Nguy cơ dòng tiền 'chạy' khỏi ngân hàng nếu đánh thuế thu nhập cá nhân từ lãi tiền gửi tiết kiệm

Nguy cơ dòng tiền 'chạy' khỏi ngân hàng nếu đánh thuế thu nhập cá nhân từ lãi tiền gửi tiết kiệm
2 ngày trướcBài gốc
Góp ý dự thảo đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) của Bộ Tài chính, Ủy ban nhân dân Thành phố Cần Thơ đề xuất mở rộng thuế thu nhập cá nhân với lãi tiền tiết kiệm, chỉ nên miễn với các khoản gửi quy mô nhỏ. Theo quy định hiện nay, chỉ thu nhập từ lãi tiền gửi của công ty, doanh nghiệp mới bị tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
Ngược lại, tỉnh Ninh Thuận cho rằng cần tiếp tục miễn thuế thu nhập cá nhân đối với lãi tiền gửi tiết kiệm, trái phiếu Chính phủ và các khoản đầu tư dài hạn nhằm khuyến khích tiết kiệm và đảm bảo dòng vốn cho nền kinh tế.
Bộ Tài chính chưa đưa ra phương án cụ thể nhưng khẳng định mọi thay đổi chính sách thuế cần được xem xét cẩn trọng để đảm bảo hài hòa giữa mục tiêu tài khóa và sự ổn định thị trường tài chính.
Thực tế, đề xuất áp thuế với khoản lãi tiền gửi ngân hàng từng được đưa ra cách đây chục năm. Một chuyên gia từng đề xuất đánh thuế thu nhập từ lãi tiết kiệm với những khoản lãi lớn, hàng trăm triệu đồng tại một hội thảo lấy ý kiến sửa Luật Thuế vào năm 2017. Trước đó, năm 2013, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM từng đề xuất đánh thuế thu nhập với những khoản tiền gửi tiết kiệm 1 tỷ đồng trở lên. Nhưng sau nhiều ý kiến phản đối, đề xuất này đã không đưa vào luật Thuế thu nhập cá nhân.
Chia sẻ với báo chí, Chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển cho rằng không nên đánh thuế lãi tiền gửi tiết kiệm. Bởi, tiền gửi tiết kiệm là một trong những kênh huy động vốn chính của các ngân hàng. Từ đó, ngân hàng có nguồn vốn cho vay ra thị trường, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhất là trong bối cảnh vốn tín dụng vẫn đóng vai trò trụ cột.
Do đó, đề xuất đánh thuế tiền lãi gửi tiết kiệm có thể khiến nhiều người giảm gửi tiền vào ngân hàng mà có xu hướng nắm giữ USD hoặc vàng. Khi đó, dòng vốn sẽ bị động thay vì luân chuyển ra nền kinh tế nên cần tính toán, cân nhắc rất kỹ đề xuất đánh thuế này.
Ở các nước, cùng với nguồn vốn từ hệ thống ngân hàng, có rất nhiều nguồn vốn khác để cung ứng tín dụng ra nền kinh tế như vốn từ bảo hiểm nhân thọ, các quỹ hưu trí tự nguyện, quỹ tương hỗ…
Tại Việt Nam, các nguồn vốn này chưa phát triển nên dòng tiền nhàn rỗi của người dân phần lớn vẫn chọn gửi tiết kiệm. Với mặt bằng lãi suất huy động thấp, các tổ chức tín dụng huy động được vốn rẻ để cho vay với lãi suất hợp lý ra thị trường, kích thích tăng trưởng kinh tế.
Thời điểm này và trong khoảng 5 năm nữa, cần tiếp tục khuyến khích người dân gửi tiền tiết kiệm và không nên thu thuế lãi tiền gửi. Chưa kể, hiện rất nhiều khoản thu nhập của người dân đang thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân; mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân đã lỗi thời đang kiến nghị điều chỉnh.
