Các tỉnh phía Nam: Số ca SXH tăng cao, nguy cơ quá tải giường bệnh
Tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM), số ca mắc bệnh SXH đang tăng lên. Đơn cử, từ ngày 1 – 15/7 số ca khám và điều trị ngoại lên đến 267.000 ca, trong khi đó cũng thời điểm này năm 2024 chỉ ở mức 59.000 ca. Ghi nhận sáng 23/7, tại Khoa Nhiễm của Bệnh viện Nhi đồng 2 cũng đang điều trị cho 34 bệnh nhi, trong đó có 6 ca nặng; tại phòng cấp cứu có 4 ca cần theo dõi sát.
Bệnh nhi mắc sốt xuất huyết điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2. Ảnh: S.X
BS CKII Nguyễn Đình Qui – Trưởng khoa Nhiễm cho biết: “SXH đang có chiều hướng tăng cao, tập trung nhiều ở trẻ trên 6 tuổi”. BS Qui dẫn chứng, từ ngày 1 - 15/7, số bệnh nhân nội trú đã bằng cả tháng 6. Đáng lo ngại, số ca SXH nặng chiếm khoảng 20 – 25% tổng số bệnh nhi. Nghĩa là cứ 4 trẻ mắc SXH có 1 trẻ bị nặng, cần nhập viện.
Theo BS Quy, nếu trong các tháng 8 và 9 số ca tiếp tục tăng, nguy cơ bệnh viện quá tải là rất lớn. Chúng tôi đã có kịch bản sẵn, từ 92 giường hiện nay có thể tăng lên 120 giường hoặc tối đa 150 – 155 giường bằng cách bổ sung giường xếp. Thời gian tới có thể trùng với mùa bệnh tay chân miệng, trường hợp SXH không giảm thì nguy cơ “dịch chồng dịch” là hoàn toàn có thể xảy ra. “Hiện nay dịch sởi đã giảm, bệnh tay chân miệng đang chững lại, thời gian tới cả hai bệnh này cùng bùng phát với SXH thì áp lực sẽ rất lớn” - ông Qui nói.
Trao đổi với phóng viên Báo Đại đoàn kết, BSCKII Nguyễn Minh Tiến – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho biết, hiện bệnh viện đang điều trị cho 45 bệnh nhi mắc SXH, trong đó có 4 ca nặng. BS Tiến nhận định: So với cùng kỳ năm ngoái, số ca năm nay nhích lên một chút chứ chưa cao, nhưng dự báo thời gian tới có thể tăng nhanh hơn hiện nay. Năm nay tỷ lệ trẻ lớn từ 12 – 16 tuổi mắc SXH nhiều hơn, trong khi đó trẻ dưới 1 tuổi hay dưới 2 tuổi thường mắc ít hơn nhưng nếu đã mắc thì bệnh diễn tiến nặng hơn, dễ biến chứng. “Đây là điều cần đặc biệt lưu ý để phụ huynh theo dõi sát diễn biến sức khỏe của trẻ, đưa trẻ đi khám sớm khi sốt kéo dài hoặc có các dấu hiệu cảnh báo” - BS Tiến nhấn mạnh.
Dự báo, số ca mắc SXH có thể tăng cao trong thời gian tới nên Bệnh viện Nhi đồng Thành phố đã chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó với tình huống ca bệnh tăng đột biến. Cụ thể, khoa Nhiễm hiện có 58 giường, khoa Nội tổng hợp 60 giường cũng được phân công tiếp nhận bệnh nhi SXH. Các khoa cấp cứu, hồi sức tích cực cũng đã được rà soát nhân lực, vật tư, dịch truyền đa phân tử để tiếp nhận kịp thời những ca nặng. Song song, bệnh viện còn tổ chức tập huấn cho nhân viên y tế tại các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao năng lực xử lý, tránh tình trạng bệnh diễn biến nặng mới chuyển viện.
Hà Nội: Tiềm ẩn một số ổ dịch
Tại Hà Nội, theo báo cáo từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC), tuần vừa qua thành phố đã ghi nhận 26 ca mắc SXH tại 19 phường/xã. Dù cộng dồn cả năm 2025 chỉ mới ở mức 391 ca (giảm mạnh so với cùng kỳ 2024), song điều đáng lo ngại là chỉ số côn trùng tại các ổ dịch đã vượt ngưỡng nguy cơ cao. Một số ổ dịch đang hoạt động tại các địa bàn như Phú Xuyên, Tây Hồ, Hát Môn… cho thấy mầm bệnh đã len lỏi trở lại trong cộng đồng.
Tiêm vaccine phòng sốt xuất huyết là giải pháp phòng ngừa chủ động. Ảnh: VNVC
CDC Hà Nội nhận định, số ca mắc trong tuần có xu hướng tăng, đã ghi nhận một số ổ dịch, kết quả giám sát các ổ dịch chỉ số côn trùng ở ngưỡng nguy cơ cao. Dự báo số mắc có thể gia tăng do bắt đầu bước vào các tháng bệnh gia tăng hàng năm.
