Nhưng, với nữ nhà văn đặc biệt này, trước đó vài năm, tôi đã được nghe những tác phẩm của chị. Cái đài cassette 2 loa, 2 cửa băng bố tôi mua lại của người em trong thị trấn Xuân Mai đã cho tôi những cung bậc cảm xúc khác nhau, sống những cuộc đời khác nhau từ chương trình đọc truyện đêm khuya.
Dạo ấy, nhà đài phát khá nhiều truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư. Trước khi truyện được phát, biên tập viên thường có đôi lời về tác giả, tác phẩm. Bản “lý lịch” của Nguyễn Ngọc Tư tôi ghim được như thế này: Tư tuổi Bính Thìn - 1976 (một lần trò chuyện với tôi, nhà văn “bật mí” tuổi thực của chị là Đinh Tỵ - 1977); sinh ở Bạc Liêu nhưng sớm về Cà Mau ở với ông ngoại. Chị phải nghỉ học giữa chừng vì điều kiện gia đình khó khăn. Sau này, khi đã tập tành viết lách, chị vào làm việc cho một tạp chí văn nghệ của tỉnh. Vừa làm, vừa sáng tác và học hết chương trình phổ thông...
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư.
Bản “lý lịch” trên sở dĩ găm luôn vào tôi vì tôi có một chị gái duy nhất sinh năm 1976 và chị cũng phải nghỉ học khi vào bậc trung học phổ thông do gia đình không lo nổi cho chị. Khi tôi trượt đại học, từng trải qua một số việc vất vả mưu sinh, đã có lúc tôi nghĩ đến cuộc “vượt thoát” lên hoàn cảnh của Nguyễn Ngọc Tư. Và, nghĩ đến chị tôi, nhất định tôi sẽ phải học lên cao nữa, học cho tôi và cả cho chị. Tôi nung nấu ý nghĩ ấy, dù lúc đó tôi loay hoay, tự ti, chán chường, khi lại hừng hực, tràn trề hy vọng...
Trở lại những truyện ngắn thuở ban đầu của Tư mà tôi nghe được. Miền sông nước chằng chịt với những “cánh đồng bất tận” ấy, những con người thuần hậu ấy và cả những lục bình, đước, bần,... đã cho tôi một cuộc viễn du, vừa hết sức gần gụi, thân quen, vừa xa xôi, thăm thẳm. Cho đến tận bây giờ, chưa một lần đặt chân đến miền đất của Tư nhưng mỗi khi nhớ về nó, hoặc gặp xứ sở đó trong tác phẩm của chị, lại cho tôi dạt dào cảm xúc.
Y như một cơn gió từ ngoài sông thổi vào khu vườn tĩnh lặng, làm những chồi non đang thiếp ngủ chợt bừng thức. Những cơn gió xứ đồng bưng ấy hẳn là đã luôn tràn tới, đằm thấm vào tâm hồn thanh nữ của Tư, từ đó miên mải trên những trang văn của chị thời điểm khởi nguyên cho đến khi chín đằm, rực rỡ với thật nhiều trạng huống khác nhau. Gió rong ruổi, gió thổi, gió tràn, gió nổi bão... dày đặc trong các tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư.
Gió là “đặc sản”, là “chỉ dấu” địa lý, văn hóa của vùng đất tận cùng đất nước. Gió góp nên cái “phông nền” để con người, những nhân vật của Tư hay là chính Tư được biểu tỏ sự hiện sinh của mình trong không gian sinh tồn, không gian văn hóa,... Gió không chỉ đan cài trong cảm xúc, diễn tiến câu chuyện, mà ở nhiều truyện ngắn/tản văn/tùy bút, gió đứng ngay tên tác phẩm, hoặc là được gọi tên đúng nó - một thực thể tự nhiên (“Trở gió”, “Của nước và gió”), hoặc là gắn với nó một không gian, thời gian (“Gió bụi lưng đèo”, “Gió thổi suốt đêm”), hoặc là chất chứa tâm trạng (“Gió lẻ”, “Hiu hiu gió bấc”, “Gió mùa thao thức”), hoặc là nó liên gợi đến một thế giới khác đang hiện tồn (“Mộ gió”, “Gió qua cõi tạm”).
