ. Hai chúng tôi hì hục bơm nước từ giếng lên để rửa những mâm bát ngồn ngộn, dưới tán dâu tằm xanh mát. Những lá dâu tươi tắn xòe ra hứng lấy nắng gắt, che chắn cho chị em tôi thoải mái, rúc rích chuyện trò. Một phần tán dâu tằm tỏa bóng xuống khu giếng và phần còn lại nghiêng nghiêng ra mặt đường phía ngoài. Người ở bên trong nói với ra, người ở ngoài nói vọng vào. Gốc dâu tằm bên giếng vô tình trở thành nơi hàn huyên trò chuyện, nhất là vào mùa cây ra quả. Những trái xanh xanh, vàng vàng, đo đỏ đến đen xì căng mọng, sin sít trên cành, lấp lấp ló ló trong đám lá hình trái tim, nửa như trốn tìm, nửa như mời gọi khiến người đi qua, kẻ đi lại phải ngước mắt lên mà nhòm. Nhòm chán rồi lại không đành lòng, nhón chân, với tay lên ngắt vài quả bỏ vô miệng, rồi lại nhăn nhăn nhó nhó mà than: “Ôi chua quá”. Quả dâu tằm không chua lè chua loét như chanh, không chua giòn như sấu nhưng cũng đủ làm cho những kẻ không hảo chua như tôi phải rùng mình xuýt xoa. Đừng tưởng những quả màu xanh hay vàng mới có vị chua, tôi đã không ít lần bị những quả chín mọng đỏ au hay đã tím đen lừa phỉnh. Cứ ngỡ rằng sau khi chuyển sang cái màu bắt mắt ấy, chúng đã tăng thêm độ đường và giảm đi khá nhiều độ chua. Nhưng không. Chỉ nghĩ đến mà tôi đã thấy ê ẩm cả chân răng. Ăn quả dâu tằm mà không có muối thì cứ thấy thiêu thiếu thế nào ấy. Một chút muối trắng hoặc sang hơn là muối tiêu, muối ớt. Vị mặn mòi của muối sẽ trung hòa bớt độ chua và làm tăng thêm hương vị cho quả dâu tằm.
Dâu tằm trong trí óc non nớt của tôi còn là một loại cây huyền bí và có uy quyền ghê gớm. Khi còn nhỏ, thi thoảng tôi vẫn nghe ông bà, cô bác kể lại những câu chuyện từ mấy chục năm trước. Một buổi đi mò cua bắt ốc ngoài mương, một đêm khuya vắng ra phía sau nhà… đều có thể bị ma nhát, ma trêu. Tôi nhớ có câu chuyện được các bác trong xóm kể lại. Thường là vào ban trưa, ở ngôi trường cấp hai trong xã, có những học sinh không hiểu sao cứ ôm chặt lấy gốc cây bàng mà không thể rời đi, như thể có một thế lực vô hình đã trêu đùa và giữ chặt họ lại. Cuối cùng phải nhờ đến ông thầy pháp cao tay và cành dâu tằm trừ tà, những người đó mới thoát ra được.
Dâu tằm cứ thế, lặng lẽ nơi bờ ao, bờ dậu, âm thầm đi vào thế giới tuổi thơ của chúng tôi trong những trưa hè dãi nắng hay những câu chuyện tâm linh nửa hư nửa thực. Tôi không có những đêm trăng sáng cùng bạn len lỏi giữa nương dâu ướt đẫm sương, hồi hộp bắt dế như Hoàng Phủ Ngọc Tường từng mô tả trong “Lý chuồn chuồn”. Tôi cũng chưa từng được tận mắt thấy “ngàn dâu xanh ngắt một màu” mà trong “Chinh phụ ngâm khúc” Đoàn Thị Điểm đã nhắc đến trông như thế nào. Bởi quê tôi chuyên về trồng lúa, dâu tằm có chăng chỉ là loại cây được trồng làm hàng rào, nơi bãi sông, đường làng hoặc cây phong thủy trừ tà, chứ không trồng thành vườn, thành bãi ngút ngàn như những vùng nuôi tằm se tơ.
