Ảnh minh họa.
Tại hội thảo “Thực tiễn áp dụng chính sách thuế bất động sản ở các nước và kiến nghị cho Việt Nam” do Viện Chiến lược và Chính sách tài chính phối hợp với Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) tổ chức ngày 29/10, các chuyên gia nhận định thuế bất động sản không phải là vấn đề mới. Đối với nhiều quốc gia trên thế giới, loại thuế này có vai trò quan trọng.
ĐƯỢC ÁP DỤNG Ở NHIỀU QUỐC GIA
Theo TS. Lê Thị Thùy Vân, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính, thuế bất động sản là một trong những loại thuế xuất hiện sớm và được sử dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới. Thuế bất động sản góp phần bổ sung cùng một số loại thuế khác trong việc tái phân phối của cải xã hội, giảm bớt chênh lệch về bất động sản giữa các cá nhân, các tầng lớp dân cư, động viên hợp lý sự đóng góp của chủ sở hữu nhà, đất… Thuế bất động sản áp dụng ở các nước nhằm đảm bảo công bằng xã hội, công khai, minh bạch và tăng cường quản lý việc sử dụng bất động sản, thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản.
Hiện nay, cải cách thuế bất động sản là nội dung quan trọng trong lộ trình cải cách thuế ở nhiều quốc gia để thích ứng với những điều kiện thay đổi của kinh tế - xã hội, cùng tiến trình thay đổi phân cấp ngân sách trong nhiều thập kỷ. Trong quá trình cải cách thuế bất động sản, các nước cũng xác định rõ mục tiêu liên quan đến vấn đề quản lý thị trường bất động sản; khắc phục vướng mắc phát sinh từ những quy định hiện hành; tạo lập nguồn thu bền vững cho ngân sách nhà nước.
Nội dung chính của thuế bất động sản được các quốc gia chú trọng sửa đổi, bổ sung tập trung vào đối tượng chịu thuế, giá tính thuế, thuế suất… Tuy nhiên, khi thực hiện điều chỉnh thuế bất động sản, các quốc gia đều có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá trên nhiều khía cạnh để phù hợp với bối cảnh, điều kiện kinh tế - xã hội của từng giai đoạn.
Tại Việt Nam, hệ thống chính sách thuế đối với sử dụng đất tại Việt Nam bao gồm thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế sử dụng đất nông nghiệp. Cơ bản, chính sách thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và đất nông nghiệp đã góp phần tăng cường quản lý nhà nước đối với đất đai. Song trên thực tế, do sự biến động nhanh của kinh tế, chính trị thế giới nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng mà chính sách thuế sử dụng đất còn một số hạn chế như: chưa bao quát được nguồn thu, mức động viên còn thấp....
Cũng chia sẻ tại hội thảo, ông Trần Kim Chung, nguyên Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nhận định Việt Nam vẫn còn những thách thức về đồng bộ hóa hệ thống thể chế thị trường bất động sản; huy động nguồn lực; đẩy nhanh quy trình thủ tục; tạo lập công cụ tài chính bất động sản mới… là vấn đề cần đặt ra cho Việt Nam trong thời gian tới.
MỞ RỘNG THÊM MỘT SỐ KHOẢN THU
Khuyến nghị giải pháp hướng đến chính sách thu đối với bất động sản minh bạch và công bằng, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, cho rằng việc xây dựng chính sách điều tiết có thể mở rộng thêm cơ sở thuế một số khoản thu mới như thu trên giá trị sở hữu tài sản là bất động sản… Tuy nhiên, cần nghiên cứu kỹ để phù hợp với văn hóa, phong tục tập quán của người Việt Nam khi liên quan đến bất động sản thừa kế, cho tặng. Đồng thời phải đánh giá tác động của việc đưa ra chính sách mới trên khía cạnh khả thi, tác động đến thị trường, tác động đến thu ngân sách nhà nước.
Theo ông Lê Xuân Trường, Trưởng khoa Thuế - Hải quan, Học viện Tài chính, đất đai là điều kiện thiết yếu cho sự tồn tại và phát triển của xã hội loài người và là nguồn lực to lớn để phát triển sản xuất, kinh doanh. Việc quản lý để đảm bảo sử dụng có hiệu quả nguồn lực đất đai là đòi hỏi tất yếu, nhằm xây dựng và phát triển đất nước.
Thực tế cho thấy chính sách thuế bất động sản tác động trực tiếp đến lợi ích kinh tế của các chủ thể trong nền kinh tế. Đồng thời có mối quan hệ chặt chẽ và là trung tâm của các chính sách về đất đai. Yếu tố cốt yếu của chính sách thuế bất động sản là phải xác định đúng cơ cấu và nguồn gốc tạo ra giá trị của đất đai và tài sản gắn với đất đai để có cách thức điều tiết công bằng đối với những chủ thể có liên quan đến quá trình quản lý, sử dụng đất đai, nhằm bảo vệ lợi ích của nhà nước và đảm bảo lợi ích chính đáng của tổ chức, cá nhân trong đầu tư, quản lý, sử dụng đất đai.
“Ở nhiều quốc gia, thuế bất động sản tuy không chiếm tỷ trọng lớn trong ngân sách nhà nước nói chung nhưng lại là một nguồn thu đáng kể của chính quyền địa phương. Việt Nam đang tiếp tục cải cách hệ thống thuế trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Trong đó, việc nghiên cứu hoàn thiện chính sách thuế bất động sản ở Việt Nam sẽ hữu ích hơn khi dựa trên nền tảng cơ sở lý luận vững chắc, tức là những quy luật có tính khái quát cao trên thông lệ quốc tế”, ông Trường nhận định.
Thanh Xuân