Lễ hội Iun Jông được lưu truyền từ đời này sang đời khác, kết nối các bon, làng, các gia đình lại với nhau trong không khí đoàn kết, sẻ chia. Đây là dịp để 2 bon kết nghĩa cùng nhau tổ chức lễ hội, trao tặng cho nhau những sản vật sau mùa thu hoạch.
Ngày lễ chính thức diễn ra vào tháng 1 hoặc tháng 2 dương lịch, thời điểm mùa khô, thuận lợi cho việc đánh bắt cá ở các sông, suối.
Khi lễ hội bắt đầu, lời khấn thiêng liêng của già làng vang vọng giữa núi rừng Tây Nguyên, gửi lời nguyện cầu đến Giàng cho bon, làng được no ấm, con cháu khỏe mạnh, mùa màng bội thu, đàn gia súc sinh sôi, dân làng sống hòa thuận, giúp đỡ nhau cùng phát triển.
Lễ hội thường được tổ chức 2 năm một lần, quy mô lớn nhỏ tùy điều kiện của bon, làng. Để tổ chức lễ hội, hai bon phải chuẩn bị trước cả năm. Già làng của bon khách đến đặt vấn đề với bon chủ, rồi về thông báo cho bà con cùng nuôi gà, heo, ủ rượu cần để chuẩn bị lễ vật. Khi đến ngày giao hẹn, các già làng lại gặp nhau để thống nhất thời gian tổ chức cụ thể, phân công công việc cho từng gia đình.
Những con cá tươi được xiên thành xâu dài, bốn thanh niên khỏe mạnh khiêng đi đầu, theo sau là già làng và hai đội chiêng vừa đi vừa tấu nhạc rộn ràng. Đến nhà bon chủ, những câu hát đối đáp ngân vang mở đầu cho nghi thức giao nhận cá.
Ngay từ sáng sớm, người dân bon khách đã tề tựu đông đủ tại nhà già làng, chuẩn bị các vật dụng đánh bắt cá. Theo tục lệ, thanh niên trai gái sẽ cùng nhau ra suối đánh bắt cá, một phần nghi lễ quan trọng của lễ hội. Trước khi lên đường, già làng cắt tiết gà, rưới rượu cần, cầu thần sông, thần suối ban cho chuyến đi đầy ắp cá, tôm. Dưới dòng nước cạn mùa nắng, những đôi tay khéo léo đắp bờ, tát nước, bắt từng con cá đưa vào giỏ, trong tiếng chiêng cổ vũ rộn rã vang vọng từ bờ suối.
Khi cá đã đầy giỏ, bà con trở về trong niềm hân hoan, tiến hành lễ mừng cá. Già làng dùng máu gà bôi lên trán người trong bon như lời chúc may mắn. Những con cá tươi ngon được xiên thành hai xâu dài, do bốn thanh niên khỏe mạnh khiêng đi đầu đoàn rước, tiếp sau là đội chiêng và đông đảo người dân đi bộ sang bon chủ.
Khi câu hát hợp ý, bon chủ mở cửa đón khách.
Đến nơi, các chàng trai, cô gái hai bon cất lên những điệu hát đối đáp. Khi câu hát hợp ý, bon chủ mở cửa đón khách. Mọi người được mời uống rượu cần bằng những ống lồ ô nhỏ đã chuẩn bị từ trước. Sau đó, già làng bon chủ làm lễ tiếp nhận cá, dâng gà, rượu cúng Giàng, gửi lời cầu chúc cho hai bon gắn bó keo sơn, chia sẻ với nhau từng nguồn nước, con cá, con heo.
Hai bon trao nhau sản vật thu hoạch sau một năm lao động, thể hiện sự sẻ chia, gắn kết giữa hai cộng đồng.
Khi màn đêm buông xuống, lễ rước kết thúc cũng là lúc đêm hội bắt đầu. Trong ánh lửa bập bùng, tiếng cồng chiêng ngân vang, nam thanh nữ tú quây quần múa hát thâu đêm. Các cụ già ngồi bên ché rượu cần, vừa nhâm nhi vừa cất lời hát ru, kể chuyện nguồn cội cho lớp trẻ. Cả bon làng như hòa làm một, xóa tan khoảng cách, kết nối qua từng câu hát, điệu chiêng.
Các thôn, bon kết nghĩa sôi nổi tranh tài trong phần thi nhảy bao bố.
Sáng hôm sau, phần hội diễn ra tưng bừng với những trò chơi dân gian: kéo co, ném vòng, thi nhảy bao bố… Ngoài sân, các chị em thi nấu cơm lam, thịt nướng, canh thụt.
Các chị em phụ nữ dân tộc Mạ tất bật tham gia phần thi nấu cơm lam, canh thụt và thịt nướng, những món ăn truyền thống không thể thiếu trong lễ hội Iun Jông.
Kết thúc lễ hội, bon chủ làm thịt một con heo chia đều cho hai bon như món quà chia sẻ niềm vui và may mắn. Người dân ai nấy ra về trong niềm vui hân hoan, dư âm ngày hội vẫn còn đọng lại, trở thành ký ức đẹp, tiếp thêm động lực cho mùa lao động mới.
Lễ hội Iun Jông lưu giữ bản sắc văn hóa và là nơi thắt chặt nghĩa tình cộng đồng giữa bon làng, gìn giữ tinh thần đoàn kết, sẻ chia của người Mạ qua bao thế hệ.
Nguyễn Nam