Nghịch lý chi tiền tỷ để duy trì tuyến đường sắt bỏ hoang

Nghịch lý chi tiền tỷ để duy trì tuyến đường sắt bỏ hoang
7 giờ trướcBài gốc
Tuyến đường sắt Cầu Giát - Nghĩa Đàn có tổng chiều dài 30km được xây dựng năm 1966, bắt đầu từ ga Cầu Giát (xã Quỳnh Lưu), điểm cuối là ga Nghĩa Đàn (nay là phường Thái Hòa), toàn tuyến có 3 ga, chia 4 cung và 6 gác chắn. Tuyến đường sắt này được xây dựng là một phần quan trọng trong hệ thống giao thông đường sắt Việt Nam thời kỳ chiến tranh chống Mỹ.
Trong bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ, việc hình thành tuyến đường sắt Cầu Giát - Nghĩa Đàn được ví như huyết mạch thông thương giữa miền xuôi và miền ngược. Không chỉ phục vụ nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa giữa khu vực Tây Bắc với vùng đồng bằng của tỉnh Nghệ An mà còn đóng vai trò chiến lược trong việc cung cấp hậu cần cho chiến trường miền Nam. Với địa hình miền núi phức tạp và sự tấn công không ngừng từ kẻ địch, việc xây dựng và duy trì hoạt động của tuyến đường này là một kỳ tích của ngành đường sắt Việt Nam.
Tuyến đường sắt bỏ hoang suốt 13 năm nhưng vẫn phải chi tiền tỷ để duy trì hằng năm.
Thời “hoàng kim”, tuyến đường sắt Cầu Giát - Nghĩa Đàn là khoảng thời gian từ 1970 đến 1990, khi mỗi ngày duy trì từ 2 - 3 chuyến tàu chạy, ngành đường sắt phải huy động hàng trăm lao động làm việc tại các nhà ga, gác chắn, thông tin tín hiệu. Tuy nhiên, sau thập niên 90 của thế kỷ XX, khi tuyến quốc lộ 48A nối các tỉnh miền Tây Bắc Nghệ An với quốc lộ 1A được nâng cấp, mở rộng, người dân đã lựa chọn việc di chuyển bằng phương tiện ôtô thuận lợi và nhanh hơn đi tàu hỏa nên tuyến đường sắt này bắt đầu rơi vào cảnh đìu hiu, thưa vắng người qua lại.
Năm 2006, Công ty Đường sắt đành phải dừng hoạt động vận tải hành khách và đến năm 2012 thì việc vận chuyển hàng hóa cũng buộc phải ngừng hoạt động. Mặc dù không còn vận hành, song hằng năm nhà nước vẫn phải chi trả số tiền khoảng 1,4 tỷ đồng để trả lương cho khoảng 10 công nhân làm nhiệm vụ bảo trì, bảo vệ hành lang và trông coi tài sản tại các điểm ga Quỳnh Châu và Nghĩa Thuận.
Đại diện lãnh đạo Công ty CP Đường sắt Nghệ Tĩnh (đơn vị quản lý tuyến đường sắt này) cho biết, việc tuyến đường sắt Cầu Giát - Nghĩa Đàn tạm ngừng hoạt động là do yếu tố khách quan, khi hạ tầng giao thông phát triển, phương tiện và giá cước vận tải của các loại hình khác tiện lợi hơn, thấp hơn giá cước của đường sắt, trong khi tuyến đường sắt này chưa được đầu tư tương xứng. Trước đây, ngành đường sắt phải chi hơn 6 tỷ để duy trì dù không còn hoạt động, tuy nhiên sau này đã cắt giảm xuống còn khoảng 1,4 tỷ để trả lương cho công nhân và thực hiện việc kiểm tra, bảo vệ kết cấu hạ tầng, bảo vệ các công trình trên tuyến và bảo vệ chống lấn chiếm hành lang an toàn giao thông theo đúng yêu cầu kế hoạch.
Mặc dù vậy, vị lãnh đạo này cũng thừa nhận, sau nhiều năm không sử dụng, tuyến đường sắt này đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Phần lớn các thanh tà vẹt của đường ray đã bị mục nát, đinh ốc bị hoen gỉ nặng, cỏ dại mọc um tùm. Nhiều tuyến đường ngang được người dân đắp đất đá chồng lên đường ray để xe cộ qua lại dễ dàng hơn. Các nhà ga gần như bị bỏ hoang và đối mặt với việc bị xâm lấn thường xuyên từ phía người dân.
Tại Văn bản số 8227/UBND-NC ngày 20/10/2022 của UBND tỉnh Nghệ An báo cáo về hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường sắt tuyến Cầu Giát - Nghĩa Đàn cho biết: Tuyến đường sắt có tổng chiều dài 30km và ngừng hoạt động chạy tàu từ tháng 6/2012. Đến nay, tình trạng vi phạm kết cấu hạ tầng đường sắt, đất dành cho đường sắt, hành lang an toàn đường sắt trên tuyến đường xảy ra nghiêm trọng. Toàn tuyến có 217 điểm vi phạm, lấn chiếm hành lang đường sắt, trong đó huyện Quỳnh Lưu (cũ) 61 điểm và thị xã Thái Hòa (cũ) 156 điểm.