“Đúng là ở nhiều nước phát triển có đánh thuế lãi tiền gửi tiết kiệm nhưng người dân lại được khấu trừ rất nhiều khoản chi khác như khi đi ăn uống, mua sắm, đổ xăng… Chúng ta chưa có áp dụng đồng bộ như các nước, nên không thể "cắt khúc" để thu thuế lãi tiền gửi tiết kiệm. Ngược lại, cơ quan thuế có thể xem xét đánh thuế triệt để ở các lĩnh vực đang còn bỏ ngỏ như kinh doanh online, thương mại điện tử. Việc kéo giảm mặt bằng lãi suất huy động về quanh 5%/năm và vẫn thu hút dòng tiền nhàn rỗi chảy vào hệ thống ngân hàng để từ đó có dòng vốn rẻ cho vay, đã là thành công và cần tiếp tục duy trì”, vị chuyên gia này phân tích.
Những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng huy động vốn tại các ngân hàng luôn chậm hơn so với tốc độ cho vay. Đơn cử như năm 2024, tổng dư nợ cho vay đạt 15,6 triệu tỷ đồng, tăng hơn 2,1 triệu tỷ đồng (tương đương 15,08%). Trong khi đó, huy động vốn chỉ đạt gần 14,7 triệu tỷ đồng, tăng 1,2 triệu tỷ đồng (9,06%).
Dù nguồn vốn không dư dả, các ngân hàng vẫn không chạy đua nâng lãi suất huy động như trước, nhằm giữ lãi suất cho vay ở mức hợp lý, hỗ trợ khách hàng. Từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16%, tương đương gần 2,5 triệu tỷ đồng được bơm ra thị trường, đồng nghĩa với việc các ngân hàng phải tăng cường huy động vốn để đáp ứng nhu cầu cho vay.
Tại một tọa đàm được tổ chức mới đây, ông Trần Ngọc Báu, Tổng Giám đốc của Công ty Dữ liệu Kinh tế Tài chính WiGroup, cho biết: "Chênh lệch lớn giữa tín dụng và huy động hiện tại đang ở mức kỷ lục. Điều này tạo ra sức ép lên các ngân hàng, phải huy động vốn từ các nguồn khác để đáp ứng nhu cầu cho vay. Nếu tình trạng này tiếp tục, lãi suất huy động sẽ chịu áp lực tăng".
Nhìn vào năm 2024, mặc dù tăng trưởng tín dụng gần đạt mục tiêu, nhưng sự chênh lệch giữa tăng trưởng tín dụng và huy động vốn lại khá xa.
"Tốc độ tăng trưởng tín dụng nhanh hơn tốc độ huy động, dẫn đến áp lực lớn về nguồn vốn cho hệ thống ngân hàng, điều này có thể kéo dài trong ngắn và trung hạn, và nếu không giải quyết, sẽ ảnh hưởng lâu dài", ông Báo nhấn mạnh.
Ngoài ra, chuyên gia cho biết lãi suất huy động ngân hàng sẽ chịu áp lực tăng, không phải do chính sách tiền tệ của Việt Nam, mà là do nguồn lực vốn của hệ thống ngân hàng không còn dồi dào như trước.
Bên cạnh đó, rất nhiều ý kiến cho rằng, mục tiêu của chính sách thuế không chỉ nhằm đảm bảo nguồn thu ngân sách mà còn phải duy trì ổn định tài chính và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Việc đánh thuế lãi tiền gửi tiết kiệm vào thời điểm này có thể làm giảm sức hấp dẫn của kênh gửi tiền, gây khó khăn cho ngân hàng trong huy động vốn và ảnh hưởng đến dòng chảy tín dụng trong nền kinh tế.
Mở rộng cơ sở thuế là xu hướng tất yếu, nhưng cần được thực hiện với lộ trình phù hợp, tránh nóng vội khi thị trường tài chính Việt Nam chưa thực sự sẵn sàng. Chính sách này có thể khả thi trong tương lai khi hệ thống tài chính phát triển đồng bộ hơn. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, cần cân nhắc kỹ lưỡng để tránh những tác động tiêu cực đến nền kinh tế.
Nguyễn Lan
Nguồn Thương Gia : https://thuonggiaonline.vn/nguy-co-dong-tien-chay-khoi-ngan-hang-neu-danh-thue-thu-nhap-ca-nhan-tu-lai-tien-gui-tiet-kiem-post557897.html