Theo đó, trong thời gian thí điểm thực hiện Nghị quyết 171 thì các nhà đầu tư được phép “thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất” hoặc “đang có quyền sử dụng đất” đối với các loại “đất khác không phải là đất ở” bao gồm đất nông nghiệp, “đất phi nông nghiệp không phải là đất ở” phù hợp với quy hoạch để “thực hiện dự án nhà ở thương mại”, sẽ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho 343 khu đất của hơn 300 doanh nghiệp với tổng diện tích đất hơn 19,1 triệu m2 (tương đương 1.913ha).
Đây là những dự án đăng ký thực hiện “dự án thí điểm” theo Nghị quyết số 171 trên địa bàn TPHCM, mà trước đây các doanh nghiệp này đã “thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất” hoặc “đang có quyền sử dụng đất” đối với các loại “đất khác không phải là đất ở” theo đúng quy định của Luật Đất đai 2003 và Luật Đất đai 2013 cho phép
Tuy nhiên, kể từ ngày 1-7 do “vướng” quy định tại khoản 1 và khoản 4 Điều 23 Luật Nhà ở 2014 chỉ cho phép nhà đầu tư chỉ được “sử dụng diện tích đất ở thuộc quyền sử dụng hợp pháp” hoặc “nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở” để thực hiện dự án nhà ở thương mại nên các nhà đầu tư này không được phép tiếp tục triển khai, thực hiện dự án nhà ở thương mại trong hơn 10 năm qua và rơi vào hoàn cảnh rất khó khăn, bị chôn vốn, mất cơ hội kinh doanh, có nguy cơ phá sản.
Từ đó kéo theo hệ quả là thị trường BĐS thiếu nguồn cung dự án, thiếu nguồn cung nhà ở, giá nhà bị đẩy lên rất cao, “lệch pha” về phân khúc nhà ở cao cấp và rất thiếu nhà ở giá vừa túi tiền, nhà giá rẻ.
Ngoài ra, Nghị quyết số 171 và Nghị định 75 không chỉ tháo gỡ khó khăn và cho 343 dự án của TPHCM, mà theo thống kê kinh nghiệm thì TPHCM thường chiếm khoảng 25-30% cả nước nên có thể nội suy trong cả nước có thể có khoảng 900 dự án tương tự với quy mô sử dụng đất khoảng 5.000 ha sẽ được tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khi triển khai thực hiện Nghị quyết 171 và Nghị định 75 trong 5 năm tới.
Với 343 dự án nhà ở thương mại đăng ký thực hiện “dự án thí điểm” tại TPHCM có quy mô sử dụng đất 1.913ha, nếu bình quân mỗi dự án có 630 căn nhà thì sẽ có thêm 216.000 căn nhà cung ứng cho thị trường BĐS trong 3-10 năm tới. Nếu giả định đầu tư bình quân 1.000 tỷ đồng/ha thì tổng giá trị đầu tư lên đến khoảng 1,9 triệu tỷ đồng, tác động lan tỏa đến hơn 35 ngành kinh tế, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm ngàn người lao động, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước và khắc phục được tình trạng “lãng phí” đất đai.
Ước tính trong cả nước có thể sẽ có khoảng 900 dự án nhà ở thương mại đăng ký thực hiện “dự án thí điểm” với quy mô sử dụng đất vào khoảng 5.000ha, thị trường BĐS sẽ có thêm khoảng 650.000 căn nhà cung ứng cho thị trường trong 3-10 năm tới sẽ tạo ra tác động lớn hơn gấp 3 lần quy mô các dự án tại TPHCM. Từ đó có thể thu hút lượng vốn đầu tư lên đến khoảng 5 triệu tỷ đồng tạo ra tác động lan tỏa đến cả nền kinh tế, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên và từ năm 2026 trở đi thì tăng trưởng GDP phải đạt 2 con số từ 10% trở lên.
Trà Giang