Chị Thạch Thị The với sản phẩm khô cá tra.
Toàn tỉnh có 21 cơ sở sản xuất cá khô các loại được đăng ký và Chi cục Thủy sản - Quản lý chất lượng (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh) cấp phép, với sản lượng 162,19 tấn khô/năm và 13 cơ sở sản xuất tôm khô, sản lượng 22,52 tấn/năm; các cơ sở sản xuất tập trung nhiều ở huyện Duyên Hải, Trà Cú và Cầu Ngang.
Ghi nhận tại làng cá khô của thị trấn Định An và xã Định An, huyện Trà Cú trong những ngày giáp Tết; nhìn chung, các cơ sở và hộ gia đình có làm nghề chế biến cá khô như mực, cá lù đù 01 nắng, cá mối, cá thu, cá chỉ vàng, cá đuối, tép khô… đang khẩn trương chuẩn bị nguồn nguyên liệu đầu vào cũng như đầu tư các phương tiện, dụng cụ chế biến, xử lý và giàn phơi.
Anh Nguyễn Quốc An, hộ chuyên kinh doanh và chế biến khô cá các loại ở Khóm 3, thị trấn Định An chia sẻ: do năm nay nguồn liệu cá đánh bắt ngoài biển vào cảng giảm, từ đó, người chế biến khô ở đây cũng gặp khó. Đối với cơ sở chủ yếu làm khô cá lù đù, khô mực, cá chỉ vàng 01 nắng. Trung bình, cơ sở cung ứng ra thị trường khoảng 10 tấn khô cá các loại/năm; riêng sản phẩm Tết chiếm khoảng 30%. Bên cạnh nguyên liệu cá làm khô giảm khoảng 30% và chi phí nhân công cũng tăng 50.000 đồng/ngày, từ 250.000 đồng lên 300.000 đồng/ngày. Trong khi đó, tình hình tiêu thụ cá khô dịp Tết năm nay cũng có khuynh hướng giảm và giá cung cấp cho khách hàng và các đại lý bán sỉ có tăng giá lên khoảng 15%, vì vậy việc làm khô cá ở đây chủ yếu lấy công nhà làm lời.
Chị Thạch Thị The, chủ cơ sở sản xuất tôm, cá khô Thành The, ấp Bến Tranh, xã Định An cho biết: cơ sở đi vào hoạt động hơn 08 năm, các sản phẩm khô của cơ sở ngoài bán thị trường nội địa còn được các khách hàng định cư ở nước ngoài đặt mua qua online. Hàng năm, nguồn nguyên liệu đầu vào (tôm, cá các loại) được cơ sở mua trực tiếp từ các ghe đánh bắt hải sản cập cảng cá Định An, huyện Trà Cú từ 25 - 30 tấn; trong đó, có các mặt hàng được cơ sở sản xuất, cung ứng ra thị trường như khô cá lù đù, cá lưỡi trâu 01 nắng; khô cá tra, cá lóc và tôm khô biển…
Theo thống kê trên địa bàn huyện Trà Cú, trong năm 2024 có 06 cơ sở sản xuất khô cá các loại, đạt sản lượng 83,6 tấn/năm và hàng chục hộ gia đình có tham gia sản xuất khô cá mang tính nhỏ lẻ, đạt sản lượng 150 -200kg/tháng; các cơ sở và hộ làm khô cá tập trung nhiều ở thị trấn Định An, xã Đại An và Định An. Nguồn nguyên liệu làm khô chủ yếu được lấy từ các ghe đánh bắt hải sản cập cảng cá Định An; riêng nguồn khô cá lóc được cung ứng từ các hộ nuôi cá tại địa phương.
Cũng theo chủ cơ sở tôm, cá khô Thành The, để sản phẩm được khách hàng tín nhiệm, trước tiên phải đảm bảo nguyên liệu đầu vào an toàn, cá tươi cùng với quy trình chế biến đảm bảo theo đúng hướng dẫn, quy định của ngành chuyên môn; không sử dụng các loại hóa chất trong quá trình sản xuất. Trong năm 2025, cơ sở đang tập trung xây dựng sản phẩm khô cá lưỡi trâu và cá lù đù để đăng ký OCOP.
Với sản phẩm tôm xẻ ướp gia vị của hộ kinh doanh Nguyễn Thị Trúc Phương (ấp Khúc Ngay, xã Hiệp Mỹ Đông) được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao (năm 2023), năm 2024, tiếp tục có thêm 02 sản phẩm được UBND huyện công nhận OCOP 3 sao là tôm sấy muối ớt ăn liền và tôm sấy sa tế ăn liền đã góp phần đáng kể trong việc gia tăng giá trị từ con tôm sú nuôi ở các xã vùng ven biển của huyện Cầu Ngang.
Theo chị Nguyễn Thị Trúc Phương, những tháng cuối năm 2024, giá tôm sú tăng khá cao so với thời điểm giữa năm 2024, từ 140.000 đồng/kg lên 185.000 - 190.000 đồng/kg, đây cũng là khó khăn cho các hộ, cơ sở làm khô. Riêng gia đình sản xuất tôm khô cũng gặp khó về giá bán (tăng khoảng 30% so với đầu năm 2024); hiện bình quân gia đình sản xuất và cung ứng tôm khô các loại khoảng 100 - 150kg/tháng (tương đương 0,7 - 01 tấn tôm tươi/tháng).
Bài, ảnh: HỮU HUỆ