Trong tùy bút “Trở gió”, nhà văn đặc sắc của vùng đất Nam bộ viết như thế này: “Tôi thường hình dung, một mai mình đi xa, xa lắm, xa cả những mùa gió, hoặc đọc, hoặc ai đó nhắc chỉ gỏn lọn hai từ “gió chướng”, ngay lập tức tôi sẽ chết giấc trong nỗi nhớ quê nhà”. Chỉ vậy thôi cũng đủ thấy nhà văn yêu những ngọn gió, yêu xứ sở biết nhường nào.
Bìa cuốn “Ngày mai của những ngày mai” của Nguyễn Ngọc Tư.
Có thể nói, gió thực sự đã là một phần không thể thiếu trong sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư, nó là ánh xạ của tự nhiên vào tâm hồn chị, làm nên hồn vía văn chương chị. Và, chính Tư và văn chương của Tư đã trở thành một ngọn gió mới, khác lạ, bền bỉ thổi trên cánh đồng văn chương Việt.
Một dạo, tôi nghe ý kiến của một nhà văn đàn anh cho rằng: Tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư chỉ xoay quanh nỗi khổ thứ năm trong 8 nỗi khổ của con người theo quan niệm Phật giáo, đó là “ái biệt ly khổ”. Ý kiến này không hẳn là không có lý, bởi theo dõi giai đoạn đầu sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư dễ nhận thấy câu chuyện trong tác phẩm của chị chủ yếu là những mối tình ngang trái, yêu nhau mà phải chia lìa; gia đình ly tán, cha mất con, vợ mất chồng, anh em thất lạc,...
Các truyện ngắn trong hai tập “Ngọn đèn không tắt”, “Cánh đồng bất tận”,... tái hiện khá rõ những trái ngang, những nỗi khổ ly biệt, như: “Chuyện của Điệp”, “Ngổn ngang”, “Duyên phận so le”, “Cải ơi”, “Nhớ sông”, “Cuối mùa nhan sắc”,... Cốt truyện, tình tiết của những câu chuyện này độc giả có thể từng gặp trong một số tác phẩm của các nhà văn Nam bộ trước Nguyễn Ngọc Tư hay trong những vở cải lương cho đến giữa thập niên 90 của thế kỷ trước vẫn rất thịnh hành.
“Cánh đồng bất tận” là truyện ngắn “ngoại hạng” so với các tác phẩm trước đó của Tư, cả về dung lượng câu chữ lẫn những vấn đề mà nó chuyển tải. Dường như, Tư đã hiện thực, “đời” hơn, róng riết hơn khi viết về phận người, phản ánh chân thực, trần trụi về cái khắc nghiệt của tự nhiên, nghiệt ngã của xã hội phủ trùm lên một gia đình nghèo với 4 thành viên (khi đủ, khi thiếu). Những vết thương sâu, lòng thù hận,... đã làm cho bức tranh hiện thực ở một vùng đất phơi lên màu xám bạc, tăm tối và có phần man rợ.
Đời có u ám, đau đớn đến vậy không? Sẽ nhiều người đặt ra câu hỏi và nghi ngờ người viết. Nhưng, tôi tin với người từng có nhiều trải nghiệm ở vùng sâu, vùng xa, biên giới - những nơi văn minh luôn chậm đến... thì còn nhiều những mảnh đời ngang trái mà báo chí, văn học chưa nói hết được. Vụ “án văn” mang tên “Cánh đồng bất tận” có thể nhiều người còn chưa quên, tôi tin là Tư cũng chưa quên, nhưng tôi đồ rằng, mỗi khi nhớ đến, hoặc nghe ai đó nhắc, Tư chỉ buông một câu đại loại: “Ủa, sao kì zdậy ta!” và nở một nụ cười (hẳn là nhiều ẩn ý) rồi tỉnh queo nét mặt.
