Các chương trình thí điểm của Google cho thấy người lao động có thể tiết kiệm trung bình 122 giờ mỗi năm bằng cách sử dụng AI vào các công việc hành chính. Ảnh: Getty
AI giúp người lao động Anh tiết kiệm 122 giờ mỗi năm
Một báo cáo vừa công bố của Google cho thấy trí tuệ nhân tạo (AI) không chỉ là công cụ hỗ trợ công việc, mà còn là yếu tố then chốt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, với điều kiện người lao động được tiếp cận và đào tạo phù hợp.
Theo Google, Vương quốc Anh có thể hưởng lợi tới 400 tỷ bảng Anh (tương đương 533 tỷ USD) từ AI nếu lực lượng lao động được đào tạo bài bản.
Các chương trình thí điểm tại Anh cho thấy AI có thể giúp người lao động tiết kiệm trung bình hơn 120 giờ mỗi năm khi sử dụng trong các công việc hành chính.
Báo cáo nhấn mạnh rằng chỉ với những bước đơn giản như cho phép nhân viên sử dụng AI và tổ chức một vài giờ đào tạo ban đầu, tỷ lệ áp dụng công nghệ có thể tăng gấp đôi, từ đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Gã khổng lồ công nghệ Hoa Kỳ, nhà phát triển chatbot AI Gemini, cho biết theo phân tích từ Public First, 2/3 số người lao động, đặc biệt là phụ nữ lớn tuổi và những người có hoàn cảnh kinh tế xã hội thấp chưa từng sử dụng AI tạo sinh trong công việc.
Chia sẻ với CNN, bà Debbie Weinstein, Chủ tịch Google khu vực Châu Âu, Trung Đông và Châu Phi cho biết: các chương trình thí điểm "AI Works" được triển khai tại các doanh nghiệp nhỏ, tổ chức giáo dục và liên đoàn lao động đã mang lại kết quả tích cực, với mức tiết kiệm thời gian trung bình 122 giờ mỗi năm nhờ áp dụng AI.
Tuy nhiên, một rào cản lớn khiến nhiều người e ngại là lo ngại về tính hợp pháp và công bằng trong việc sử dụng AI tại nơi làm việc. “Nhiều người chỉ đơn giản muốn được xác nhận rằng họ được phép sử dụng AI,” bà Weinstein nói.
Sau khi được đào tạo chỉ trong vài giờ, người lao động thể hiện mức độ tự tin cao hơn và tăng gấp đôi tần suất sử dụng AI, đồng thời duy trì thói quen này trong nhiều tháng tiếp theo.
Báo cáo cũng ghi nhận những chuyển biến rõ rệt về mức độ tiếp cận AI ở các nhóm lao động từng bị bỏ lại phía sau. Trong nhóm phụ nữ trên 55 tuổi, tỷ lệ sử dụng AI hàng ngày tăng từ 9% lên 29% chỉ sau ba tháng đào tạo.
Tiềm lực tại Việt Nam
Sự phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo trên toàn cầu mang lại cơ hội lớn để các quốc gia tăng trưởng kinh tế và nâng cao năng suất lao động.
Đặc biệt, Việt Nam, với lực lượng lao động dồi dào và năng động, đang đứng trước những cơ hội lớn để tận dụng sức mạnh của AI.
Theo thông tin từ Tổng cục Thống kê Việt Nam, trong năm 2024, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước đạt 53,0 triệu người, với tỷ lệ tham gia lực lượng lao động lên đến 68,9%. Đây là một nguồn lực quan trọng để thúc đẩy các ứng dụng AI trong việc chuyển đổi số và cải thiện năng suất lao động.
Với tiềm năng này, Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030. Mục tiêu của chiến lược là đưa Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo tại khu vực ASEAN và trên thế giới, đồng thời phát triển các giải pháp AI mạnh mẽ phục vụ cho các ngành công nghiệp chủ chốt.
Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, tính đến 2024, Việt Nam đã có hơn 270 startup AI, với các lĩnh vực chính như thương mại điện tử, chăm sóc sức khỏe và giáo dục. Đồng thời, chính phủ đặt mục tiêu đào tạo 5.000 chuyên gia AI và hỗ trợ 500 startup AI đến năm 2030.
Theo báo cáo của McKinsey năm 2024, 65% lao động toàn cầu đã sử dụng AI tạo sinh. Tại Việt Nam, 74% doanh nghiệp đã áp dụng chiến lược số (cao hơn mức trung bình 63% khu vực châu Á – Thái Bình Dương, theo CPA Australia), và gần 80% trong số đó đã dùng AI trong 12 tháng qua.
Đặc biệt, theo một nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), AI có thể đóng góp thêm 12% vào GDP của Việt Nam vào năm 2030, nếu được phát triển và ứng dụng đúng cách.
Tuy nhiên, dù có nhiều cơ hội, Việt Nam cũng đối mặt với không ít thách thức trong việc triển khai AI rộng rãi. Thách thức lớn nhất là đào tạo và nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động, đặc biệt là ở khu vực nông thôn và trong các ngành nghề truyền thống.
Việc triển khai AI cần sự đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng công nghệ, nghiên cứu và phát triển, cũng như các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ và các tổ chức quốc tế.
Với chiến lược đào tạo hợp lý, sự đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ và các sáng kiến hỗ trợ từ Chính phủ, Việt Nam hoàn toàn có thể tận dụng tiềm năng của AI để thúc đẩy phát triển kinh tế, không chỉ trong ngắn hạn mà còn tạo nền tảng vững chắc cho một nền kinh tế số bền vững trong tương lai.
NGHIÊM THANH