Người Cơ Tu làm du lịch ở Đà Nẵng

Người Cơ Tu làm du lịch ở Đà Nẵng
2 giờ trướcBài gốc
Nhà Gươl của đồng bào dân tộc Cơ Tu tại thôn Tà Lang và Giàn Bí được nâng cấp, sửa chữa trở thành nơi sinh hoạt của người Cơ Tu tại xã Hòa Bắc. Ảnh: Minh Ngọc
Đồng bào ở phố
Phía Tây Đà Nẵng, nơi có những thôn làng đồng bào Cơ Tu như Tà Lang, Giàn Bí (xã Hòa Bắc) và Phú Túc (xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang) hiện có khoảng 1.500 người bao đời nay vẫn sống hồn nhiên, chân chất. Người Cơ Tu ở Đà Nẵng đang ngày càng khá giả với cuộc sống văn minh hơn nhờ làm du lịch cộng đồng từ bản sắc văn hóa.
Theo già làng ALăng Mỹ (64 tuổi, trú tại thôn Tà Lang, xã Hòa Bắc), hiện nay, đồng bào Cơ Tu ở Hòa Bắc đã biết làm du lịch để phát triển kinh tế. Nơi đây thu hút du khách với vẻ đẹp hoang sơ và khí hậu mát mẻ. Dưới mái nhà Gươl, cả một nền văn hóa dân tộc Cơ Tu lâu đời còn được bảo tồn gìn giữ, ẩm thực Cơ Tu với những ống cơm lam, ché rượu cần, xiên thịt nướng, cùng điệu múa tung tung da dá âm vang tiếng cồng chiêng.
Thời gian qua, bên cạnh việc đầu tư nâng cấp, cải tạo 3 nhà Gươl thôn với tổng kinh phí 2,4 tỷ đồng, chính quyền huyện Hòa Vang còn tổ chức cho người dân địa phương tham quan, nghiên cứu thực tế cách thức làm du lịch ở các làng du lịch cộng đồng Cơ Tu vùng cao; phục dựng các lễ hội “Ăn thề kết nghĩa”, “Mừng lúa mới”; tập huấn, khôi phục nghề nấu rượu cần, điêu khắc tượng gỗ và các kỹ năng cần thiết gắn với phát triển du lịch, góp phần nâng cao đời sống đồng bào Cơ Tu.
Các nghề thủ công như dệt thổ cẩm, đan lát và làm ra các sản phẩm bán kèm theo như: khăn thổ cẩm, chè dây, mật ong rừng, ớt sim rừng... được nhiều du khách mua về làm quà. Chị Zơ Râm Thị Tin, thành viên Tổ liên kết dệt thổ cẩm chia sẻ, được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, chị em phụ nữ ở 2 thôn Tà Lang và Giàn Bí tham gia khôi phục nghề dệt truyền thống. Hiện nay, Tổ liên kết dệt thổ cẩm của bà con thôn Tà Lang và Giàn Bí có khoảng 30 thành viên với quy mô hoạt động theo hộ gia đình, thu nhập trung bình 3,5 - 4 triệu đồng/người/tháng.
Điều quan trọng nhất là chính quyền địa phương cùng đồng bào Cơ Tu nơi đây đã xây dựng được một ý thức và phong cách làm du lịch cộng đồng cho chính người dân bản địa, giúp họ có thể hưởng lợi từ du lịch dựa trên thế mạnh và tiềm năng sẵn có ở địa phương. Anh Alăng Như, Tổ trưởng Tổ hợp tác du lịch cộng đồng thôn Tà Lang - Giàn Bí chia sẻ: “Tổ hợp tác đã tổ chức các tuyến du lịch trải nghiệm trong ngày và khôi phục một số nghề truyền thống như đan lát, dệt thổ cẩm, điêu khắc hình tượng gỗ để du khách được tìm hiểu, trải nghiệm nét văn hóa truyền thống. Các dịch vụ ẩm thực, văn nghệ, trekking, homestay... được đầu tư bài bản để đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng, từ đó tạo thêm thu nhập cho người dân địa phương”.
Khi mô hình du lịch homestay ra đời, đồng bào Cơ Tu ở 2 thôn Tà Lang và Giàn Bí thành lập Tổ hợp tác du lịch cộng đồng với 45 thành viên, do ông Đinh Văn Như làm Tổ trưởng. Trong tổ có các nhóm ngành nghề như dệt thổ cẩm, đan lát, ẩm thực, cồng chiêng. Các homestay mở ra tại xã Hòa Bắc đã thu hút một lượng lớn khách du lịch đã góp phần giải quyết công ăn việc làm cho một lực lượng lao động trực tiếp tại homestay và nhiều công việc khác cho các lao động gián tiếp. Khi hoạt động du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng phát triển, các dịch vụ kéo theo nhiều dịch vụ khác phát triển như: ăn uống, thuyết minh, hướng dẫn viên du lịch, dịch vụ vận chuyển... cũng đã giải quyết vấn đề lao động cho nhiều người.
