Nghề làm khô ở miền Tây tất bật vào vụ Tết

Nghề làm khô ở miền Tây tất bật vào vụ Tết
4 giờ trướcBài gốc
Về làng khô biển ngày giáp Tết
Hiện nay, tại các huyện ven biển của tỉnh Cà Mau như Phú Tân, Năm Căn, Đầm Dơi, Ngọc Hiển..., đang vào mùa khai thác, đánh bắt, thu hoạch thủy sản nên nguyên liệu đầu vào tại các cơ sở thu mua đủ đáp ứng cho nhu cầu thị trường.
Những ngày này, không khí làm việc rộn ràng, tất bật tại các cơ sở sản xuất tôm, cá khô. Người lao động làm việc rất hăng say, mỗi người một việc, người phân loại, người đánh vảy cá, người lột tôm, người xẻ... tất cả đều sẳn sàng để đón một mùa xuân đầm ấm, sum vầy.
Mặt hàng tôm sú xẻ lụi được người tiêu dùng săn đón.
Hợp tác xã Anh Thư, thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển là một cơ sở thu mua nhiều mặt hàng thủy sản tại địa phương. Các mặt hàng khô chủ lực của đơn vị gồm tôm khô, bánh phồng tôm, tôm tích, cá khoai, cá đù, cá sơn rim, cá cơm... Để chuẩn bị hàng hóa bán cho thị trường, cơ sở đã tích cực thu gom nguyên liệu từ ngư dân. Tại đây, hằng ngày, có nhiều lao động đến làm việc với tiền công 20.000 đồng/giờ/người. Trung bình, mỗi ngày người lao động được trả công từ hơn 200.000 đồng/người. Đây là khoản thu nhập cao đối với người lao động ở vùng quê xa xôi như huyện Ngọc Hiển.
Còn tại Làng khô biển ở thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải tỉnh Bạc Liêu những ngày này, không khí lao động nhộn nhịp hẳn lên. Làng khô biển ở đây được chia thành nhiều tầng nấc, từ những gia đình làm khô nhỏ lẻ kiểu truyền thống đến các cơ sở sản xuất quy mô.
Cá sau khi xẻ được mang đi phơi khô tại làng khô huyện Đông Hải, cótỉnh Bạc Liêu.
Sinh sống bằng nghề làm khô, bà Nguyễn Thị Lành ở ấp 3, thị trấn Gành Hào cho biết, khô được bán quanh năm nhưng tùy vào loại cá đánh bắt được mà mỗi mùa sẽ có những sản phẩm khô khác nhau. Tết là thời điểm mà lượng khô được sản xuất nhiều nhất vì nhu cầu của người tiêu dùng tăng mạnh.
Tết năm nay, bà Lành dự định sẽ sản xuất khoảng 1,5 - 2 tấn cá, chủ yếu là các mặt hàng quen thuộc nhưng rất được ưa chuộng dịp Tết như cá đuối, cá đù , cá khoai. “Hy vọng thời tiết sẽ nắng đẹp, khô đạt chất lượng tốt nhất để sớm có hàng cung ứng cho thị trường, bán được khá hơn”, bà Lành cho hay.
Bà Thanh Thủy - chủ cơ sở sản xuất khô Thanh Thủy cho biết, những ngày qua, trung bình cơ sở sản xuất trên 1 tấn khô các loại, còn chả tôm, chả giò. Đơn đặt hàng ngày càng nhiều, cơ sở phải tăng cường thêm nhân công và tăng công suất hoạt động mới có thể cung ứng đủ.
Sản phẩm tôm khô nguyên vỏ ở huyện Đông Hải được ưa chuộng trên thị trường.
“ Các loại khô sau khi sản xuất, bán ra các tỉnh lân cận như Sóc Trăng, Cà Mau, Bến Tre, Trà Vinh, Cần Thơ hay TP Hồ Chí Minh…” - bà Thủy chia sẻ.
Ông Hồ Thanh Tuấn – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đông Hải cho biết, với gần 40 cơ sở sản xuất, chế biến, mỗi năm, các cơ sở sản xuất khô ở thị trấn Gành Hào cung ứng cho thị trường từ 500 - 700 tấn các loại. Việc xây dựng thương hiệu OCOP không chỉ nâng cao giá trị mà còn giúp sản phẩm ngành khô biển ở Gành Hào ngày càng vươn xa.
Khô cá khoai, cá đù lên ngôi dịp Tết
Tại thị trấn Cái Đôi Vàm huyện Phú Tân với làng nghề cá khoai lớn và nổi tiếng nhất ở Cà Mau cũng đang tất bật làm việc mỗi ngày để kịp giao hàng dịp tết Nguyên đán 2025.
Thời tiết thuận lợi, cá Khoai phơi đủ nắng tầm 1-2 ngày là đạt yêu cầu.
Hiện tại, toàn thị trấn có hơn 100 doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh cá khô, tập trung nhiều nhất là ở khóm 3, 4, 5 và 6. Những ngày giáp Tết, trung bình mỗi một người làm khô thuê có thu nhập từ 200.000 - 400.000 đồng/ngày.
Cá khoai sau khi được đánh bắt từ biển về sẽ được nhân công bỏ ruột, rửa sạch, sau đó ướp đá qua đêm... trung bình khoảng 5-6kg cá tươi cho ra 1kg cá khô khoai thành phẩm.
Giàn phơi cá thường được dựng cao thành sào, làm bằng cây gỗ đước hoặc tre, trúc…
Bà Phạm Thị Hằng (ngụ khóm 4, thị trấn Cái Đôi Vàm) chia sẻ: "Tôi làm nghề phơi khô được hơn 2 năm nay, mỗi ngày thu nhập được hơn 300.000 đồng, cũng có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống gia đình. Cá khô thường được phơi từ 2-3 ngày để đảm bảo trữ được lâu, thơm ngon".
Hiện, trên địa bàn thị trấn có khoảng 10 cơ sở chuyên thu mua và làm khô loại cá đặc sản này. Giá cá khô khoai dao động ở mức 500.000 - 650.000 đồng/kg (tùy loại).
Người dân thường phơi cá dọc theo các tuyến lộ.
Chị Lý Anh Thư, Giám đốc hợp tác xã Anh Thư thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển cho biết, để chuẩn bị hàng tết, hợp tác xã đã chuẩn bị khoảng 6 tấn hàng các loại. “Nhu cầu tiêu dùng của thị trường năm nay tăng cao hơn năm trước. Lượng cá rim, cá khoai, cá đù được khách ưa chuộng nên sức mua tăng gấp 3 lần so với trước”.
Khô biển từ các làng ở các tỉnh miền Tây lâu nay đã hiện diện trong nhiều bữa ăn của gia đình, không chỉ vào dịp Tết Nguyên đán.
Khô biển từ các làng ở các tỉnh miền Tây lâu nay đã hiện diện trong nhiều bữa ăn của gia đình, không chỉ vào dịp Tết Nguyên đán.
Tự hào về nghề làm khô của quê hương, người dân làng cá khô biển luôn chú trọng làm ra những mặt hàng khô ngon, chất lượng. Chính từ cái nắng, cái gió của miền biển và sự mặn mòi của muối biển quê nhà đã làm nên thương hiệu khô biển miền Tây nức tiếng gần xa.
Nguyên Du
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/nghe-lam-kho-o-mien-tay-tat-bat-vao-vu-tet-10298196.html