Nhà cổ 'ngáng' mặt bằng dự án đường ở Đồng Nai: Ai hưởng lợi?

Nhà cổ 'ngáng' mặt bằng dự án đường ở Đồng Nai: Ai hưởng lợi?
2 giờ trướcBài gốc
Mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai có chỉ đạo về việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của công trình “nhà lầu ông Phủ” tại TP Biên Hòa nằm chồng lấn mặt bằng dự án đường ven sông tỉnh Đồng Nai. Trước sự việc này, các chuyên gia có nhiều góp ý, phản biện.
Cần tính toán phương án khả thi
Kiến trúc sư Lý Thành Phương – Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh Đồng Nai nhận định, nếu muốn giữ lại công trình thì phải tính toán phương án khả thi. Theo ông Phương, con đường không thể lấn ra sông được, mà giữ lại thì cần phương án đảm bảo tính thẩm mỹ của công trình.
Công trình "nhà lầu ông Phủ" đang gây xôn xao dư luận (Ảnh: Duy Phương)
Ông Phương cho rằng, chỉ khi công trình tạo ra điểm nhấn cho cảnh quan đô thị thì mới có giá trị để giữ lại. Nếu không thì đây sẽ là điểm bất cập trong quá trình phát triển đô thị. Những người có chuyên môn về kiến trúc, đô thị đều hạn chế tối đa việc này.
Dự án kè và đường ven sông Đồng Nai có chiều dài 5,2 km từ TP Biên Hòa đến giáp huyện Vĩnh Cửu, với tổng mức đầu tư gần 2.000 tỷ đồng. Được khởi công từ cuối tháng 12/2021 nhưng đến nay, mặt bằng của dự án vẫn chưa được bàn giao đầy đủ cho đơn vị thi công.
Phân tích kỹ hơn, ông Phương chỉ ra, trước đây khi làm quy hoạch đã đánh giá không hết những giá trị hiện hữu, chưa quan tâm xem xét, coi trọng những giá trị văn hóa, lịch sử.
Bàn về giải pháp, ông Phương cho biết trong trường hợp cần thiết, bắt buộc thì phải giải phóng mặt bằng nhiều hơn. Tuy nhiên, như vậy thì phải sửa lại hồ sơ quy hoạch, cũng như xem xét cả kiến trúc những nhà xung quanh. Nếu không, sau này xung quanh xây nhà 3-4 tầng thì công trình cổ lại “chìm nghỉm”.
"Hai bên nhà cổ có đường hẻm lớn thì mở ra, đáng lẽ không dính vào dự án này. Nhưng hiện khó khăn như vậy thì phải đưa việc mở đường hẻm này vào trong dự án đường ven sông. Ngay từ đầu phát hiện ra và đưa vào dự án thì có giải pháp xử lý liền, gắn với đợt thi công này thì cũng đỡ", ông Phương chia sẻ.
Phải phục vụ lợi ích cộng đồng
Ông Trần Quang Toại – Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Đồng Nai khẳng định, những giá trị về văn hóa, lịch sử cần phải bảo tồn. Mặc dù công trình “nhà lầu ông Phủ” chưa được xếp hạng di tích, nhưng không thể nói là không bảo tồn. Quan điểm đó là của Luật Di sản văn hóa hiện hành.
"Nhà lầu ông Phủ" chồng lấn khoảng 9m với Dự án đường ven sông Đồng Nai (Ảnh: Duy Phương)
Theo ông Toại, nếu giữ lại công trình thì cộng đồng hưởng lợi, không chỉ người dân ở TP Biên Hòa mà sau này phát triển du lịch thì những địa phương lân cận cũng được hiểu hơn về văn hóa, lịch sử của vùng đất này.
Công trình “nhà lầu ông Phủ” là thuộc sở hữu tư nhân, do đó ông Toại đề xuất phải làm công tác dân vận, phải tạo ra được sự đồng thuận giữa Nhà nước với người đang sử dụng công trình.
"Phải chuyển quyền sử dụng từ tư nhân sang quyền sử dụng của Nhà nước. Chắc chắn Nhà nước sẽ giao cho những đơn vị có chức năng để quản lý cho tốt, đưa những hoạt động vào ngôi nhà, tạo ra không gian văn hóa thì mới có hiệu quả phát huy giá trị của di tích", ông Toại cho biết.
Hiện công trình chưa được xếp hạng di tích văn hóa lịch sử (Ảnh: Duy Phương)
Hiện cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai đưa ra 4 phương án xử lý gồm: di dời căn nhà (1), nắn tuyến đường ven sông (2), tạo vòng xuyến quảng trường bao quanh công trình (3), giao thông khác cote kết hợp đảo hoa viên bao quanh công trình (4).
Công trình biệt thự cổ của Đốc phủ Võ Hà Thanh có tên thường gọi là "nhà lầu ông Phủ" tại khu phố 5, phường Bửu Long, TP Biên Hòa nằm trong phạm vi quy hoạch thực hiện Dự án kè và đường ven sông Đồng Nai, được định giá bồi thường số tiền gần 5,4 tỷ đồng. Được biết, công trình này hoàn thành xây dựng vào năm 1924, hiện đã xuống cấp do đã lâu không được trùng tu. Năm 2016 chính quyền tỉnh Đồng Nai từng đưa công trình này vào danh sách xếp hạng di tích. Tuy nhiên, thời điểm đó người trực tiếp quản lý căn nhà không đồng ý xếp hạng di tích.
Duy Phương/VOV-TP.HCM
Nguồn VOV : https://vov.vn/kinh-te/nha-co-ngang-mat-bang-du-an-duong-o-dong-nai-ai-huong-loi-post1125704.vov