Gần đây tôi ít đọc Tư mà chuyển qua “nghe” Tư, tức là theo dõi một số kênh đọc tác phẩm của chị. Ngoài truyện ngắn, tôi rất thích những tùy bút, tản/tạp văn thể hiện sự quan sát cuộc sống rất tinh, sắc, vừa sâu vừa rộng của Tư. Những điều ấy được chị kể với giọng văn thật gần gũi, mộc mạc và hẳn nhiên rồi, rất duyên, quyến dụ.
Có những bài nghe, tôi lại phải lần mò trên các trang mạng để đọc cho... thấm hơn. Khi đọc, tôi thấy như đang ở bên một người chị, người bạn để nghe chị/bạn ấy tâm tình về sông nước, ruộng đồng, cây trái, xóm làng, những người quê,... Cái giọng thì thủ thỉ, chậm rãi với những phương ngữ ngọt mềm nhưng đôi lúc bất thình lình chêm vào mấy câu bông lơn sắc hơn... dao rồi lại cười hiền “tui vô tội”.
Tôi thích tạp văn “Người đi chợ” của chị. Vỏn vẹn hơn tám trăm chữ nhưng đã phơi hết những bán mua trong cuộc đời mà thời kim tiền lên ngôi, mọi thứ đều có thể đổi trao bằng tiền hoặc rất nhiều tiền: “Sống trong tâm thế của một kẻ đi chợ, và cả nước là một cái chợ khổng lồ, hàng họ đa dạng đến mức mua gì cũng có, kể cả mua thần bán thánh, chức tước, trinh tiết, thận người... chúng ta bớt bỡ ngỡ đi. Giống như câu mà trẻ con hay đùa, “trước còn mắc cỡ, giờ đỡ nhiều rồi”. Người ta có thể mua dặm dài bờ biển để làm khu nghỉ dưỡng, mua một vùng đất để khai khoáng, mua cả dòng sông làm thủy điện, thậm chí, biết đâu còn mua lại được mạng sống từ cái án tử hình...”.
Với tạp văn “Biết sống”, sau khi đọc/nghe tác phẩm, nhiều độc giả và chính tôi đã/sẽ phải hỏi lại mình: Vậy, thực sự ta đã biết sống chưa? Những ngày tháng qua ta đã sống như thế nào, sống vì điều gì, ta đã sống vì ta - chủ nhân của một cuộc đời, một lần duy nhất được sống hay vì những viển vông, phù phiếm? Trả lời những câu hỏi ấy, ta sẽ biết lựa chọn một cách sống và dần tiến tới sự tỉnh thức.
Cách đây đã lâu, tôi thấy Nguyễn Ngọc Tư trong một đám đông. Nhưng, tôi không đến gần chị, vì lúc đó chị được nhiều người vây quanh, chị lại đang có vẻ vội vàng. Một dạo, có hai người bạn nhờ tôi liên hệ với chị và tôi bắt máy, gọi cho nữ văn sĩ. Thật bất ngờ, trong một tin nhắn sau đó, chị gọi đúng “biệt danh” mà nhà văn Tống Phước Bảo vui đùa gắn cho tôi trong một bài viết. Mọi người bảo Tư là một trong số ít nhà văn Việt Nam không chịu dùng mạng xã hội. Nhưng, tôi đồ rằng, bằng cách nào đó, Tư vẫn biết trên mạng xã hội, anh chị em bạn viết đang khóc cười, nhảy múa, đu đưa ra sao... Và, thi thoảng chị lại nở một nụ cười kiểu “tui hỏng biết đâu”.
Nguyễn Phú