Tại Diễn đàn "Logistics xanh - Sức bật trong biến động", nằm trong khuôn khổ FIATA World Congress 2025 diễn ra chiều 11/7, hàng loạt chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng đã đồng loạt đưa ra cảnh báo và khuyến nghị, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang biến động chưa từng có, đứt gãy chuỗi cung ứng, tỷ giá biến động, chi phí vận chuyển leo thang, cùng các rào cản kỹ thuật mới như thuế carbon, ESG và Net Zero từ các thị trường lớn như Mỹ và EU.
“Logistics xanh đã và đang trở thành một trong những trụ cột của Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công khẳng định tại diễn đàn.
Một khảo sát từ Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (VCCI) cho thấy, các tập đoàn đa quốc gia ngày càng đưa ra yêu cầu khắt khe hơn đối với việc xanh hóa toàn bộ chuỗi giá trị, bao gồm thiết kế sản phẩm, vận hành, logistics và xử lý chất thải.
"Những tiêu chuẩn ESG, Net Zero, thuế biên giới carbon… đang dần trở thành hàng rào kỹ thuật buộc DN phải chuyển đổi để tồn tại. Vì vậy, logistics xanh không còn là lựa chọn, mà là điều kiện sống còn cho DN Việt Nam trong chiến lược phát triển bền vững toàn cầu", ông Phạm Tấn Công nói.
Theo các chuyên gia, cần sự phối hợp để cùng nhau tạo ra một hệ sinh thái logistics bền vững.
Đồng quan điểm, ông Đào Trọng Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) nhấn mạnh, ngành logistics đang đứng trước một “ngã rẽ mang tính lịch sử”, bởi mọi mắt xích trong chuỗi cung ứng đều chịu áp lực chuyển đổi, nếu không muốn bị đào thải.
Trong khi đó, bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Phó Chủ tịch thường trực Hội Doanh nghiệp Xanh TP.HCM, chia sẻ về những thách thức đặc thù mà 90% doanh nghiệp logistics nhỏ và siêu nhỏ tại Việt Nam đang gặp phải.
“Chi phí chuyển đổi xanh là rào cản lớn. Không chỉ là tài lực mà còn là nhân lực, yếu tố gần như khủng hoảng. Nếu bắt đầu đào tạo bài bản từ bây giờ, phải mất tới 20 năm mới đủ đội ngũ đáp ứng yêu cầu.”
Theo bà Mẫu, muốn có một đất nước xanh thì cần con người xanh, không chỉ là kỹ năng kỹ thuật mà là văn hóa doanh nghiệp và hành vi tiêu dùng bền vững.
Từ thực tiễn doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, ông Koen Soenens, Phó Chủ tịch Ủy ban Vận tải và Logistics (EuroCham), nhấn mạnh rằng xanh hóa không phải là xu hướng nhất thời, mà là chiến lược kinh doanh thông minh, mang lại hiệu quả bền vững.
Các doanh nghiệp EU đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể tại Việt Nam như sử dụng năng lượng mặt trời tại kho vận, văn phòng; triển khai đội xe giao nhận xanh; tích hợp công cụ số để tối ưu lộ trình, tiết kiệm nhiên liệu và giảm phát thải.
Tuy nhiên, đại diện EuroCham cũng thẳng thắn chỉ ra các rào cản lớn như hạ tầng logistics chưa đồng bộ, chính sách thiếu nhất quán, và thiếu bộ tiêu chuẩn rõ ràng cho doanh nghiệp thực thi.
“Phát triển xanh không thể thuê ngoài. Cần sự phối hợp đồng bộ giữa doanh nghiệp, Chính phủ, các đối tác quốc tế”, ông Koen nói.
Dù thừa nhận còn nhiều khó khăn về tài chính, kỹ năng và công nghệ, ông Koen cho rằng đây là “thời điểm vàng” để Việt Nam xây dựng hệ sinh thái logistics hiện đại và bền vững. “Nếu có chính sách đồng bộ và hướng đi rõ ràng, Việt Nam có thể tiến rất nhanh. Nhưng cần nhớ rằng, chuyển đổi xanh không phải là khẩu hiệu, mà phải trở thành lợi thế cạnh tranh thực sự”, đại diện EuroCham nhấn mạnh.
Hồng Hương