Người lao động 'thấp thỏm' đợi thưởng Tết

Người lao động 'thấp thỏm' đợi thưởng Tết
2 ngày trướcBài gốc
Dù nhiều khó khăn, vẫn đảm bảo lương thưởng Tết
Theo Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, mức thưởng Tết ở hầu hết các ngành nghề đều tương đương hoặc cao hơn năm trước. Những ngành có thưởng Tết cao gồm điện tử, công nghệ thông tin, chế biến thực phẩm, phát triển phần mềm và thương mại.
Tại Hà Nội, theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, mức lương bình quân năm 2024 có xu hướng tăng đều. Trong các công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, mức lương bình quân đạt 7,5 triệu đồng/người/tháng, cao nhất 25,2 triệu đồng và thấp nhất 5,1 triệu đồng. Đối với DN FDI, lương bình quân là 7,9 triệu đồng, cao nhất lên đến 147 triệu đồng và thấp nhất là 4,96 triệu đồng/người/tháng.
Dù gặp nhiều khó khăn, các DN vẫn nỗ lực đảm bảo lương thưởng Tết cho người lao động như một cách thể hiện trách nhiệm và sự quan tâm đến đời sống nhân viên.
Ông Nguyễn Thuyết Minh - Giám đốc Công ty CP truyền thông và phát triển công nghệ Minh Đạt chia sẻ: "Người lao động luôn mong đợi Tết để được nghỉ ngơi, đoàn tụ gia đình sau một năm làm việc căng thẳng. Hiểu được điều đó, ngoài thưởng Tết theo quy định, chúng tôi còn tổ chức tiệc cuối năm, bốc thăm trúng thưởng, thưởng nóng theo dự án để khuyến khích nhân viên".
Công nhân ở Quảng Ngãi vui mừng nhận tivi từ công ty tặng dịp Tết này
Anh Nguyễn Văn Hùng, công nhân Khu công nghiệp Đình Vũ (Hải Phòng), dự định dùng tiền thưởng Tết mua tivi và đồ dùng học tập cho con gái. “Dù năm nay đơn hàng giảm nhưng công ty vẫn đảm bảo thưởng bằng 50% lương tháng, giúp tôi yên tâm chuẩn bị một cái Tết đủ đầy”, anh Hùng cho biết.
Tương tự, chị Đỗ Thúy, cán bộ Ngân hàng Xây dựng cho biết, chính sách lương thưởng Tết giúp chị và các đồng nghiệp cảm nhận được sự quan tâm, ghi nhận từ lãnh đạo, tạo động lực để phấn đấu và gắn bó lâu dài. Tuy nhiên, chị cũng thẳng thắn cho biết: “Do đặc thù công việc, chúng tôi không có thưởng cố định mà chỉ nhận tháng lương thứ 13 và các khoản quyết toán quỹ tiền lương. Điều này phụ thuộc vào quỹ tiền lương còn lại của các phòng ban".
Nhảy việc sau Tết
Nguyễn Thái Anh, một Gen Z hiện đang làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin tại Hà Nội cho biết, dù môi trường làm việc không phù hợp, anh vẫn chờ nhận thưởng Tết trước khi tìm kiếm cơ hội mới. “sau Tết là thời điểm dễ tìm hơn, tôi sẽ lựa một môi trường tốt hơn để phát triển bản thân”.
TS. Hồng Duyên - CEO Công ty CP Học viện HR nhận định, cuối năm là thời điểm nhiều nhân sự, đặc biệt là các nhân sự trẻ thuộc thế hệ Gen Z và Millennials, cân nhắc nhảy việc do ưu tiên phát triển cá nhân và môi trường làm việc hấp dẫn.
Theo Bộ luật Lao động 2019, thưởng Tết không phải là quy định bắt buộc, mà phụ thuộc vào quy chế nội bộ và thỏa thuận giữa DN và người lao động. Tuy vậy, đây vẫn là yếu tố quan trọng giúp giữ chân nhân tài và tăng cường sự gắn kết trong nội bộ doanh nghiệp.
TS. Hồng Duyên nhấn mạnh rằng chính sách thưởng hợp lý không chỉ mang ý nghĩa tài chính mà còn thể hiện sự công nhận và trân trọng nỗ lực của nhân viên. “Một chính sách thưởng hợp lý giúp DN tăng cường sự gắn kết, giữ chân nhân tài và tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường nhân sự".
Bà Duyên cũng cho rằng, bên cạnh lương thưởng, các DN cần kết hợp giá trị phi tài chính như cơ hội phát triển, ghi nhận cá nhân và những trải nghiệm tích cực để tạo sức hút bền vững.
Dù tình trạng "nhảy việc" sau Tết vẫn tồn tại, tỷ lệ này đã giảm do khó khăn kinh tế khiến người lao động ưu tiên sự ổn định. Đồng thời, nhiều DN đã chú trọng cải thiện phúc lợi, tổ chức các hoạt động ý nghĩa như lì xì, quay số may mắn, và tặng quà đầu năm, qua đó giúp tăng sự hài lòng và gắn bó của nhân viên.
Ka Mi
Nguồn DNSG : https://doanhnhansaigon.vn/nguoi-lao-dong-thap-thom-doi-thuong-tet-315465.html