Bộ GDĐT đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Thông tư ban hành Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT. Dự thảo được Bộ GDĐT đăng tải công khai tại Cổng thông tin điện tử của Bộ. Thời gian lấy ý kiến góp ý đến ngày 18/12/2024.
Như vậy, khoảng cách thời gian giữa phương án thi mới được “chốt” với kỳ thi vào 10 tại các địa phương chính thức diễn ra không nhiều.
Trong khi đó, những năm trở lại đây, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 ngày càng trở nên nặng nề, áp lực với học sinh và phụ huynh. Đặc biệt, năm 2025 là năm đầu tiên kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 có nhiều đổi mới. Tuy nhiên, tới thời điểm này, học sinh, phụ huynh vẫn đang thấp thỏm chờ Bộ GDĐT lấy ý kiến dự thảo.
Theo dự thảo, quy chế quy định chung việc thực hiện 3 môn thi, gồm: Toán, Ngữ văn và 1 môn thi thứ 3 hoặc bài thi tổ hợp do Sở GDĐT, cơ sở giáo dục đại học có trường THPT lựa chọn và được công bố trước ngày 31/3 hằng năm.
Học sinh dự thi vào lớp 10 THPT công lập tại Hà Nội năm học 2024-2025.
Về phương án này, em Nguyễn Phương Chi, học sinh lớp 9, Trường THCS Thanh Trì (Hà Nội) cho hay, em rất lo lắng về môn thi thứ 3, nếu địa phương lựa chọn bài thi tổ hợp thì kỳ thi sẽ khó hơn rất nhiều. “Trong khi chờ đợi phương án thi mới, em và các bạn đang dồn sức học và ôn tập đều các môn để không bị động”, Chi cho biết.
Việc thi 3 môn hay 4 môn luôn là chủ đề nóng trong nhiều năm trở lại đây trước khi kỳ thi vào lớp 10 tại Hà Nội diễn ra. Thế nên, việc lựa chọn môn thứ 3 như quy định tại dự thảo sẽ thế nào đang là câu hỏi đặt ra. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu phương án thi được thông qua thì năm nào học sinh, phụ huynh cũng phải nơm nớp lo sợ không khác gì so với việc chờ đợi môn thi thứ 4 của những năm trước.
Con gái lớn của chị Nguyễn Thu Hương (quận Hoàng Mai, Hà Nội) năm ngoái vừa trải qua kỳ thi vào lớp 10 thì năm nay con gái thứ 2 của chị cũng đang chuẩn bị cho cuộc đua “khốc liệt” này. Chị Hương cho biết, kỳ thi vào lớp 10 nhiều năm nay vô cùng áp lực nhưng năm tới còn áp lực, căng thẳng hơn vì đây là năm đầu tiên, học sinh lớp 9 thi tuyển sinh lớp 10 theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
“Quy định mới dự kiến sẽ thay đổi môn thi thứ 3 hằng năm. Năm nào cũng phải mong ngóng số lượng môn thi vào lớp 10 hay chờ đợi sở GDĐT lựa chọn môn thi sẽ khiến giáo viên và học sinh khó ổn định tâm lý trong việc dạy và học . Tôi mong Bộ GDĐT sớm công bố phương án thi để các con yên tâm ôn tập, chuẩn bị tốt nhất có cuộc đua sắp tới”, chị Hương nói.
Nên sớm công bố môn thi thứ 3 và có tính ổn định để giảm áp lực cho học sinh là ý kiến của nhiều giáo viên và chuyên gia. Theo TS. Hoàng Ngọc Vinh – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GDĐT) cho rằng, việc môn thi thứ 3 vào lớp 10 thay đổi hàng năm là không cần thiết, gây thêm những áp lực không đáng có cho cả phụ huynh và học sinh. Thay vào đó, các môn thi tuyển sinh vào lớp 10 nên xác định rõ ràng, minh bạch và có sự ổn định trong nhiều năm.
GS.TSKH Nguyễn Mậu Bành – Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam cũng đồng tình với quan điểm trên và cho rằng cần chú ý tới tính ổn định của kỳ thi. Như vậy, tâm lý và cách dạy và học của giáo viên và học sinh sẽ ổn định, không phải thấp thỏm chờ đợi công bố môn thi thứ 3 mỗi năm.
Trao đổi với PV, PGS.TS Trần Thành Nam – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội đánh giá, phương án lựa chọn môn thi thứ 3 vào lớp 10 là phù hợp. Tuy nhiên, việc lựa chọn như thế nào cũng cần phải thực hiện nhất quán và cân nhắc.
“Nếu cách thức lựa chọn, thời điểm tiến hành không phù hợp thì sẽ tạo ra dư luận hoang mang, tiêu cực. Thời điểm công bố môn thi thứ 3 như dự kiến có đủ cho học sinh chuẩn bị tâm thế bước vào kỳ thi một cách thoải mái hay không? Hay tới lúc đó các trường mới lên kế hoạch ôn tập cấp tốc cho học sinh môn học đó? Ở đây cơ bản nhất là làm cách nào giảm tải cho người học và quan trọng hơn là làm thế nào để quá trình học tập của các em không bị thiên lệch, chạy đua về thành tích”, PGS.TS Trần Thành Nam nêu quan điểm.
Nguyễn Hoài