Nghị quyết 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân, khẳng định vai trò thiết yếu của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là quan điểm mang tính đột phá về kinh tế tư nhân sau gần 40 năm đổi mới, song vẫn bảo đảm quan điểm nhất quán kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là một bộ phận cấu thành quan trọng.
Kinh tế tư nhân đóng góp 50% GDP, 30% ngân sách và góp phần giải quyết 82% việc làm. Kinh tế tư nhân góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh toàn diện, từ sản phẩm, dịch vụ đến doanh nghiệp, ngành, địa phương và quốc gia; đồng thời huy động nguồn lực và thúc đẩy thực hiện trách nhiệm xã hội. Tiềm năng phát triển kinh tế tư nhân rất lớn và những đóng góp của kinh tế tư nhân vẫn tiếp tục được phát huy mạnh mẽ, không giới hạn.
Tạo đột phá về đầu tư tư nhân
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng, giảng viên cao cấp tại Viện Thương mại và kinh tế quốc tế (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) cho biết, với Nghị quyết 68, đầu tư tư nhân sẽ được huy động ở mức tối đa. Các nguồn lực tư nhân được huy động cao nhất nếu được đối xử bình đẳng, tài sản tư nhân được bảo hộ chặt chẽ, bao gồm cả tài sản tài chính, vô hình và trí tuệ.
PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng, giảng viên cao cấp tại Viện Thương mại và kinh tế quốc tế (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân). Ảnh: NVCC
Ngoài ra, quyền kinh doanh được bảo hộ tối đa và khuyến khích phát triển theo hướng bền vững, lâu dài, hiệu quả. Đồng thời, quyền cạnh tranh được bảo đảm trên nguyên tắc công bằng, minh bạch giữa các thành phần kinh tế bao gồm bình đẳng trước pháp luật, bình đẳng trước cơ hội và bình đẳng về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm xã hội.
Theo PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng, những quy luật kinh doanh trong nền kinh tế thị trường được tôn trọng đầy đủ, môi trường kinh doanh minh bạch và tối giản hóa thủ tục hành chính tránh lãng phí thời gian, tiền bạc.
Nghị quyết 68 đặt ra mục tiêu sẽ thành lập mới 2 triệu doanh nghiệp tư nhân đến năm 2030 và 3 triệu doanh nghiệp tư nhân đến 2045. Nếu mỗi doanh nghiệp huy động ít nhất 1 tỷ đồng, nguồn đầu tư tư nhân sẽ tăng thêm 2 - 3 triệu tỷ đồng, bằng 25% GDP. Bên cạnh đó, còn có khoảng 5 triệu hộ kinh doanh cá thể và các cá nhân kinh doanh là lực lượng đóng góp không nhỏ vào đầu tư tư nhân.
“Nếu tốc độ tăng trưởng khu vực tư nhân đạt 10 - 12%, cao hơn mức tăng trưởng chung của nền kinh tế và năng suất lao động tăng 8 - 9%/năm, kinh tế tư nhân sẽ đóng vai trò hạt nhân phát triển về quy mô và thu hút nguồn lực. Nếu đến năm 2030, có ít nhất 20 doanh nghiệp tư nhân tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, sẽ phản ánh bước tiến vượt bậc về năng lực cạnh tranh và chất lượng doanh nghiệp tư nhân, không chỉ đơn thuần tăng về số lượng”, PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng nhấn mạnh.
PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng cho rằng, các nhà đầu tư nước ngoài và cả lực lượng người Việt ở nước ngoài sẽ đầu tư vào Việt Nam nhiều hơn. Điều này sẽ tạo ra "làn sóng" đầu tư tư nhân tăng vọt, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng ít nhất 8% năm 2025 và tăng trưởng 2 con số của các năm tiếp theo.
“Khả năng bứt phá mạnh mẽ của nền kinh tế để vượt qua bẫy thu nhập trung bình và khắc phục tình trạng cơ cấu dân số già từ năm 2036 là hoàn toàn khả thi. Điều này sẽ góp phần tăng sức hấp dẫn rất cao của kinh tế tư nhân, đưa kinh tế tư nhân trở thành lực lượng giữ vai trò trung tâm”, PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng giải thích.
Cũng theo PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng, kinh tế tư nhân sẽ tăng lòng tin của các tầng lớp nhân dân vào đường lối đổi mới, tăng sức hút nguồn lực, thậm chí có thể chuyển một phần kinh tế hợp tác sang kinh tế tư nhân.
Thay đổi vị thế của doanh nhân
PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng cho rằng, doanh nhân sẽ trở thành lực lượng đóng vai trò quan trọng nhất tương xứng với vai trò kinh tế tư nhân. Theo logic phát triển, nếu doanh nhân nắm vững các mạch máu kinh tế, công nghệ cốt lõi, đóng góp ngân sách đáng kể, đóng góp lớn vào GDP và giải quyết khoảng 86 - 90% việc làm toàn bộ nền kinh tế thì vị thế doanh nhân được nâng cao tương xứng với đóng góp thực tế.
Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia. Ảnh minh họa
Doanh nhân khu vực tư nhân cần có cơ hội tham gia vào hệ thống chính trị, được xét kết nạp Đảng, đảm nhiệm các vị trí quan trọng trong bộ máy lãnh đạo các cấp.
“Điều này sẽ tạo điều kiện để doanh nhân phấn đấu cho con đường phát triển bản thân và sự nghiệp cũng như thể hiện đổi mới tư duy. Ngoài ra, việc này cũng đòi hỏi sự mở rộng không gian phấn đấu, sự cởi mở và chủ động hơn từ hệ thống chính trị đối với đội ngũ doanh nhân. Họ thực sự là nguyên khí và đại diện cho tầng lớp sáng tạo giá trị, của cải và thịnh vượng đất nước”, PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng nhận định.
Mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam là chưa từng có tiền lệ, thể hiện tư duy sáng tạo lớn của Đảng, tạo được sự đồng thuận xã hội và bản lĩnh chính trị vững vàng. Mô hình này lấy sở hữu toàn dân làm nền tảng và bảo đảm sự đồng thuận xã hội cao nhất.
Sự phát triển kinh tế tư nhân thành công sẽ làm tăng sự thịnh vượng quốc gia, củng cố sở hữu tư nhân, làm tăng vị trí, vai trò then chốt và hạt nhân của sở hữu tư nhân. Đây là điều kiện củng cố sự bền vững của sở hữu toàn dân. Theo đó, trong mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, sở hữu tư nhân sẽ trở thành yếu tố then chốt.
Nghị quyết 68-NQ/TW nêu rõ, trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia, là lực lượng tiên phong thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng xanh, tuần hoàn, bền vững. Cùng với kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân giữ vai trò nòng cốt để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả, đưa đất nước thoát khỏi nguy cơ tụt hậu, vươn lên phát triển thịnh vượng.
Thanh Bình