Tại một vài tỉnh phía Bắc như Hải Phòng, Ninh Bình, Hưng Yên… đã ghi nhận các ca bệnh rải rác. Thực tế này cho thấy, dù không phải tâm dịch, nhưng khu vực Bắc nhưng đang đứng trước giai đoạn “cửa ngõ” cho một làn sóng mới.
Xu hướng lây lan sau mưa bão
TS. BS Nguyễn Văn Dũng – Trưởng khoa Côn trùng, Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương cảnh báo: “Nước đọng tại các thau chậu, lốp xe cũ, vật dụng phế thải… là nơi muỗi Aedes aegypti sinh sôi mạnh mẽ. Tuy nhiên, sau lũ bão, người dân thường ưu tiên khắc phục hậu quả thiên tai mà ít quan tâm đến việc vệ sinh nơi ở, kiểm tra các dụng cụ chứa nước. Đây là nguyên nhân quan trọng khiến bọ gậy, muỗi phát sinh mạnh, tạo điều kiện thuận lợi cho dịch SXH lan rộng”.
Thực tế bùng phát dịch SXH tại các tỉnh phía Nam và điều kiện thời tiết hiện nay ở miền Bắc cho thấy, nguy cơ SXH bùng phát hoàn toàn có thể xảy ra nếu chủ quan. Ông Võ Hải Sơn - Phó Cục trưởng Cục Phòng bệnh (Bộ Y tế) nhận định: “Chúng ta đang ở trong giai đoạn mà chỉ cần thiếu đồng bộ trong xử lý ổ dịch tại cộng đồng, thì khả năng bùng phát dịch diện rộng là rất lớn”.
Chuyển hướng sang mô hình “dự báo – phòng ngừa”
Không chỉ tại TPHCM, nhiều tỉnh lân cận cũng đang chứng kiến số ca mắc SXH gia tăng nhanh. Báo cáo từ CDC Đồng Nai cho thấy, tính đến ngày 10/7, toàn tỉnh ghi nhận 6.548 ca SXH, tăng 1,67 lần so với cùng kỳ năm trước. Tại xã Trảng Bom (Đồng Nai), Trung tâm Y tế khu vực ghi nhận 563 ca SXH từ đầu năm đến nay, tăng tới 81,5% so với cùng kỳ năm 2024. Đáng nói, nhiều điểm giám sát thực địa vẫn còn đầy muỗi và lăng quăng tại các khu nhà trọ, khu công nghiệp. Dù ngành y tế và chính quyền đã nhiều lần tuyên truyền, nhưng không ít người dân vẫn chủ quan, thiếu hợp tác.
Theo Viện Pasteur TPHCM, xã Trảng Bom hiện đã vượt đường cong chuẩn về dịch tễ học, trở thành địa phương có số ca mắc và số ổ dịch cao bất thường. PGS.TS Nguyễn Vũ Thượng - đại diện Viện Pasteur nhấn mạnh: “Muốn phòng, chống SXH hiệu quả, yếu tố then chốt là ý thức tự giác của mỗi người dân, mỗi hộ gia đình. Cần giữ vệ sinh môi trường sống, loại bỏ các vật chứa nước có nguy cơ phát sinh lăng quăng, đồng thời chính quyền và ngành y tế phải tăng cường truyền thông thay đổi hành vi”.
Trong khi hệ thống y tế vẫn đang chuẩn bị các phương án phân tuyến, tập huấn nhân lực, đảm bảo thuốc men và trang thiết bị thì chính quyền các cấp và người dân cũng phải chuyển từ tâm thế “ứng phó sự vụ” sang “phòng vệ chiến lược”.
Bài học từ các đợt dịch trước cho thấy việc chờ dịch bùng phát rồi mới phản ứng là cách làm bị động, dễ dẫn tới thiệt hại cả về nhân lực, vật lực và sinh mạng. Theo PGS.TS Phạm Quang Thái - Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, để kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, Việt Nam cần chuyển đổi từ mô hình “phát hiện – phản ứng” sang mô hình “dự báo – phòng ngừa”. Muốn vậy, phải đầu tư mạnh vào giám sát dịch tễ chủ động, phát hiện sớm mầm bệnh, thiết lập mạng lưới kiểm tra ổ dịch đến tận tổ dân phố, khu dân cư.
SXH là một căn bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, việc để dịch lan rộng đồng nghĩa với việc đặt hàng triệu người vào thế bị động, nhất là trong thời điểm thiên tai, dịch bệnh chồng lấn như hiện nay.
Theo PGS.TS.BS Nguyễn Thị Cẩm Hường – Trưởng khoa Nhiễm C (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM), vào mùa mưa số ca SXH có thể tăng cao, tạo áp lực lớn lên nhân viên y tế, quá tải bệnh viện và chi phí điều trị.
Chi phí điều trị nội trú cho bệnh nhân nhẹ khoảng 1 triệu đồng/ngày, thường bệnh nhân nằm viện từ 7 – 10 ngày. Với bệnh nhân nặng, thời gian điều trị có thể kéo dài cả tháng và chi phí cao hơn. Người dân chủ động phòng bệnh, không chủ quan nghĩ rằng đã từng mắc SXH thì sẽ không mắc lại, bởi virus Dengue có 4 chủng khác nhau và một người có thể mắc nhiều lần trong đời.
Đức Trân – Thanh Giang