Phản ứng bất ngờ của người châu Phi khi nếm thử món giả cầy kiểu Việt

Phản ứng bất ngờ của người châu Phi khi nếm thử món giả cầy kiểu Việt
một ngày trướcBài gốc
Quyết Black (tên thật là Trần Thanh Quyết, đến từ Hà Tĩnh) gần đây được nhiều khán giả Việt biết đến khi thường xuyên xuất hiện trong các video trên kênh YouTube có hơn 280.000 lượt theo dõi của nhóm Quang Linh Vlogs.
Ngoài tham gia hỗ trợ các hoạt động về nông nghiệp, anh Quyết còn nhiều lần đảm nhiệm việc đứng bếp, trực tiếp nấu nướng phục vụ nhóm thành viên người Angola những bữa ăn ngon, đậm chất Việt Nam.
Trong video được đăng tải gần đây, anh Quyết tiết lộ sẽ nấu 1 món ăn quen thuộc của người Việt để chiêu đãi những người dân bản làm việc tại nông trại. Đó là bún giả cầy.
Anh hi vọng vừa giúp mọi người có bữa ăn no, đầy đủ dinh dưỡng để có sức làm việc, vừa góp phần lan tỏa văn hóa ẩm thực truyền thống của quê hương.
“Hôm nay mình mua chân giò lợn để nấu món giả cầy chiêu đãi anh em. Phần thịt này có giá 10.000 Kwanza, tương đương 250.000 đồng”, anh Quyết nói.
Anh Quyết chuẩn bị nguyên liệu làm món bún giả cầy kiểu Việt để chiêu đãi người dân bản ở Angola
Người đàn ông này cũng cho hay, muốn chế biến món giả cầy ngon, phải chọn phần chân trước. Chân giò sau khi mua về sẽ được thui qua lửa, vừa để làm sạch lông, vừa giúp da giòn và phần thịt dậy mùi thơm hấp dẫn.
“Mình cũng chuẩn bị sẵn đầy đủ nguyên liệu, gia vị để nấu giả cầy như sả, riềng, muối, đường, rượu trắng, mắm tôm…”, anh chia sẻ thêm.
Theo anh Quyết, tùy từng nơi và sở thích của từng người mà cách sơ chế, nêm nếm gia vị cho món giả cầy sẽ có chút khác biệt.
Anh sẽ nấu món này theo kiểu đặc trưng của người Hà Tĩnh, Nghệ An. Đó là thái riềng thành các lát mỏng thay vì giã nhỏ. Sả đem đập dập rồi cắt miếng vừa ăn. Hành khô và ớt cũng thái nhỏ.
Với phần thịt chân giò đã thui cho lớp da bên ngoài cháy xém, anh đem chặt thành các miếng nhỏ, sau đó tẩm ướp với riềng, sả, mắm tôm, thêm chút dầu ăn, đường và rượu trắng.
“Ở bên này không có mật mía nên mình thay thế bằng đường. Khi ướp thịt sẽ cho thêm chút rượu và dầu ăn, giúp món giả cầy có độ béo ngậy và mềm, thơm hơn”, anh Quyết giới thiệu cách nấu giả cầy.
Món giả cầy được tẩm ướp tỉ mỉ cùng một số nguyên liệu, gia vị đặc trưng của người Việt như nước màu, rượu trắng, mắm tôm...
Trong lúc chờ cho nguyên liệu thấm đều gia vị, anh tranh thủ thắng đường, làm nước màu rồi trộn cùng. Công đoạn này giúp món giả cầy khi chín có màu ngả nâu, hình thức bắt mắt.
Tiếp đến, khi ướp vừa đủ thời gian, người đàn ông Việt bắc nồi giả cầy lên bếp đun, đồng thời luộc bún khô để ăn cùng.
Khi món giả cầy đã chín mềm, anh Quyết mời các thành viên ở nông trại nghỉ tay để dùng bữa. Anh cùng vài thành viên người Angola nhanh chóng chia đều bún ra từng đĩa rồi đơm giả cầy lên trên.
Món ăn nóng hổi, tỏa ra mùi thơm phức khiến ai nấy có mặt đều thấy hào hứng, nóng lòng chờ được thưởng thức.
Mặc dù món bún giả cầy kiểu Việt được tẩm ướp với mắm tôm – thứ gia vị “nặng mùi” không phải người nước ngoài nào cũng dám ăn nhưng người châu Phi lại liên tục khen ngon
Banxoa – 1 thành viên người Angola của nhóm Quang Linh Vlogs nhận xét thịt lợn nấu kiểu giả cầy rất mềm, mùi vị đậm đà. Trong lúc ăn, anh liên tục gật gù thể hiện sự thích thú, thậm chí còn khen bằng tiếng Việt rằng bún giả cầy ngon.
Một người khác cũng cho rằng, ban đầu ngửi mắm tôm thấy mùi hơi khó chịu nhưng khi nấu lên lại dễ ăn.
Khi anh Quyết hỏi những người còn lại về món bún giả cầy kiểu Việt Nam có hương vị như thế nào, ai nấy đều đồng thanh trả lời “Chapepa” (tuyệt vời).
Ảnh: Team Huyền thoại châu Phi
Thảo Trinh
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/phan-ung-bat-ngo-cua-nguoi-chau-phi-khi-nem-thu-mon-gia-cay-kieu-viet-2386008.html