Năm 2022, Công ty CP Đường sắt Nghệ Tĩnh cũng đã có báo cáo thực trạng toàn tuyến đường sắt để gửi cho Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam. Qua khảo sát thực trạng cho thấy, toàn tuyến dài 30km có đến 42 đường cong và 26 đoạn có độ dốc lớn. Tà vẹt bê tông đã thay thế cho hầu hết tà vẹt gỗ trước đây nhưng trải qua thời gian dài không chạy tàu, không được duy tu bảo dưỡng nên tà vẹt đã bị rỉ, gãy, mất tác dụng. Nhiều đoạn, tà vẹt gỗ đã bị mục, bị vùi lấp dưới nền đất. Toàn tuyến có 12 bộ ghi thì tất cả đều trong tình trạng rất xấu, tà vẹt ghi đã mục nát, một số bộ ghi bị đất đá vùi lấp.
Trong số 7 cầu, trong đó có 2 cầu dầm thép và 5 cầu bê tông máng đá ba lát thì tất cả cũng đã bị hư hỏng, tà vẹt gỗ trên cầu hầu hết đã bị mục, nát. Ngoài ra, trên tuyến này có 17 đường ngang, trong đó có 6 đường ngang cần chắn và 11 đường ngang biển báo. Hiện tại nhà chắn và các thiết bị, vật tư tại các đường ngang đã xuống cấp, hư hỏng, một số đã được tháo dỡ.
Suốt 13 năm qua, mặc dù không còn hoạt động, tuyến đường sắt Cầu Giát - Nghĩa Đàn vẫn phải duy trì dưới dạng "di sản" bắt buộc. Các cơ quan quản lý đường sắt vẫn phải chịu trách nhiệm bảo vệ và duy trì một số cơ sở vật chất tối thiểu chỉ để duy trì cho việc có số liệu báo cáo hằng năm lên cấp trên. Trong các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân thị xã Thái Hòa (cũ) đã nhiều lần tỏ thái độ bức xúc, kiến nghị các cấp có thẩm quyền di dời nhà ga Nghĩa Đàn ra khỏi trung tâm thị xã do đã dừng hoạt động hơn 10 năm, gây ô nhiễm môi trường và lãng phí tài sản, đất đai.
Tuy nhiên, trả lời kiến nghị của cử tri, tháng 11/2024, Bộ GTVT (nay là Bộ Xây dựng) cho biết, theo Quyết định số 1769/QĐ-TTg ngày 19/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, tuyến đường sắt Cầu Giát - Nghĩa Đàn vẫn tiếp tục được duy trì, hoạt động để đáp ứng nhu cầu vận tải trong tương lai. Trong thời gian tới, Bộ Giao thông vận tải sẽ chỉ đạo Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và các cơ quan liên quan rà soát, nghiên cứu, đánh giá về nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa bằng đường sắt để xem xét, quyết định việc nâng cấp, cải tạo tuyến đường sắt Cầu Giát - Nghĩa Đàn nhằm khôi phục hoạt động chạy tàu.
Vấn đề này, theo tìm hiểu của phóng viên, liên quan đến việc khôi phục lại hoạt động của tuyến đường sắt Cầu Giát - Nghĩa Đàn, trước đây UBND thị xã Thái Hòa (cũ) đã có rất nhiều văn bản kiến nghị đến cơ quan quản lý tuyến đường sắt về việc nếu tiếp tục sử dụng thì phải thực hiện một số điều chỉnh. Cụ thể, theo địa phương này, tại Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thị xã Thái Hòa được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt vào năm 2019 thì ga đường sắt Nghĩa Đàn được quy hoạch về phía Đông thị xã (gần đường Hồ Chí Minh).
Ngoài ra, khu vực phía Đông thị xã Thái Hòa hiện đã có nhà ga Nghĩa Thuận với diện tích hơn 16.000m2, do đó đề nghị đến cơ quan chức năng làm rõ việc có tiếp tục sử dụng nhà ga này nữa hay không, nếu không sử dụng thì dự kiến sẽ bố trí nhà ga mới tại vị trí nào, quy mô diện tích bao nhiêu để thị xã có cơ sở bố trí vị trí, quỹ đất vào đồ án quy hoạch phân khu cho phù hợp.
Dù đã gửi nhiều kiến nghị song địa phương sở tại vẫn không nhận được câu trả lời dứt điểm từ ngành đường sắt dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai các quy hoạch cũng như đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trên địa bàn.
Thiên Thảo
Nguồn CAND : https://cand.com.vn/giao-thong/nghich-ly-chi-tien-ty-de-duy-tri-tuyen-duong-sat-bo-hoang-i773941/