Nghiên cứu mở rộng đối tượng được tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp

Nghiên cứu mở rộng đối tượng được tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp
2 giờ trướcBài gốc
Quang cảnh thảo luận tại Tổ 10. Ảnh: Hồ Long
Cần “cởi trói” hơn nữa
Dự thảo luật đã sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 2 Điều 17 Luật hiện hành như sau: “b) Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, trừ viên chức làm việc tại cơ sở giáo dục đại học công lập được tham gia quản lý, điều hành nghiệp do cơ sở đó thành lập hoặc tham gia thành lập để thương mại hóa kết quả nghiên cứu do cơ sở đó tạo ra.
Trường hợp viên chức là người lao động thì phải được sự đồng ý của người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học công lập; trường hợp viên chức quản lý là người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học công lập thì phải được sự đồng ý của cấp trên quản lý trực tiếp”.
Như vậy, dự thảo luật lần này đã “cho phép” viên chức làm việc tại cơ sở giáo dục đại học công lập “được tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp do cơ sở đó thành lập hoặc tham gia thành lập để thương mại hóa kết quả nghiên cứu do cơ sở đó tạo ra” và “được quyền góp vốn vào doanh nghiệp do cơ sở đó thành lập hoặc tham gia thành lập để thương mại hóa kết quả nghiên cứu do cơ sở đó tạo ra” nhằm động viên, khuyến khích viên chức tại các cơ sở này nghiên cứu và đưa kết quả vào ứng dụng thực tiễn.
Tuy nhiên, ĐBQH Dương Khắc Mai (Đắk Nông) cho rằng, nếu chỉ cởi trói cho “viên chức làm việc tại cơ sở giáo dục đại học công lập” thì cũng còn “bó hẹp” đối tượng.
ĐBQH Dương Khắc Mai (Đắk Nông) phát biểu. Ảnh: Hồ Long
Vì thực tế, còn nhiều viện nghiên cứu công lập, cơ sở giáo dục công lập khác ngoài đại học mà ở đó viên chức cũng có thể nghiên cứu và đưa vào ứng dụng hiệu quả trong đời sống xã hội.
Đồng thời, trong Nghị quyết 57-NQ/TW cũng quy định “có cơ chế cho phép và khuyến khích các tổ chức nghiên cứu, nhà khoa học thành lập và tham gia điều hành doanh nghiệp dựa trên kết quả nghiên cứu”, nghĩa là cũng không bó hẹp đối tượng.
Do đó, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị, cần “cởi trói” hơn nữa, mở rộng đối tượng “được phép” để “đưa thể chế thành một lợi thế cạnh tranh trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” nhằm đạt được mục tiêu mà Nghị quyết 57-NQ/TW đề ra.
Cùng quan điểm, ĐBQH Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình) nhấn mạnh, trong thực tế, cơ sở giáo dục nghề nghiệp rất cần thành lập doanh nghiệp vì nghiên cứu sáng tạo khoa học công nghệ không phân biệt đối tượng. Do đó, không chỉ quy định mỗi cơ sở giáo đại học được thực hiện mà cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng phải được tham gia.
“Trong bối cảnh cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện tự chủ lại càng cần thiết thành lập các doanh nghiệp trong đơn vị để thương mại hóa kết quả nghiên cứu và là một nguồn thu thêm của cơ sở...”.
Nhấn mạnh như vậy, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung đề nghị, dự thảo luật cần nghiên cứu tiếp thu và sửa đổi quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 17 theo hướng: “Cán bộ công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ công chức, viên chức trừ viên chức làm việc tại cơ sở giáo dục đại học công lập, cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập được tham gia quản lý điều hành do cơ sở đó thành lập hoặc tham gia thành lập để thương mại hóa kết quả nghiên cứu do cơ sở đó tạo ra. Trường hợp viên chức là người lao động phải được sự đồng ý của người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học công lập, cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập. Trường hợp viên chức quản lý là người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học công lập, cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập phải được sự đồng ý của cấp trên quản lý trực tiếp”.
Sử dụng thống nhất khái niệm “chấm dứt tồn tại”
Về khái niệm “giấy tờ pháp lý của cá nhân”, điểm c khoản 1 Điều 1 dự thảo luật đang sử dụng cụm từ “giấy tờ chứng thực cá nhân hợp pháp khác”. Tuy nhiên, theo ĐBQH Lê Đào An Xuân (Phú Yên), cụm từ này còn chưa rõ về mặt nội dung, chưa được làm rõ trong các văn bản pháp luật liên quan.
Để bảo đảm thống nhất trong áp dụng, đại biểu đề nghị chỉnh sửa thành “giấy tờ, tài liệu chứng minh nhân thân” để phù hợp với cách tiếp cận tại Bộ luật Dân sự, Luật Hộ tịch và Nghị định 62/2021/NĐ-CP, đồng thời tạo thuận lợi cho việc tiếp nhận và xử lý hồ sơ của doanh nghiệp.
ĐBQH Lê Đào An Xuân (Phú Yên) phát biểu. Ảnh: Hồ Long
Đối với các quy định về “chủ sở hữu hưởng lợi” và “cá nhân có quyền chi phối doanh nghiệp” (điểm d khoản 1 Điều 1 của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung khoản 37 của Điều 4 Luật Doanh nghiệp hiện hành), đại biểu Lê Đào An Xuân kiến nghị cần lượng hóa rõ các tiêu chí, chẳng hạn như quyền quyết định về tài chính, nhân sự chủ chốt hoặc chiến lược hoạt động. "Những quy định này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tăng cường minh bạch sở hữu, phù hợp với yêu cầu phòng, chống rửa tiền và các thông lệ quốc tế".
Liên quan đến khái niệm “chấm dứt hoạt động” và “chấm dứt tồn tại”, đại biểu Lê Đào An Xuân nhận thấy, hiện vẫn còn sự thiếu thống nhất trong cách hiểu và áp dụng.
Với một số doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp FDI, có thể ngừng hoạt động dự án đầu tư nhưng chưa mất tư cách pháp nhân. Vì vậy, để bảo đảm đồng bộ trong hệ thống pháp luật, đại biểu kiến nghị sử dụng thống nhất khái niệm “chấm dứt tồn tại”.
Minh Trang
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/nghien-cuu-mo-rong-doi-tuong-duoc-tham-gia-quan-ly-dieu-hanh-doanh-nghiep-10372003.html