Ấy nhưng có lẽ cấy lúa và trồng dâu đã từng là hai việc quan trọng nhất của người dân Việt Nam nên dù chưa từng được tận mắt chứng kiến, tôi vẫn tìm thấy nhiều cảm hứng về cây dâu tằm qua ca dao, tục ngữ, thơ ca và âm nhạc. Những nương dâu yên bình nằm ven đồi ven sông, trải dài trên khắp đất nước thật đẹp vô cùng với xiết bao ân tình nồng đượm:
“Nương dâu xanh thắm quê mình
Nắng lên Gò Nổi, đượm tình thiết tha
Con tằm dệt kén cho ta
Tháng năm cần mẫn làm ra lụa đời”.
Và lấp lánh trong các câu chuyện lịch sử, tôi bắt gặp những mối tình đầy thi vị bên nương dâu xanh biếc giữa những cô thôn nữ chăm chỉ, tảo tần và các bậc đế vương. Đó là một Nguyên Phi Ỷ Lan với tiếng hát trong trẻo cùng sự nết na, đoan chính đã làm say lòng vua Lý Thánh Tông. Hay một Đoàn Quý Phi đi hái dâu dưới đêm trăng, cất lên tiếng hát mượt mà đầy táo bạo để rồi lọt vào mắt xanh của chàng công tử con nhà Chúa - Nguyễn Phúc Lan:
“Tai nghe chúa ngự thuyền rồng
Cảm thương phận thiếp má hồng nắng mưa
Thuyền rồng chúa ngự nơi đâu
Thiếp thương phận thiếp hái dâu một mình”.
Xưa vẫn thế và nay vẫn thế, những vườn dâu vẫn xanh ngăn ngắt một màu. Có khác chăng, với nhu cầu thay đổi của thời thế, bên cạnh thứ dâu hái lá thì thứ dâu ăn quả ngày càng được ưa chuộng hơn. Quả dâu tằm để làm mứt, nước ép hay si rô đều rất thơm ngon và bổ dưỡng. Tôi nghe một người chị mách rằng, nước ép từ quả dâu tằm không chỉ có tác dụng giải khát mà còn tốt cho tiêu hóa và giúp an thần, dễ ngủ. Ngặt nỗi nước ép có vị ngai ngái và chỉ để được một tuần trong ngăn mát tủ lạnh, nên tôi vẫn chuộng si rô hơn. Tôi thường mua quả dâu tằm từ Đà Lạt, quả to như ngón tay và chín mọng chứ không xíu xíu như những quả dâu tằm mọc dại. Dâu tằm chín dễ bị dập nên thường đặt về tôi phải bỏ đi cả nửa, rửa sạch, ngâm trong nước muối pha loãng chừng 15 phút rồi để ráo. Bỏ một nắm dâu tằm vào bình thủy tinh đã rửa sạch, rồi cứ thế một lớp đường một lớp dâu xen kẽ. Hôm sau đã thấy trong bình rỉ ra lớp nước màu tim tím đen đen. Ngâm độ chừng một tuần, mở nắp ra, mùi dâu đưa hương thơm phức, thoảng mùi cồn nhẹ. Tôi lọc lấy phần nước cất vào ngăn mát tủ lạnh, còn phần bã đem sên lên làm mứt ăn kèm bánh mì hoặc sữa chua. Chiều chiều sau một giấc ngủ trưa đẫy mắt, háo nước và thèm thứ gì ngọt ngọt, chua chua, còn gì tuyệt vời hơn một cốc nước dâu tằm thơm mát.
Chiều nay đi dạo quanh nhà, chúng tôi dừng lại trước hàng dâu tằm ở ngã ba đường. Chồng tôi xin vài đọt lá non về làm thức ăn cho đàn tép kiểng. Lá dâu tằm non ngâm trong nước sôi độ chừng vài phút rồi để nguội, bỏ vào bể cho tép ăn dần sẽ giúp cho tép khỏe mạnh và lột vỏ dễ dàng hơn. Thực hiếm có loại cây nào mà các bộ phận trên cây đều có ích lợi như thế. Nghe nói, đến cả rễ cây và các tổ sâu, tổ bọ ngựa hay các loài tầm gửi bám trên thân dâu cũng có thể dùng để chữa bệnh.
Tôi nhìn hàng cây chĩu chịt đám quả đủ màu, chợt xốn xang một niềm thương mến. Loài cây mộc mạc dân dã ấy, từ nông thôn hay thành thị, đã luôn gắn bó với cuộc sống của người dân Việt Nam tự thuở nào.
Nhung Phạm