Mong muốn làm việc tốt và duy trì mối quan hệ hòa thuận với đồng nghiệp là điều hoàn toàn chính đáng. Tuy nhiên, thực tế môi trường công sở phức tạp hơn nhiều. Ở bất kỳ đâu có lợi ích, ở đó sẽ có cạnh tranh và đấu tranh. Và trong cuộc đấu tranh đó, hình thức đáng khinh nhất chính là sự bắt nạt, chèn ép người khác. Những người có xu hướng bắt nạt thường nhắm vào những người có vẻ thật thà, ít phản kháng để chiếm đoạt lợi ích hoặc đơn giản là thỏa mãn cái tôi lệch lạc của mình.
Nhiều người khi bị đồng nghiệp bắt nạt thường chọn cách im lặng, nhẫn nhịn vì ngại hay làm mất hòa khí. Họ hy vọng sự nhượng bộ sẽ đổi lấy sự bình yên. Thế nhưng, đáng tiếc thay, hành động này thường chỉ khiến kẻ bắt nạt càng lấn tới, sự chèn ép ngày càng gia tăng. Cuối cùng, vì không chịu nổi áp lực, nhiều người đành ngậm ngùi chọn cách nghỉ việc, rời bỏ công việc mình đang làm tốt.
Tuy nhiên, đối mặt với sự bắt nạt, phản kháng là cần thiết. Đôi khi, chỉ cần một chiêu duy nhất cũng đủ để khiến kẻ bắt nạt phải chùn bước.
Cách ứng xử thông minh và hiệu quả để đối phó với đồng nghiệp bắt nạt là không tỏ ra yếu thế, không ngại va chạm. Ảnh: Weibo
Bắt nạt nảy sinh từ sự thiếu phản kháng
Bạn có bao giờ tự hỏi tại sao cùng là đồng nghiệp, có người họ không dám động đến, nhưng lại liên tục tìm cách bắt nạt bạn? Lý do rất đơn giản, kẻ bắt nạt thường "chọn đối tượng". Họ dò xét và lựa chọn mục tiêu. Nếu bạn tỏ ra khó động vào, có khí chất mạnh mẽ hoặc sẵn sàng đối đầu, họ sẽ phải dè chừng, thậm chí có khi còn phải lấy lòng bạn.
Ngược lại, nếu bạn luôn thể hiện sự thật thà, yếu thế và đặc biệt là không hề phản kháng trong những lần họ "thử" bạn, họ sẽ nhận ra bạn là "quả hồng mềm", dễ dàng nắn bóp, chèn ép.
Mối quan hệ giữa con người với con người thường tuân theo nguyên tắc "thế lực ngang nhau mới duy trì cân bằng". Khi khí chất và sự mạnh mẽ của hai bên tương đương, họ sẽ tôn trọng lẫn nhau. Nhưng khi một bên mạnh hơn hẳn và bên kia tỏ ra yếu thế, sự cân bằng sẽ bị phá vỡ và bên mạnh hơn có xu hướng lấn át bên yếu. Bạn có thể nghĩ rằng sự nhường nhịn của mình là thể hiện thiện chí, nhưng trong mắt kẻ bắt nạt, đó là dấu hiệu của sự yếu đuối và không dám phản kháng, một lời mời gọi rõ ràng để họ tiếp tục hành động.
Thiện chí chỉ có giá trị khi đi kèm năng lực tương đương
Việc mong muốn hòa thuận với mọi người và luôn thể hiện thiện chí là một đức tính tốt. Tuy nhiên, khi đặt trong bối cảnh bị bắt nạt, sự tốt bụng và thiện chí quá mức lại có thể trở thành điểm yếu. Kẻ bắt nạt nhận biết rằng bạn đang cố gắng giữ gìn mối quan hệ, ngại làm mọi chuyện trở nên căng thẳng, họ sẽ lợi dụng điều đó để tiếp tục chèn ép bạn cho đến khi bạn không chịu nổi và phải rời đi.
Thể hiện thiện chí là cần thiết, nhưng nó phải được xây dựng trên nền tảng của sự bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau. Giống như câu nói "chân lý nằm trong họng súng, phẩm giá nằm trên lưỡi kiếm", sự tôn trọng chỉ có được khi bạn thể hiện được thực lực và giới hạn của mình. Đừng bao giờ ảo tưởng rằng người khác sẽ đối xử tốt với bạn một cách vô cớ. Chỉ khi bạn có đủ thực lực, đủ khả năng tự bảo vệ mình, người khác mới thực sự tôn trọng bạn và không dám làm phiền bạn. Nếu không, tất cả những thiện chí và nhường nhịn của bạn sẽ chỉ bị coi là sự yếu đuối và trở thành lý do để họ tiếp tục bắt nạt.
Đừng ngại va chạm, hãy đặt giới hạn rõ ràng
Hãy khắc cốt ghi tâm rằng, sự bắt nạt của đồng nghiệp chỉ có sự khác biệt giữa một lần và vô số lần. Đừng bao giờ ngây thơ tin rằng chỉ cần bạn liên tục nhẫn nhịn, kẻ bắt nạt sẽ "hồi tâm chuyển ý" và dừng lại. Ngược lại, nếu bạn không phản kháng ngay từ lần đầu tiên, bạn đang bật đèn xanh cho vô số lần bị bắt nạt sau này.
Khi ai đó cố tình lợi dụng, chèn ép hay bắt nạt bạn, mối quan hệ tốt đẹp giữa hai bên thực tế đã không còn tồn tại. Dù bạn có cố gắng lấy lòng hay tỏ ra yếu thế, bạn cũng sẽ không bao giờ nhận được sự tôn trọng thật sự từ họ. Vậy thì, hà cớ gì phải tiếp tục chịu đựng và tự làm tổn thương mình?
Để chấm dứt tình trạng bị bắt nạt, bạn không được phép tỏ ra yếu thế hay cố gắng lấy lòng. Điều quan trọng nhất là phải thể hiện rõ ràng rằng bạn không phải là người dễ động vào và sẵn sàng va chạm nếu cần thiết. Hãy cho họ thấy bạn có giới hạn và bạn sẽ bảo vệ giới hạn đó. Dũng khí đối đầu và khả năng va chạm khi cần thiết chính là chiêu duy nhất đủ mạnh để khiến kẻ bắt nạt nhận ra bạn là "kẻ cứng cựa" và không dám làm phiền bạn nữa. Đặt ra giới hạn rõ ràng và kiên quyết bảo vệ nó là cách hiệu quả nhất để giành lại sự tôn trọng và bình yên trong môi trường làm việc.
Bích Hậu