Nghe điệu hoài lang trên vùng biên giới Tây Nguyên

Nghe điệu hoài lang trên vùng biên giới Tây Nguyên
2 ngày trướcBài gốc
Cứ vào tối thứ Năm hằng tuần, CLB đờn ca tài tử Ia Rvê lại mang lời ca, tiếng đàn đến với bà con xa quê. Ảnh: Thủy Lê
Tiếng vọng cổ giữa rừng biên cương
Chiều Ea Súp nắng như đổ lửa. Dãy rừng khộp ven đường biên dường như lặng đi, chỉ còn nghe tiếng gió thì thào trên từng chiếc lá. Ấy vậy mà giữa miền biên viễn khô cằn này, có một khúc nhạc ngọt như đường phèn, ngân nga cất lên từ mái nhà nhỏ của ông Đoàn Thanh Nhặn, Trưởng thôn 2, xã Ia Rvê, người được bà con gọi bằng cái tên trìu mến: “ông Tư Nhặn”, hay “ông bầu tài tử đất xứ dừa Bến Tre giữa chốn rừng biên”.
Tôi tìm về thôn 2, xã Ia Rvê trong một chiều tháng Bảy. Đây là nơi tụ cư của hàng chục hộ dân từ miền Tây Nam Bộ lên lập nghiệp những năm cuối thập niên 1980 theo chủ trương xây dựng vùng kinh tế mới. Trải qua bao năm tháng gió bụi, gian nan, giờ đây, những cư dân ấy không chỉ mang theo cây dừa, cây lúa, con cá tra lên vùng đất đỏ bazan, mà còn gieo cả câu hò, tiếng vọng cổ... để rồi hình thành nên một câu lạc bộ đờn ca tài tử độc đáo giữa chốn biên cương.
Ông Nguyễn Văn Hồng Em, năm nay đã ngoài 60 tuổi, hiện đang là Bí thư Chi bộ thôn 2, xã biên giới Ia Rvê bồi hồi nhớ lại: Năm 2002, gia đình tôi cùng hàng trăm hộ dân tỉnh Bến Tre (cũ) rời miền quê sông nước đến vùng biên giới Ea Súp theo dự án kinh tế quốc phòng để định cư, lập nghiệp, trong lòng mỗi người con xứ dừa mang theo bao khát vọng và cả nỗi niềm khắc khoải nhớ quê hương. Ban đầu, trong thôn có đến 80% là người dân Bến Tre di cư lên, qua thời gian, người dân các tỉnh đến đây sinh sống ngày càng đông. Ba miền tụ họp, xa quê hương, mọi người cùng đùm bọc, đoàn kết, chia sẻ, vượt qua khó khăn, nỗ lực xây dựng cuộc sống ấm no trên vùng đất mới. Sau những giờ lao động vất vả, tối đến, bà con lại gặp nhau đàn hát, nhạc cụ đi kèm chỉ là cây đàn phím lõm mang từ Bến Tre lên.
Thôn 2, xã Ia R’vê có 185 hộ, 527 nhân khẩu. Câu lạc bộ (CLB) đờn ca tài tử thôn 2 ra đời từ năm 2012, khi một nhóm người Bến Tre, Tiền Giang (nay là Vĩnh Long, Đồng Tháp), Cần Thơ... đang sống tại xã Ia Rvê quyết định cùng nhau “gây dựng lại cái hồn quê” bằng tiếng đờn, tiếng ca. Ban đầu chỉ có vài cây đàn cũ kỹ, vài người biết ca, biết đờn. Sau rồi người dạy người, nhà góp nhà, tiếng đờn tài tử dần trở thành sợi dây kết nối cộng đồng. Cứ vào tối thứ Năm hằng tuần, trong căn nhà sinh hoạt cộng đồng đơn sơ bên bờ suối Ea Súp, nơi được chọn làm điểm sinh hoạt của CLB đờn ca tài tử lại rộn rã tiếng đàn, tiếng ca. Không sân khấu, không đèn màu, chỉ có ánh đèn dầu và lửa bếp, nhưng không khí nơi đây ấm cúng lạ thường.
Những bản vọng cổ như “Tình anh bán chiếu”, “Sương chiều miền biên giới”, “Tâm sự nàng xuân”... vang lên tha thiết, khiến người nghe rưng rưng như đang trở về giữa cánh đồng dừa mênh mông quê nhà. “Đờn ca tài tử với dân Nam Bộ tụi tui như cơm với cá. Không có nó là buồn lắm! Dù ở đâu, sống bằng gì, miễn được ca 6 câu “Dạ cổ hoài lang” là thấy lòng rưng rưng rồi. Giờ tụi tui chỉ mong mỗi cuối tuần lại được tụ về đây đàn ca, nói chuyện đất xưa người cũ, lòng cũng đỡ nhớ quê” - ông Tư Nhặn vừa lên dây cây đàn kìm, vừa thủng thẳng nói. Ông năm nay đã ngoài 70 tuổi, là người xứ dừa Bến Tre chính gốc. Cái giọng Nam Bộ đặc sệt theo ông suốt mấy chục năm sống giữa miền cao nắng gió này.
