Ngân hàng Nhà nước vừa công bố kết quả cuộc điều tra xu hướng tín dụng của các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam (TCTD).
Theo kết quả điều tra, các TCTD cho biết căn cứ chủ yếu của xu hướng “nới lỏng” nhẹ tiêu chuẩn tín dụng trong 6 tháng cuối năm 2024 và dự kiến trong 6 tháng đầu năm 2025 trên cơ sở đánh giá triển vọng kinh tế vĩ mô khả quan và tác động tích cực của chính sách định hướng/quản lý phát triển các ngành kinh tế của Chính phủ và chính sách định hướng/quản lý tín dụng của Chính phủ/NHNN.
Dự kiến cho cả năm 2025, các TCTD tiếp tục giữ nguyên hoặc nới lỏng nhẹ tiêu chuẩn tín dụng tổng thể của đơn vị mình đối với tất cả các nhóm khách hàng, trong đó ưu tiên nới lỏng tiêu chuẩn tín dụng đối với nhóm khách hàng doanh nghiệp.
Trong 6 tháng đầu năm 2025, các ngân hàng dự kiến nới lỏng hơn các điều kiện và điều khoản cho vay đối với khách hàng cá nhân.
Tuy nhiên, về các điều khoản và điều kiện cho vay, các TCTD dự kiến giữ ổn định các điều kiện và điều khoản cho vay tổng thể đối với khách hàng doanh nghiệp như 6 tháng cuối năm 2024 theo hướng “thắt chặt nhẹ” để quản trị rủi ro tốt hơn trong bối cảnh rủi ro khách hàng vẫn gia tăng. Ngược lại, với khách hàng cá nhân, các ngân hàng dự kiến sẽ thực hiện nới lỏng hơn.
Theo đánh giá của các TCTD, 6 tháng đầu năm 2025 và cả năm 2025, nhu cầu tín dụng tiếp tục tăng đối với tất cả các lĩnh vực, đối tượng, loại tiền và kỳ hạn.
Trong 4 lĩnh vực chính được thống kê, tại kỳ điều tra này, lĩnh vực phát triển công nghiệp và xây dựng có tỷ lệ TCTD dự báo nhu cầu vay vốn tăng cao nhất trong năm 2025, tiếp đến là nhu cầu vay phục vụ đời sống và tiêu dùng và nhu cầu vay thương mại và dịch vụ; lĩnh vực vay phát triển nông, lâm, thủy sản.
Bán buôn, bán lẻ; Xuất, nhập khẩu; Vay phục vụ nhu cầu đời sống hoặc vay tiêu dùng tiếp tục là 3 lĩnh vực có tỷ lệ TCTD dự kiến là động lực tăng trưởng tín dụng cao nhất. Lĩnh vực xếp thứ tư được dự kiến là Thép và kim loại khác thay thế lĩnh vực Công nghiệp chế biến, chế tạo trong năm 2024.
Các TCTD dự báo mặt bằng rủi ro tổng thể năm 2025 sẽ không thay đổi so với năm 2024.
Trong năm 2025, rủi ro tín dụng của 10/16 lĩnh vực khảo sát được các TCTD kỳ vọng theo chiều hướng giảm (phát triển nông, lâm, thủy sản; công nghiệp chế biến, chế tạo; cho vay đầu tư ứng dụng công nghệ cao...).
Tuy nhiên, các TCTD quan ngại nguy cơ rủi ro có thể tăng nhẹ ở 5/16 lĩnh vực khảo sát bao gồm lĩnh vực xây dựng; kinh doanh bất động sản; cho vay kinh doanh tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; cho vay đầu tư kinh doanh chứng khoán, trong đó 2 lĩnh vực được đánh giá tiềm ẩn rủi ro cao nhất là cho vay đầu tư kinh doanh bất động sản và xây dựng.
Đây cũng là các lĩnh vực mà các TCTD dự kiến vẫn tiếp tục thắt chặt cho vay, nhưng mức độ thắt chặt có thể được thu hẹp hơn so với 6 tháng cuối năm 2024.
Thanh Hoa