Đến nay, trên địa bàn thôn đã có nhiều hộ mạnh dạn vay vốn, đầu tư xây dựng các mô hình homestay làm nơi lưu trú cho khách du lịch, như hộ gia đình chị Zơ Zâm Thị Hồng, hộ ông Trương Sông Tề. Xã Hòa Bắc có 5 điểm du lịch sinh thái, 16 điểm du lịch cộng đồng, lưu trú. Xã Hòa Phú có Khu du lịch sinh thái Suối Hoa, Làng du lịch cộng đồng Toom Sara... Mỗi điểm tạo việc làm cho 5-10 lao động, với thu nhập trung bình 6 triệu đồng/người/tháng.
Giữ bản sắc đồng bào
Những năm qua, Đà Nẵng đã có những chủ trương, chính sách cụ thể nhằm đẩy mạnh, huy động mọi nguồn lực cho bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc thiểu số trên địa bàn. Nhiều chương trình, kế hoạch về phát triển văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số đã được ban hành. Đề án bảo tồn và phát huy văn hóa đồng bào dân tộc Cơ Tu giai đoạn 2022-2030 được UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt, với kinh phí hơn 31,3 tỷ đồng.
Người Cơ Tu ở Đà Nẵng vẫn lưu giữ được các điệu múa với các nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình. Ảnh: Minh Ngọc
Theo đề án, đến năm 2030, 100% thiết chế văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu được bảo tồn và hoạt động hiệu quả; 100% lễ hội truyền thống tốt đẹp của đồng bào Cơ Tu được phục dựng, lưu giữ; phục hồi và phát triển nghề dệt thổ cẩm; 100% nghệ nhân là đồng bào dân tộc Cơ Tu được hỗ trợ trong việc trao truyền, đào tạo những người kế cận. Đề án được thực hiện ở 3 xã Hòa Bắc, Hòa Phú và Hòa Ninh, nhằm bảo tồn văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số, tạo động lực phát triển văn hóa gắn với du lịch, xóa đói giảm nghèo; xây dựng đời sống văn hóa, môi trường lành mạnh; đẩy lùi những tập tục lạc hậu, tệ nạn xã hội vùng dân tộc thiểu số; làm đa dạng đời sống văn hóa; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Hằng năm, đồng bào Cơ Tu nơi đây đều tổ chức lễ hội. Địa điểm được tổ chức luân phiên giữa 3 thôn: Tà Lang, Giàn Bí và Phú Túc. Các nghệ nhân lớn tuổi như già Nhơi hay già làng A Lăng Cần ở thôn Phú Túc rất bận rộn với việc biểu diễn hay giới thiệu mục đích, ý nghĩa và cách sử dụng từng loại nhạc cụ. Qua những dịp như thế này, lớp trẻ trong làng hiểu thêm những nét đẹp trong văn hóa của đồng bào Cơ Tu. Người Cơ Tu ở đây có nhiều may mắn hơn người anh em mình ở vùng cao Đông Giang hay Tây Quang (Quảng Nam). Bây giờ, họ là công dân thành phố và nhiều người gọi đó là phố làng. Đồng bào Cơ Tu nơi phố làng dù chịu nhiều thách thức về bảo tồn văn hóa và phát triển kinh tế, nhưng vẫn là đóa hoa đẹp trong bản đồ văn hóa của thành phố Đà Nẵng.
Ông Nguyễn Thúc Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang nhìn nhận: “Những kết quả có được trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào Cơ Tu thực sự là động lực phát triển văn hóa gắn với du lịch, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa, môi trường lành mạnh và tiến bộ, đẩy lùi những tập tục lạc hậu và tệ nạn xã hội vùng dân tộc trên địa bàn huyện Hòa Vang. Để đáp ứng nhu cầu phát triển văn hóa của con người Hòa Vang phù hợp với phát triển đô thị, huyện Hòa Vang đã xây dựng đề án "Xây dựng đời sống văn hóa Hòa Vang đến năm 2025 và những năm tiếp theo", từ đó, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp gắn với xây dựng, hình thành các giá trị mới, có bản sắc riêng của văn hóa và con người nơi đây”.
Minh Ngọc
Nguồn Biên Phòng : https://bienphong.com.vn/nguoi-co-tu-lam-du-lich-o-da-nang-post482145.html