Tôi ngồi bên cạnh bà Võ Thị Nên, Phó Chủ nhiệm CLB đờn ca tài tử thôn 2, người phụ nữ tuổi gần 80, với mái tóc bạc trắng, đang ngân nga câu: “... Nhớ chiều nào quê em lũ lụt tràn bờ/Anh chống xuồng đến đón em về nhà mới...”. Giọng ca bà không còn dẻo dai như thời son trẻ, nhưng cái tình, cái chất của người hát thì chưa bao giờ vơi. Bà kể: “Hồi mới lên đây, toàn rừng với suối, đêm nhớ quê không ngủ được. Tôi ôm đứa con nhỏ ra bờ suối, vừa ru con, vừa ca “Dạ cổ hoài lang”, khóc không thành tiếng. Giờ có CLB, bà con tụ lại đàn ca, thấy đời vẫn còn nhiều điều đáng quý”.
Từ tiếng đờn đến hành trình kết nối biên giới
Xã Ia Rvê là một trong những xã biên giới khó khăn nhất tỉnh Đắk Lắk. Những người dân đi xây dựng kinh tế mới nơi đây không chỉ đối mặt với đói nghèo, rừng thiêng nước độc, mà còn phải gây dựng lại từ đầu mọi nếp sống, nếp văn hóa. Trong hành trình ấy, CLB đờn ca tài tử như một chốn nương tựa tinh thần, giúp bà con giữ được cái hồn quê, cái bản sắc giữa xứ lạ quê người. Anh Nguyễn Văn Được, thế hệ thứ hai sinh ra ở vùng đất này tâm sự: “Tôi lớn lên trong tiếng đờn kìm của cha, tiếng ca vọng cổ của mẹ. Dù sinh ra ở Tây Nguyên, nhưng chưa bao giờ tôi thấy mình xa quê. CLB không chỉ là nơi để hát, mà còn là nơi để nhắc nhau sống tử tế, sống gắn bó như hồi còn ở dưới quê”.
Đồn Biên phòng Ia Rvê vận động hỗ trợ giếng nước sạch cho người dân trên địa bàn đóng quân. Ảnh: Thủy Lê
Điều đặc biệt, CLB đờn ca tài tử Ia Rvê không chỉ có người Nam Bộ tham gia, mà còn có cả người Ê Đê, người Tày, người Mường. Họ không chỉ đến nghe, mà còn học ca, học đờn. “Tụi tui không hiểu hết lời ca, nhưng nghe thấy êm tai, thấy gần gũi. Có khi chỉ cần được ngồi nghe mấy cô chú ca một bài, là lòng đã thấy nhẹ tênh rồi” - Y Sút Niê, một thanh niên người Ê Đê chia sẻ.
Không chỉ là một không gian văn hóa dân gian, CLB đờn ca tài tử Ia Rvê còn tích cực đồng hành cùng các hoạt động của địa phương. Họ từng biểu diễn trong các đêm hội “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc”, “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản”, các buổi giao lưu văn nghệ với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia Rvê và các địa phương giáp biên giới. Trong những dịp ấy, tiếng đờn, tiếng ca tài tử lại vang lên giữa đất rừng biên giới, như lời nhắn gửi rằng: dù ở đâu, văn hóa cũng có thể là cầu nối giữ gìn sự bền chặt giữa các cộng đồng. Các cán bộ vận động quần chúng của Đồn Biên phòng Ia Rvê cũng xem CLB như một cánh tay nối dài của công tác dân vận. Cũng nhờ đó, BĐBP có thể gần gũi, gắn bó hơn với bà con, nhất là trong công tác tuyên truyền, vận động về bảo vệ chủ quyền, phòng chống tội phạm, giữ gìn an ninh biên giới. Văn nghệ dân gian chính là “liều thuốc mềm” hiệu quả nhất để lan tỏa những thông điệp cần tuyên truyền.
Trong một buổi ca kết thúc lúc trăng đã lên giữa ngọn tre, ông Tư Nhặn nâng cây đàn kìm lên, mắt hướng về phía biên giới xa xăm, gửi gắm tâm tình qua ca khúc “Hai quê hương một con người”. Tiếng đàn dứt mà dư âm còn đọng lại. Dư âm ấy không chỉ là tiếng đờn tài tử, mà là tiếng lòng của những con người đi xa quê, bám trụ ở một vùng đất đầy gian khó, để rồi bằng tình yêu văn hóa, họ giữ được hồn cốt cha ông.
Thủy Lê
Nguồn Biên Phòng : https://bienphong.com.vn/nghe-dieu-hoai-lang-tren-vung-bien-gioi-tay-nguyen-post492412.html